Ngạn ngữ cổ có câu: “Không tin người thì không dùng; đã dùng thì phải tin”. Câu này cũng được hiểu là “Nếu bạn không tin tưởng ai đó, đừng thuê anh ta làm việc; nếu đã thuê anh ta, thì đừng nghi ngờ nữa”. 

Trong thế giới kinh doanh ngày nay, điều này đã trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết. Nếu bạn đang đọc bài viết này, có thể bạn đang hoặc là một ông chủ, hoặc đang làm việc cho một ông chủ, hoặc đã từng ở một trong hai vị trí này.

Các lãnh đạo thành công trong các lĩnh vực khác nhau đã nhận ra rằng công việc sáng tạo và tri thức đòi hỏi làm việc một cách cởi mở, minh bạch, và có ý thức đối với xã hội. Một số nơi làm việc không đạt được điều này, do bám dính vào tư duy mệnh lệnh và kiểm soát của thời đại công nghiệp. Trong các tổ chức như vậy, sự cân bằng giữa nhu cầu kiểm soát của người chủ và nhu cầu tự chủ của người lao động rất căng thẳng.

Các nhà lãnh đạo của Trung Hoa cổ đại đã đưa ra một số cái nhìn sâu sắc đối với mối quan hệ này. Câu chuyện sự nghiệp của Hoàn Công [1] và Quản Trọng, cả hai cùng nhau cai trị nhà Tề phía Đông của Trung Quốc hơn 2.000 năm trước, sẽ minh họa cho một số nguyên tắc lãnh đạo xung quanh vấn đề tin tưởng và tự chủ trong công việc.

Chọn dùng người do phù hợp về tính cách và văn hóa

Bạn liệu có chọn thuê người đã từng cố gắng giết bạn? Hay người mà sơ yếu lý lịch toàn toàn các dự án thất bại? Tề Hoàn Công đã làm thế khi ông trọng dụng Quản Trọng, người phạm vào cả hai tội trên.

Quản Trọng từng ở dưới trướng một trong những địch thủ của Hoàn Công, và theo lệnh người chủ cũ, ông từng cố giết Hoàn Công. Không những vậy, ông cũng chưa thành công trong bất cứ công việc nào trước đây. Khi còn là lính, ông từng bỏ trốn, và trước đó thì ông là một người buôn bán tầm thường.

Tuy nhiên, thông qua một viên cận thần Bào Thúc Nha – vốn là bạn thân của Quản Trọng, Hoàn Công đã học cách đánh giá Quản Trọng theo một thước đo khác.

Theo lời viên quan trên, người đã làm việc cùng Quản Trọng từ khi còn trẻ, thì nhiệm vụ ám sát Hoàn Công thất bại không phải là do năng lực kém. Những thất bại của Quản Trọng khi ông tận sức phục vụ dưới trướng chủ cũ cho tới phút cuối không có nghĩa là ông ta không đáng tin cậy.

Dựa vào kinh nghiệm làm việc cùng Quản Trọng, Bào Thúc Nha tin rằng ưu điểm hàng đầu của Quản Trọng, ấy là ông luôn hành động vì lợi ích của người dân dù bất kể ai đang nắm quyền. Ông sẵn sàng chịu thất bại trong một cuộc chiến nếu đó chỉ là một cuộc chiến ngôn luận.

“Nếu ngài chỉ muốn cai trị một nước, dùng tôi có lẽ là đủ,” viên cận thần nói, “nhưng nếu ngài muốn thống trị toàn Trung Hoa, không ai tốt hơn Quản Trọng”.

Trong hai ngày liên tiếp, Hoàn Công triệu kiến Quản Trọng. Hoàn Công nhận ra minh bạch rõ ràng tất cả những hạn chế của mình, Quản Trọng là hiện thân của tầm nhìn rộng lớn, khoáng đạt mà ông cần cho triều đại của mình.

Quản Trọng được tin dùng, và triều đại nhà Tề bắt đầu hưng thịnh.

Tin dùng đúng người, quốc gia thịnh vượng

Khi được nước Tề tin dùng, Quản Trọng cai trị theo nguyên tắc thuận theo tự nhiên của Đạo gia. Ông dạy cho người dân những điều mà sau này được biết đến như là đạo đức Nho giáo, chuẩn mực đạo đức trong toàn lãnh thổ được nâng cao. Ví dụ, ông coi trọng 4 trụ cột lễ nghi, công bằng, chính trực và danh dự; nhờ đó, khuyến khích bản tính tốt đẹp của con người.

Khi Hoàn Công đã tin cậy giao cho ông quản lý đất nước, Quản Trọng cũng tin cậy nhân dân siêng năng, không thu thuế nặng hay cai trị hà khắc.

Trong vòng vài thập kỷ, dưới sự quản lý của Quản Trọng, nhà Tề trở thành nước giàu có nhất Trung Hoa. Quân đội của họ được triển khai chỉ nhằm mục đích tự phòng vệ và bảo vệ đồng minh khỏi kẻ thù xâm lược. Họ luôn được rèn luyện, trang bị tốt, và luôn bách chiến, bách thắng. Hơn nữa, các học giả từ khắp Trung Hoa đã tới nước Tề để học hỏi và truyền bá tư tưởng của mình.

Quản Trọng nhận thức sâu sắc theo Đạo rằng triều đình tốt nhất là triều đình mà người dân cảm thấy họ ít bị cai trị nhất. Các nguyên tắc quản trị mà ông sử dụng để quản lý nước Tề đã được truyền rộng trên khắp Trung Quốc và sau đó có ảnh hưởng tới sự truyền dạy của Khổng Tử.

Đất nước suy yếu, khi lời khuyên chính trực không được chú ý

Nhiều năm trôi qua, Quản Trọng đã lớn tuổi. Thấy vị quan thông tuệ của mình trên giường bệnh, Hoàn Công muốn tìm người thay thế. Hoàn Công đã đề xuất 3 người, nhưng Quản Trọng đều không đồng ý. Những vị này, theo ông nhận định, trong khi bề ngoài trung thành, nhưng đều từng có các hành vi đê tiện trong gia đình, điều này phản ánh tâm tính nhỏ nhen và thiếu hiểu biết các nguyên tắc đạo đức cơ bản.

Như Quản Trọng và sau này là Khổng Tử dạy, gia đình cấu thành đơn vị căn bản nhất trong các mối quan hệ xã hội. Một người không ứng xử tốt với gia đình của mình thì cũng không đáng tin cậy khi thực thi các nhiệm vụ xã hội.

Quản Trọng qua đời, nhưng Hoàn Công không coi trọng lời của Quản Trọng. Thay vì thấy được hành vi của ba viên quan kia chỉ vì danh lợi cá nhân để được thăng tiến, ông lại coi đó là lòng trung thành.

Hoàn Công đã phong cho cả ba người này tới chức Thượng thư, và ngay sau đó, các gian thần này đã phản lại ông.

Ba gian thần nhốt Hoàn Công trong cung điện và giả truyền mệnh lệnh của ông. Hoàn Công, người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc một thời, bị bỏ đói cho đến chết trong tù ngục và nước Tề rơi vào suy thoái.

[1][Chú thích của người dịch] Theo Wiki: Tề Hoàn công (chữ Hán: 齊桓公; trị vì: 685 TCN –643 TCN), tên thật là Khương Tiểu Bạch (姜小白), là vị vua thứ 16 của nước Tề – một chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Tề Hoàn Công là vị vua chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu.

Theo NTDTV
Quế Trà biên dịch