Thái tử Shotoku là một trong những nhân vật được biết đến nhiều nhất trong lịch sử Nhật Bản. Những ai được sinh ra từ năm 1960 sẽ biết rằng hình ảnh Thái tử Shotoku được in trên tờ tiền 5 ngàn yên hoặc tờ 10 ngàn yên cũ.

To Daiwajo Toseiden tạm dịch là Đường đại hòa thượng đông chính truyện, là dữ liệu lịch sử chi tiết và nguyên bản nhất được biên soạn bởi ông Omi no Mifune (722 – 785), một học giả và nhà văn Nhật Bản của kanshi và kanbun, sống trong thời kỳ Nara của lịch sử Nhật Bản. Đây là cuốn sách ghi chép về các tăng nhân đời Nhà Đường, thủy tổ của Phật giáo Nhật Bản và các y học gia nổi tiếng. 

Theo ghi chép trong cuốn sách, Omi no Mifune khi ở Đại Minh tự ở Dương Châu từng nói: “Trước đây tôi từng nghe kể, Nam Nhạc Huệ Tự Thiền Sư sau khi viên tịch, để có thể phát triển Phật Pháp, đã thác sinh làm con trai của Thiên Hoàng Nhật Bản”. Vương tử của Thiên Hoàng Nhật Bản được đề cập ở đây chính là Thái tử Shotoku trong thời đại Asuka. Những lời của Omi no Mifune đã tiết lộ một câu chuyện kỳ lạ vượt qua biên giới quốc gia.

Thái tử Shotoku (Thánh Đức Thái tử) ShOtoku Taishi (574 – 622), là con trai thứ hai của Thiên Hoàng Yomei (Dụng Minh). Ông là một nhà chính trị, nhà cải cách, nhân vật Phật giáo lừng danh trong lịch sử Nhật Bản. Thánh Đức Thái tử chào đời vào tức là nửa sau thế kỷ thứ VI, khi quốc gia “thời cổ” này đã đứng vững. Ông tên thật là Umayato (Cứu Hộ) và có các tên khác như Toyosatomimi (Phong Thông Nhĩ), Kamitsumiyao (Thượng Cung Vương). Thánh Đức Thái tử, hay Thái tử Shotoku, là thụy hiệu của ông.

Chân dung Thánh Đức Thái tử trên đồng 10.000 yên (nguồn: Wikipedia).

Giấc mơ kỳ lạ của Vương Phi – Thần tăng báo mộng tới ở nhờ

Theo ‘Tiểu sử Thái tử Shotoku’ trong tư liệu lịch sử Nhật Bản, khi Thái tử chưa được sinh ra, mẹ ông nhìn thấy một vị thần tăng kim sắc đứng trước mặt bà. Vị tăng nhân nói với bà: “Tôi có nguyện vọng muốn cứu độ thế nhân, muốn tới xin tạm thời sống nhờ trong bụng vương phi”. Vương Phi lại hỏi: “Ông là ai?”. Vị tăng nhân đáp: “Ta là Bồ Tát cứu thế, sống ở thế giới Tây Phương”. Vương Phi nói: “Nhưng tôi là người phàm trần, trong bụng rất dơ bẩn, quý nhân sao có thể tới ở nhờ?”. Vị tăng nhân trả lời: “Ta không phiền điều đó, chỉ hy vọng có thể chuyển sinh tới nhân gian”.

Vương phi không dám tiếp tục từ chối chỉ có thể gật đầu. Sau khi mang thai, bà đột nhiên trở nên thông minh sáng suốt lạ thường, đặc biệt vô cùng am hiểu, hay bàn luận về những đạo lý của Phật giáo. Khi vương phi sinh nở, có một luồng ánh sáng vàng rực rỡ từ phía tây chiếu sáng khắp cung điện. Thiên Hoàng Yomei nghe được tin này liền dẫn một đoàn tùy tùng tới xem và thấy luồng ánh sáng rực rỡ vẫn còn chói lóa.

Tiểu Thái tử hồi ức về tiền kiếp

Khi hoàng tử lên hai tuổi, vào sáng ngày 15 tháng 2, người bảo mẫu nhìn thấy cậu đang chắp tay hợp thập quay mặt hướng về phía Đông bái Phật như dáng vẻ của một người đã trưởng thành. Khi hoàng tử lên ba tuổi, phụ hoàng bế cậu dạo chơi quanh hoa viên và mỉm cười hỏi: “Con trai, con thích gì? Hoa đào hay cây thông?”. Thái tử trả lời: “Con thích cây thông. Hoa đào ngắn ngủi, cây thông xanh tươi muôn đời”.

Vào tháng 10 một mùa đông khi tiểu Thái tử lên 6 tuổi, nước Baekje trên bán đảo Triều Tiên có cử các thiền sư, tăng nhân tới Nhật Bản. Một ngày nọ, Thái tử ngồi bên cạnh giường của Thiên Hoàng và nói: “Con muốn xem kinh thư mà nước Baekje dâng tặng”. Thiên Hoàng hỏi cậu: “Tại sao?”. 

Tiểu Thái tử trả lời: “Thời trước, con tu hành ở núi Hoành Sơn Trung Quốc, nghe lời giáo huấn chỉ bảo của Đức Phật. Hôm nay con muốn đọc kinh thư mà họ cung tiến”. Thiên Hoàng nghe xong vô cùng kinh ngạc bèn hỏi: “Con mới 6 tuổi, thường ở bên cạnh trẫm, con tới Trung Quốc lúc nào? Không được bịa chuyện với ta”. Tiểu Thái tử trả lời: “Đó là tiền kiếp của con, vì vậy con nhớ được”.

Vào năm Thiên Hoàng Yomei thứ 2, Thái tử Shotoku khi đó 16 tuổi được lệnh chinh phục phiến quân. Trước đó, ông ra lệnh cho người chặt cây và điêu khắc bốn bức tượng thần Thiên vương, đặt trong quân đội để cầu nguyện và tăng cường tinh thần cho binh sĩ. Sau khi Thái tử thắng trận, ông quyên tặng tất cả tài sản của phiến quân cho nhà chùa và xây dựng chùa Shitenno-ji và đền Faxing. 

Thái tử nhiếp chính nhớ lại đệ tử tiền kiếp

Năm 20 tuổi, Thái tử Shotoku trở thành quan nhiếp chính cùng với đại thần Soga no Umako trợ giúp Thiên Hoàng Suiko điều hành chính sự. Trong thời gian nắm quyền, Thái tử Shotoku đã thực thi được nhiều việc quan trọng như: biên soạn “Hiến pháp 17 điều”, tạo ra “12 vương vị” xác lập thân phận, địa vị của quan lại, quý tộc và cử người sang nhà Tùy (Trung Quốc) học tập văn hóa, chế độ chính trị. Là người sùng đạo Phật, Thái tử Shotoku còn tham gia vào việc chú thích Pháp Hoa Kinh và xây dựng các ngôi chùa như Ikaruga-dera, xúc tiến mở mang Phật giáo trong dân chúng.

Thái tử Shotoku cùng em trai (trái: Hoàng tử Eguri) và con trai trưởng (phải: Hoàng tử Yamashiro) (nguồn: Wikipedia).

Vào năm đầu tiên của Thiên Hoàng Suiko, năm Thái tử 22 tuổi, Thiên Hoàng phong cho ông là Hoàng Thái tử, có thể thay mặt giải quyết chiều chính. Thái tử từ chối và một lần nữa nhắc lại rằng kiếp trước ông sinh ra ở Trung Quốc, đã từng chuyển sinh rất nhiều lần. Lần này ông sinh ra trong gia đình hoàng tộc là muốn xuất gia tu đạo, hồng dương Phật Pháp ở Nhật Bản. Tuy nhiên Thiên Hoàng không cho phép Thái tử xuất gia nên ông đành chấp nhận điều hành việc quốc sự triều đình.

Thiên Hoàng thường nghe Thái tử giảng giải về những kinh điển Phật giáo nên biết Phật Pháp là vô cùng huyền diệu. Ông phát nguyện nhất tâm cúng dường Phật Pháp, cung cấp tiền đúc tượng Phật. Vào năm Thiên Hoàng Suiko thứ 22, Thiên Hoàng lựa chọn 1000 người đi xuất gia để hoằng dương Phật môn.

Năm thứ 10 Thiên Hoàng Suiko, một tăng nhân nước Baekje được cử tới Nhật Bản cung tiến các loại sách về thiên văn học, địa lý, độn giáp. Độn giáp là một trong ba môn học xếp vào tam thức. Có sách thêm hai chữ “Kỳ Môn” ở trước và có tên gọi là Kỳ Môn độn giáp. Độn giáp là môn tính toán căn cứ vào sự tiêu trưởng của Âm Dương để đặt ra những nguyên tắc và định lý quyết đoán sự diễn tiến cát hung của sự vật, phương thuật… Vị cao tăng còn chọn bốn người Nhật tới học về lịch pháp, phương thuật. 

Ngày nọ, Thái tử nói với các quan đại thần: “Trước đây ta từng tu hành ở Hoành Sơn. Vị tăng nhân này từng là đệ tử của ta, thường ở bên cạnh ta. Ông ấy thường kể về thiên văn, sông núi và những chuyện của tiểu đạo thế gian. Khi ta thác sinh vào gia đình hoàng tộc này, ông ấy cũng lại tìm tới đây”.

Cử đoàn đi sứ phụng mệnh tìm lại kinh thư

Một ngày vào năm Thiên Hoàng Suiko thứ 4, khi Thái tử đang cùng pháp sư Huệ Từ nghiên cứu kinh Phật đột nhiên Thái tử chỉ vào cuốn kinh thư và hỏi: “Trong Pháp Hoa Kinh câu này thiếu một chữ. Ân sư, những phiên bản trước đây người nhìn thấy cũng tương tự như vậy à?”. Pháp sư đáp: “Kinh thư ở các quốc gia khác, chỗ này cũng đều không có chữ”. 

Thái tử bày tỏ: “Câu này còn có một chữ nữa. Ta nhớ một cuốn kinh thư từng đọc trước đây là có thêm một chữ”.

Pháp sư Huệ Tự hỏi: “Quyển kinh thư mà điện hạ đọc hiện nay đang ở đâu? Có thể cho ta xem một chút không?”. Thái tử mỉm cười nói: “Ở chùa Hành Sơn, Hoành Châu”. Pháp sư vô cùng cảm động chắp tay hợp thập cúi đầu hành lễ.

Năm Thiên Hoàng Suiko thứ 15, Thái tử dâng tấu xin Thiên Hoàng phái sứ thần Ono no Imoko (chính trị gia và nhà ngoại giao Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ 6 và đầu thế kỷ thứ 7) tới Trung Quốc tìm lại bộ kinh Phật đó để lưu làm bản chuẩn của Pháp Hoa Kinh. 

Vào đêm trước ngày Ono khởi hành, Thái tử nói với ông ta chi tiết về vị trí của Hành Sơn, tuyến đường vào núi và hiện trạng của các nhà sư trên núi. Ông trao vài bộ quần áo tăng nhân và dặn dò phải đưa chúng cho một vị cao tăng ở Hành Sơn, Nam Nhạc. Sau khi đến Trung Quốc, đại sứ Nhật Bản đã tìm thấy vị cao tăng trên núi như lời dặn của Thái tử, trao lại món quà ông gửi và có được bộ kinh thư như Thái tử mong muốn.

Thái tử tu hành có thành tựu, tự biết dự đoán tương lai

Dù bận rộn chính sự đất nước, tuy nhiên công phu tu luyện của ông không vì thế mà giảm. Một lần, Thái tử quan sát sự thay đổi của trời đất tiết khí, biết rằng đất nước sẽ có động đất nên hạ lệnh cho người dân nhanh chóng tranh thủ thời gian gia cố tu sửa nhà cửa, quả nhiên khi xảy ra động đất không xảy ra thiệt hại.

Năm Thiên Hoàng Suiko thứ 26, khi Thái tử 47 tuổi, ông nói với các quan đại thần: “Vùng Trung Quốc đang xảy ra cuộc dấy binh đại chiến, các nước lớn sẽ tiêu diệt các nước nhỏ, một người họ Lý sẽ tuân mệnh xuất sinh. Vận mệnh của nhà Tùy sẽ kết thúc trong năm nay”. Sau đó, quả nhiên Lý Nguyên cha của Hoàng đế Lý Thế Dân khởi binh tại Thái Nguyên tiêu diệt nhà Tùy đúng như thời dự đoán trước đó của Thái tử. 

Mùa đông năm đó, Thái tử cho mời Thái tử phi tới và giảng cho bà về luật nhân quả cũng như những lần Thái tử chuyển sinh tại Trung Quốc. Thái tử kể, có một kiếp ông xuất sinh trong một gia đình nghèo khó bần hàn, khi có cơ duyên được nghe pháp sư giảng pháp, ông đã xuất gia trở thành một hòa thượng. Trong kiếp đó ông tu hành hơn 30 năm và chết ở chân núi Hành Sơn. Bây giờ ngẫm lại, khi đó là vào thời nhà Tấn. 

Sau đó ông đầu thai vào nhà họ Hán và phát nguyện đời đời kiếp kiếp chuyển sinh hoằng dương Phật Pháp, nên lên núi Hành Sơn tu hành hơn 50 năm. Lúc đó là vào thời Tống Văn Đế. Sau khi ông tạ thế, lại xuất sinh vào người phụ nữ họ Câu, đắc được nam thân người và xuất gia tu đạo. Trải qua hơn 40 năm, sau khi ông qua đời lại thác sinh vào người phụ nữ họ Cao, khi đó vào thời Tề vương quân lâm thiên hạ, ông lại lên Hành Sơn, tu hành hơn 60 năm. Vào triều Lương, ông lại chuyển sinh làm con trai Lương tướng quân, vẫn tu hành ở Hành Sơn 70 năm. Lúc đó ông phát nguyện chuyển sinh tới Nhật Bản, để hoằng dương Phật Pháp. Thái tử bày tỏ, nếu kiếp này kết thúc, ông sẽ lại thác sinh vào một gia đình nghèo khó để tiếp tục nhập đạo đắc Pháp. Ông hy vọng Thái tử phi đừng vì điều này mà đau buồn.

Mùa xuân năm Thiên Hoàng Suiko thứ 29, Thái tử ở trong cung Ikaruga và lệnh cho Thái tử phi tới thay quần áo và tắm rửa. Sau khi thay đồ, ông nói với Thái tử phi: “Tối nay ta sẽ rời đi, nàng có thể đi cùng ta”. Ngày hôm sau, người hầu trong cung tới và phát hiện Thái tử cùng vương phi đều đã viên tịch. Tin tức truyền ra làm cả nước đều khóc thương đau buồn.

Sự phát triển của đất nước Nhật từ thời Thiên Hoàng Suiko tới Cải cách Taika được gọi là Thời kỳ Asuka. Sự phát triển hưng thịnh và truyền bá rộng rãi của Phật giáo thời điểm này đã trở thành điểm sáng và sự phồn vinh của văn hóa Nhật thời kỳ Asuka. Thái tử Shotoku với nhiều kiếp tu hành tại Hành Sơn, tích phúc đức nhiều đời nhiều kiếp đã làm hưng thịnh Phật Pháp Nhật Bản như ước nguyện. Ông trở thành người đầu tiên thắp sáng và làm hưng thịnh thời kỳ Asuka. Mối kỳ duyên của ông với Hành Sơn cũng là giai thoại lưu danh thiên cổ tại Nhật Bản.

Thái tử Shotoku là một đối tượng thờ cúng của người dân Nhật Bản từ lâu. Sự thờ cúng này chiếm một vị trí trong tư tưởng mà chính Thái tử đã sáng tạo ra.Thái tử một mặt cống hiến tối đa cho việc phổ đạo Phật từ ngoài truyền vào, mặt khác đã có sự nghiệp to lớn đó là tạo ra cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản. Ngày nay, phong cách áp dụng văn hóa một cách chọn lọc chính ảnh hưởng lớn nhất mà người Nhật tiếp nhận được từ vị Thái tử này.

Kiên Định
Theo NTDTV

Video: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

videoinfo__video3.dkn.tv||4e9cbeafb__