Chu Ân Lai được coi là “vĩ nhân một thời đại” trong lòng nhiều người dân Trung Quốc, được mệnh danh là “thủ tướng của nhân dân” và “đảng viên ĐCSTQ được lòng dân nhất”. Tuy nhiên, kẻ đứng sau cái cổng tò vò cao lớn này là người như thế nào? Bạn có biết rằng ông ta là người lãnh đạo sớm nhất của tổ chức đặc vụ của ĐCSTQ không? Bạn có biết rằng, ông ta là một kẻ sát nhân máu lạnh không nương tay không?

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng!

Hôm nay, chúng tôi sẽ cùng các bạn ôn lại một sự kiện trong quá khứ của Chu Ân Lai để hiểu rõ hơn về ông Chu.

Cố Thuận Chương trở thành trợ thủ đắc lực của Chu

Mở đầu câu chuyện, xin giới thiệu một nhân vật chủ chốt khác – Cố Thuận Chương, quê ở Ngô Tùng, Bảo Sơn, Thượng Hải, gia nhập ĐCSTQ năm 1924. Năm 1926, ông ta được cử sang Liên Xô học tập cách làm công tác “bảo vệ chính trị”. Sau khi trở về Trung Quốc năm 1927, ông ta trở thành trợ thủ đắc lực của Chu Ân Lai.

Ngày 25 tháng 5 năm 1927, Chu Ân Lai được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quân sự Trung ương ĐCSTQ, ngay sau đó, Bộ Quân sự thành lập “Cục công tác đặc vụ” hay còn gọi là Cục đặc vụ, với Cố Thuận Chương là trưởng đơn vị. Ngày 9 tháng 10 cùng năm, “Đơn vị đặc vụ” được tổ chức lại thành Cục hành động đặc biệt Trung ương, gọi tắt là Cục đặc vụ Trung ương. Tháng 11, cục đặc vụ trung ương chính thức được thành lập tại Thượng Hải, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Chu Ân Lai, với 4 đơn vị: thứ nhất là tổng cục, thứ hai là cục tình báo, thứ ba là cục hành động, thứ tư là cục thông tấn; Cố Thuận Chương kiêm nhiệm chức vụ cục trưởng ba cục.

Cố Thuận Chương bị bắt

Bốn năm sau, vào ngày 25 tháng 4 năm 1931, Cố Thuận Chương bị Thái Mạnh Kiên, đặc phái viên Vũ Hán của Bộ phận điều tra thuộc Trung ương Quốc Dân Đảng bắt giữ. Cố Thuận Chương quyết định đầu hàng chính phủ Quốc dân đảng, nhưng biểu thị rằng sẽ chỉ khai báo tên và địa chỉ của các lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ cho đến khi chính ông ta được gặp Tưởng Giới Thạch.

Vào đêm xảy ra sự việc, Thái Mạnh Kiên đã gửi liên tiếp 6 bức điện tín cho cấp trên của mình ở Nam Kinh. Từ Ân Tăng, Trưởng phòng Điều tra các vấn đề đảng của Trung ương Quốc dân đảng, báo cáo tình huống.

Kết quả là Tiền Tráng Phi, thư ký cơ yếu của Từ Ân Tăng, một đặc vụ bí mật của ĐCSTQ đột nhập vào Quốc dân đảng, đã nhận được bức điện bí mật ở Nam Kinh. Tiền Tráng Phi trước khi đưa Cố Thuận Chương đến Nam Kinh, đã cấp tốc báo tin cho Chu Ân Lai tại Thượng Hải, sau đó tự mình đào thoát khỏi Nam Kinh.

Sau khi Chu Ân Lai nhận được báo cáo, ông ta tấn tốc tổ chức điều chuyển các cơ quan và nhân sự quan trọng của Trung ương đảng, Tỉnh ủy Giang Tô, Cục Viễn Đông thuộc Thành ủy Thượng Hải càng nhanh càng tốt, và cắt đứt toàn bộ liên lạc với Cố Thuận Chương.

Vào ngày 10 tháng 6 năm 1931, Cục viễn đông Quốc tế Cộng sản ở Thượng Hải đã viết một báo cáo cho Quốc tế Cộng sản rằng: “Nhân viên công tác bí mật của chúng tôi ở Nam Kinh (Tiền Tráng Phi) đã báo cáo với Moskish (ám chỉ Chu Ân Lai) rằng vào ngày 25 tháng 4 đã có một đảng viên Cộng sản danh tiếng bị bắt ở Hán Khẩu, chứng minh rằng anh ta là ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ (lưu ý: là thành viên dự khuyết của Bộ Chính trị), phụ trách công tác đặc vụ. Anh ta muốn gặp Tưởng Giới Thạch và các nhân viên công tác đặc vụ (của Quốc dân Đảng) ở Nam Kinh để kể hết mọi chuyện, và chuẩn bị làm việc cho Chính phủ Nam Kinh (của Quốc dân Đảng)…… “

Báo cáo cũng cho biết, “Ban đầu, chúng tôi không tin rằng người này có khả năng phản bạn. Sau đó, chúng tôi nghĩ rằng Cố sẽ không lập tức kể toàn bộ câu chuyện, vì vậy đã dành cả tuần cho các cuộc thảo luận và đồn đoán, mà không thể xác định tính xác thực của vấn đề. Một sự phản bạn như vậy là vô cùng đáng ngại, vì Cố không chỉ biết nơi ở của tất cả các lãnh đạo ĐCSTQ, mà còn cả nơi ở của Kranmo và Potoshevsky. Trong vài ngày, chúng tôi nghĩ rằng cảnh sát sẽ đến những nơi này, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bị cần thiết. Cho đến hiện tại, chưa có cảnh sát tuần tra nào đến.”

Có thể thấy rằng gần hai tháng sau khi Cố Thuận Chương bị bắt, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và các quan chức của Thành ủy ở Thượng Hải vẫn bình an vô sự.

Chu Ân Lai dẫn đầu một đội tàn sát hơn mười người trong nhà Cố Thuận Chương

Vào thời điểm đó, vợ, các anh chị em vợ, bố mẹ vợ, cô dì và em gái của Cố Thuận Chương đều công tác trong cơ quan mật vụ của ĐCSTQ, chịu trách nhiệm nấu nướng, trông nhà và mua sắm. Sau khi Chu Ân Lai điều chuyển các nhân sự quan trọng ở Thượng Hải, ông ta lo lắng nhà họ Cố sẽ làm lộ bí mật nên đã đích thân tổ chức cho Hồng Dương Sinh, cục trưởng thứ nhất của Cục đặc vụ trung ương ĐCSTQ và những người khác thực hiện hành động ám sát những người trong gia đình Cố.

Theo nội dung trong kỳ 22 năm 2010 của tờ báo “Văn sử tham khảo” của ĐCSTQ, vì ở trong nội thành, những người này không dám nổ súng, mà dùng dao thì rất khó xử lý vết máu, nên họ đã dùng biện pháp siết cổ bằng dây thừng. Sau khi gây án, họ gặp khó khăn trong việc vận chuyển thi thể ra ngoài thành phố, nên phải đào một cái hố sâu trong sân để chôn, và trát xi măng lên mặt để đề phòng mùi hôi thối thoát ra ngoài.

Cuối cùng, có tổng cộng 11 người bị sát hại tàn nhẫn, đó là: Trương Hạnh Hoa, vợ của Cố Thuận Chương, mẹ vợ Trương Lục Thị, bố vợ Trương A Đào, các anh chị em của Cố Thuận Chương là Cố Duy Trinh và Ngô Thiều Lan, chị dâu của Cố Thuận Chương là Trương Ái Bảo từ quê lên Thượng Hải, em họ của vợ Cố Thuận Chương là Diệp Tiểu Muội, em trai của chị dâu Ngô Khắc Xương và chị dâu (không rõ tên), một người giúp việc (không rõ tên), và một khách chơi mạt chược tại nhà của Cố là Tư Lệ, em trai của Tư Liệt, tư lệnh sư đoàn thứ hai của quân đoàn 26 của Quốc dân đảng.

Chỉ có con gái 3 tuổi Cố Lợi Quần của Cố Thuận Chương và cháu trai 2 tuổi Cố Ích Quần, vẫn sống sót sau thảm nạn.

Cố Thuận Chương nói rằng Chu Ân Lai là một ác thủ sát nhân

Ngày 29 tháng 11 năm 1931, Cố Thuận Chương đăng trên tờ “Thân báo” của Thượng Hải phát biểu “Thông cáo về một phần thưởng sẽ được đưa ra cho ai bắt được hung thủ sát nhân Chu Ân Lai”. Thông cáo viết: “Thuận Chương bị kích động bởi trào lưu cách mạng vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 13, đã đi lạc vào con đường sai lầm của đảng Cộng sản, trong vài năm, đã tham dự hoạt động cơ mật. Chứng kiến hết thảy những hành động phản phúc nghịch đạo của đảng, sự hắc ám trùng trùng của đảng, hoàn toàn trái ngược ý nguyện ban đầu của bản thân tôi khi tham gia cách mạng, không chịu nổi cảnh hủy hoại quốc gia, họa hại dân chúng, do đó bản thân tôi đến tháng 4 năm nay đã tự động thoát ly khỏi đảng Cộng sản, tự thân sám hối trước cơ quan đương cục Quốc dân đảng.”

“Các thủ lĩnh của đảng Cộng sản, gồm Chu Ân Lai, Triệu Dung, và những kẻ khác đã tự tay sát hại cả gia đình hơn chục người, bao gồm cả những người ruột thịt, họ hàng và bạn bè xa gần, đều đã thiệt mạng.” “Một hành vi thú tính tàn khốc như vậy, tuyệt diệt nhân đạo, thực sự là một thảm án vô tiền khoáng hậu. Ác họa truyền tới, tôi đau đớn tới mức không còn muốn sống. Nay Chính phủ Quốc dân đã treo thưởng 2 vạn nguyên tệ, ngoài việc nghiêm minh truy bắt tội phạm và truy tố theo quy định của pháp luật, còn đưa ra một phần thưởng riêng của Thuận Chương, để an ủi những oan hồn. Ai có thể bắt được hung thủ Chu Ân Lai, Triệu Dung và những kẻ khác để giải quyết vụ án, Thuận Chương xin thưởng thêm 3 ngàn nguyên tiền, hoặc người thông báo qua thư, thưởng 2 ngàn nguyên tiền.”  

Tại sao Cố Thuận Chương lại tin rằng Chu Ân Lai là hung thủ sát nhân? Theo bài báo “Phượng hoàng truyền hình vệ tinh phỏng vấn góa phụ Trương Vĩnh Cầm và con gái Cố Lợi Quần của Cố Thuận Chương”, nguyên lai Cố rất lo lắng cho sự an toàn của gia đình mình kể từ khi bị bắt. Sau đó, khi thấy anh rể Trương Trường Canh, ông ta đã bảo Trương Trường Canh xuống đường tìm những người Cộng sản đảng mà ông biết và hỏi thăm tình hình. Trương Trường Canh lang thang trên phố trong vài tháng, cuối cùng đã gặp được Vương Thế Đức của Cục đặc vụ trung ương ĐCSTQ, vì vậy đã tóm lấy Thế Đức và hỏi người nhà mình đang lưu lạc ở đâu. Khi đó, phòng tuần tra Thượng Hải cũng đang bí mật theo dõi Trương Trường Canh, và họ đã nhân cơ hội bắt giữ Vương Thế Đức.

Mà Vương Thế Đức chính là một trong những hung thủ đã tham gia vào việc sát hại cả gia đình họ Cố. Ông ta đã nhanh chóng khai ra tình tiết của vụ giết người. Theo lời thú nhận của Vương, vào ngày 23 tháng 11 năm 1931, trưởng phòng tuần tra Thượng Hải kiêm kiểm sát viên Trần Mãn Tam, kiểm sát viên Đinh Sĩ Khuê, các bác sĩ pháp y Ngụy Lập Công, Khương Tuyền, và những người khác, đã đến hiện trường vụ giết người và địa điểm chôn xác tại số 33 và số 37 đường Diêu Chủ Giáo để tiến hành điều tra khai quật tử thi, đã khai quật được 11 thi thể.

Được các tờ báo cả tiếng Trung và tiếng Anh như Thân Báo, Thời Báo, Dân Quốc Nhật Báo, và Tự Lâm Tây Báo đưa tin chi tiết, đương thời, vụ giết người giấu xác này đã gây chấn động ở Thượng Hải, chấn động cả trong và ngoài nước.

Vương Thế Đức tố Chu Ân Lai là ác thủ sát nhân

Vào ngày 11 tháng 1 năm sau, Vương Thế Đức trên “Thân Báo” cũng đưa ra phát biểu “Thanh minh khẩn cấp về việc thoát ly đảng Cộng sản”. Trong đó viết: “Tôi đã gia nhập đảng Cộng sản vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16. Trong hai năm qua, tôi xung nhậm làm công tác đặc vụ Trung ương đảng. Tôi đã thấy những hành động phản phúc nghịch đạo của đảng gây di hại cho xã hội, sự hung ác thâm độc vô nhân đạo, tự tàn sát lẫn nhau. Tôi từ tháng trước đã ăn năn hối lỗi với Quốc dân đảng, từ nay thoát ly khỏi đảng Cộng sản, tại đây thanh minh tuyên bố.”

“Hơn nữa, trong vụ khai quật tử thi ở Thượng Hải gây chấn động tháng trước, người cung cấp tin mật Lý Long Chương thực chất là hóa danh của chính tôi. Bởi vì vụ thảm sát này thực sự là do các thủ lĩnh đảng Cộng sản, Chu Ân Lai, Triệu Dung, v.v. làm ra, và chính tôi đương thời cũng là một phần tử tham gia vào việc giết người và chôn xác họ. Từ khi hướng tới chính quyền đương cục Quốc dân đảng ăn năn hối lỗi, việc khai quật tử thi phá án đã phát hiện những hành vi tàn khốc bí mật khiến người ta kinh hãi, nhằm giết người, giấu tử thi, và xóa dấu vết của băng đảng tội phạm. Bằng văn bản thanh minh này, mong nhân sĩ các giới đều minh bạch đầy đủ về tội ác của đảng Cộng sản.”

Lại nói về 11 người trong gia đình của Cố Thuận Chương, họ toàn bộ đã bị diệt khẩu. Vậy Cố Thuận Chương rốt cuộc đã cung cấp loại thông tin tình báo nào của ĐCSTQ?

Theo hồi ức của cô con gái còn sống của Cố Thuận Chương là Cố Lợi Quần, vào năm 1983, Lý Cường, trưởng phòng 4 của chi nhánh đặc biệt trung ương, đã đến khách sạn quốc tế Thượng Hải để gặp cô và người vợ thứ hai của Cố Thuận Chương, Trương Vĩnh Cầm. Lý Cường đã nói rõ với Cố Lợi Quần: Lời khai duy nhất của Cố Thuận Chương là về Uẩn Đại Anh, người đang bị giam tại nhà tù Nam Kinh.

Phùng Thắng Bình, một học giả người Mỹ gốc Hoa, qua khảo chứng đã xác minh rằng, sau khi Cố Thuận Chương bị bắt, ông ta đã không ngay lập tức bán đứng toàn bộ những cơ mật của ĐCSTQ mà bản thân biết, ông ta chỉ chỉ điểm duy nhất một đảng viên Cộng sản bị giết là Uẩn Đại Anh. Cố Thuận Chương hạ quyết tâm coi ĐCSTQ là giặc chỉ sau khi biết Chu Ân Lai đã chỉ huy sát hại toàn bộ 11 người trong gia tộc Cố, trước đó không như vậy. Tuyên bố này với tuyên bố của Lý Cường là nhất trí với nhau.

Trong 100 năm kể từ khi thành lập, ĐCSTQ đã không ngừng đấu đá nội bộ. Năm đó, đội hành động của lãnh đạo Cục đặc vụ Trung ương do Cố Thuận Chương đứng đầu, còn được gọi là “đội cẩu chiến”, chuyên môn đi bắt và giết “phản đồ”. Người ta nói rằng Cố hạ thủ sát nhân cũng rất tàn nhẫn. Tuy nhiên, khi chính ông ta bị xác định là “phản đảng”, lão thượng cấp của ông ta, Chu Ân Lai, đã không chỉ sát hại cả 9 thành viên gia đình ông ta, mà trong đó, cả người hầu và bạn bè của ông ta đến chơi mạt chược, chúng cũng không tha.

Một số người nói rằng cuộc nội đấu bên trong ĐCSTQ còn tàn nhẫn lang sói hơn ngoại đấu. Có lẽ, ĐCSTQ cuối cùng sẽ đi đến giải thể chính trong cuộc nội đấu “ngươi chết ta sống” này.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch