Vì sao một chàng ngốc học hành dốt nát, bị cha tống xuống bếp thổi cơm, lại có thể đỗ thủ khoa kỳ thi hương?

Vào thời nhà Thanh, ở khu vực Giang hữu (khu vực phía tây Giang Nam, tức là Giang Tây ngày này), có một cống sinh họ Triệu. Ông có ba người con trai, họ đều học tập cùng cha từ nhỏ, gia đình họ có thể coi là một gia đình thư hương. Con trai cả học rất giỏi, đã là một lẫm thiện sinh, con trai thứ hai cũng không tệ, được xếp vào hạng tăng quảng sinh, chỉ có con trai thứ ba thì hậu đậu, đã thi 10 kỳ thi đồng sinh mà năm nào cũng trượt bảng, kết quả trở thành một “lão đồng sinh”.

Thiêu hỏa Tam tướng công

Triệu lão phu gọi chàng út đến, thấy tam công tử học hành ngu dốt mãi không chuyển biến, nhất định là thứ gỗ mục không thể chạm khắc, liền phạt chàng ta ở trong bếp nấu ăn, không cho đọc sách thánh hiền nữa. Thế là cái mỹ danh “Thiêu hỏa Tam tướng công” của nhà họ Triệu đã lan khắp các vùng quê lân cận.

Đó là năm triều đình mở khoa thi, con trai trưởng và con trai thứ của Triệu gia đều học tập xuất sắc, đương nhiên sẽ đến tỉnh thành tham gia khảo thí. Triệu lão phu trong tâm rất vui mừng khi thấy con trai thứ cũng có cơ hội làm nên chuyện, nên ông bảo chàng út đi theo mình đến tỉnh thành. Ông nói với chàng út: “Lần này cha đưa hai anh trai con đến tỉnh thành để ứng thí, họ có thể phải khổ học, không có thời gian và sức lực để thu xếp việc ăn ở, con có thể đi với họ, sắp xếp ăn ở cho hai anh trai. Con thấy thế nào?” Chàng út nghe vậy, mới đột nhiên ngộ ra, trong tâm thực sự không vui lắm, nhưng mệnh lệnh của cha, chàng làm sao có thể thoái thác. Không có lựa chọn nào khác ngoài việc phục tùng.

Chàng út trở về phòng, thấy hiền thê đang ngồi ở mép giường khẽ khóc. Chàng không biết là vì sao nên hỏi: “Mắt thấy hai anh trai của tôi sắp đi tỉnh thành ứng thí, nguyên là chuyện tốt, nàng vì sao lại không vui?”

Người vợ ngừng khóc, thở dài: “Hai bác là người có học, tương lai hứa hẹn! Chàng cũng là người có học, vì sao lại không được đi thi? Người ta thì như thượng khách, còn chàng thì cả ngày lui cui dưới bếp thổi lửa nấu cơm, đây đã là điều đáng xấu hổ rồi. Như nay lại còn kêu chàng đi cùng họ lên tỉnh thành làm người sai vặt. Chàng thấy em như vậy làm sao có thể ngẩng đầu lên được giữa các chị dâu, còn mặt mũi nào nữa đây?” 

Tam công tử cười đau khổ, ủy khuất vạn phần, nói: “Nàng nghĩ tôi trong tâm vui vẻ sao? Chỉ là mệnh lệnh của cha thì không thể phản kháng!” 

Người vợ cãi lại: “Em không phải là bảo chàng làm trái lệnh cha, em chỉ là hy vọng chàng có chút chí khí mà tham gia khảo thí, thì vợ chàng cũng có thể được mát mặt rồi”.

Tam công tử thở dài: “Ôi, đồng sinh như ta làm gì có tư cách mà đi thi, chỉ trách ta đời này vận mệnh bất hảo!” 

Người vợ nói: “Lần này chàng lên tỉnh, nhất định phải đến thăm nhạc phụ, cha là quan viên phụ trách kho hàng, chuyên môn phụ trách nhận tiền quyên tặng để được tư cách giám sinh. Em ở đây có một ít trang sức vàng bạc châu báu, chàng lấy đó đưa cho nhạc phụ để quyên tặng được một suất giám sinh, như vậy chàng chẳng phải sẽ có thể tham gia khảo thí sao?” Tam công tử nghe vậy, vui vẻ làm theo ý vợ.

Cuộc đời của “Thiêu hỏa Tam tướng công” sẽ phát sinh chuyển biến như thế nào? (Pixabay)

Lần đầu tiên tham gia thi hương, kết giao bạn bè bốn phương

Bốn cha con cùng nhau đến tỉnh thành, sau khi ổn định chỗ ăn chỗ ở, chàng út lập tức đến gặp bố vợ, nhờ ông giúp mình quyên tiền để được một suất giám sinh. Khi trở về, chàng liền báo tin cho cha mình. Lão phu họ Triệu nghe vậy lại vô cùng buồn bực, nói: “Ngươi là cái gối thêu hoa, lẽ nào chính bản thân ngươi cũng không biết sao? Tại sao lại tự dối mình dối người? Ngươi cho rằng quyên giám sinh là có thể thi đỗ sao? Nếu ngươi thi không đậu, ta xem ngươi còn mặt mũi nào gặp vợ đây?”

Khi danh sách thí sinh được công bố, chàng út quả nhiên có tên trong danh sách. Bằng cách này, chàng có thể chính danh ngôn thuận tham gia kỳ thi hương. Vào ngày thi, chàng út theo hai anh trai vào trường thi. Gia cảnh vốn sung túc, người nhà chuẩn bị nào rượu, móng giò, vịt quay, ngỗng hun khói, v.v.. đầy ắp thức ăn cho chàng. Chàng út bước vào phòng thi, thấy các thí sinh ở hai phòng thi trái phải đều là những sĩ tử bần hàn, nên khi đang ăn, chàng hào phóng phân phát bữa ăn thịnh soạn của mình cho tất cả những người sĩ tử nghèo khó, những người này rất biết ơn chàng.

Đêm ấy đề thi đến, có tên là “Thí như vi sơn”. Chiều ngày hôm sau, chàng út phân chia những món ngon cho những sĩ tử nghèo khó, sau khi tất cả được ăn uống no nê, họ cùng nhau nghị luận. Chỉ có chàng út đứng sang một bên không nói lời nào, hỏi vì sao, chàng đành phải nói thật rằng đây là lần đầu tiên mình tham gia thi cử, lại gặp phải đề bài quá khó đến mức chàng thực sự không thể nào hạ bút.

Nghe chàng nói, những sĩ tử nghèo đều an ủi, nói: “Muốn làm tốt bài này cũng không khó, trong Thập Tam Kinh có không ít câu mang chữ sơn (núi) như vậy, cậu không cần để ý nội dung hàm nghĩa là gì, chỉ cần tìm thấy chúng và điền vào thành văn, cả ngàn từ như thế, thậm chí không thể trích dẫn hết”. Nhưng trong bụng chàng trống rỗng, muốn trình bày thành văn chương, hùng biện thế nào, nói dễ thế sao? Thấy vậy, tất cả những sĩ tử nghèo bèn tranh nhau giúp chàng viết, dạy chàng cách vận dụng. Chàng út nhờ có sự chỉ điểm của họ, đột nhiên nghĩ ra, bắt đầu cầm bút lên. Chàng không còn đờ đẫn như trước nữa, mà cảm hứng tuôn trào, có thể viết ra cả ngàn chữ.

Sau kỳ thi hương, người con cả và con thứ chép lại văn chương đã viết trong kỳ thi cho cha xem. Lão phu họ Triệu vừa uống rượu vừa gật gật đầu, thầm nghĩ bọn chúng nhất định có tên trong bảng vàng. Chàng út ở bên nhìn thấy, cũng cung kính thỉnh cha chỉ giáo văn chương của mình. Không ngờ, Triệu lão phu vừa mới đọc đầu đề, đã vỗ bàn quát: “Văn chương nông cạn, tạp loạn như vậy sao có thể đưa cho người khác xem? Ngươi đúng là một kẻ không biết xấu hổ”.

Khi anh cả và anh thứ nhìn thấy cha già nổi giận, họ xé bài văn của chàng út, bảo chàng rời khỏi phòng ngay lập tức để không làm cha tức giận nữa. Chàng út vội vã bước ra, vừa đi vừa khóc.

Nào ngờ thi trúng… 

Năm đó, quan chủ khảo chủ trì kỳ thi hương được phái tới là hai người có tính cách rất lập dị, họ thích phá cách, không như thông thường. Sau khi kỳ thi kết thúc, theo thường lệ, một bữa tiệc sẽ được tổ chức để chiêu đãi các quan viên từ tất cả các bên tham gia giám khảo, bữa tiệc này được gọi là tiệc “Thưởng nguyên”. Quan chánh phó chủ khảo ngồi ở ghế trong cùng với mười tám vị giám quan phòng thi, ghế ngoài là các quan viên giám khảo do giám lâm và trung thừa đứng đầu.

Trong bữa tiệc, tất cả các giám khảo đều cung kính yêu cầu đại nhân chủ khảo giải thích ý nghĩa của chủ đề, xem xem bài thi nào là đệ nhất danh. Vị quan chính khảo cười nói: “Văn chương mà, không có phương pháp nhất định nào cả, chỉ cần viết được đến chân sơn chân thủy là được!” Câu này của đại nhân giám khảo là nói cho vui, nhưng quan trung thừa nghe xong, cảm thấy câu này nói rất khôi hài, bất giác không nhịn được cười, các quan viên nhìn thấy quan trung thừa cười, họ cũng cười theo. Lập tức cả hội trường cười ồ lên. Đại nhân chủ khảo nhìn thấy các quan viên chế giễu mình, bèn đứng phắt dậy, nói: “Ta muốn chọn thế nào thì chọn thế đó, không cần các ngươi nhiều lời!” Nói xong, bàn tiệc còn chưa ăn, đã vội vàng rời đi. Các quan giám khảo nhìn thấy vậy cũng không vui. Họ thảo luận riêng: “Đương nhiên là đại chủ khảo có quyền quyết định, ông ấy thích loại văn chương nào, chúng ta sẽ giúp ông ấy tìm ra bài thi đó, chế giễu ông ấy”.

Sau khi quan giám khảo quay lại, phát hiện ra bài thi của chàng út nhà họ Triệu, họ đọc mà không nhịn được cười, các giám khảo khác nghe xong, tất cả đều nhất tề tán thưởng, họ vừa xem vừa cười, nói: “Có đại chủ khảo tình lý không thông ngoan cố không đổi, ắt sẽ có loại thí sinh khờ khạo học mãi không thông, quả là ngàn năm hiếm gặp!” Một vị giám khảo nói: “Tại sao không giới thiệu bài thi ngờ nghệch này cho đại nhân chủ khảo?” Hai vị quan phòng vội vàng lắc đầu nói: “Không ổn, trò đùa quá đáng rồi!” Nhưng tất cả các quan giám khảo đồng thanh nói: “Vậy nếu chúng ta nhất tề đề xuất thì sao?” Theo đó, mọi người đều đồng ý.

Ngày hôm sau, các giám khảo từ mười tám phòng thi đến gặp đại chủ khảo, mang bài thi của chàng út nhà họ Triệu trình lên: “Theo lệnh của đại nhân chủ khảo, chúng tôi chỉ sàng lọc ra được một bài có núi và sông đẹp như tranh vẽ trong số hơn 9600 bài thi. Xin đại nhân chủ khảo hãy đọc nó”.

Đại chủ khảo biết trong lời nói có ẩn ý, nhưng do chính mình đã gây ra chuyện trước, nên ông vẫn kiên ngạnh đọc bài văn của chàng út họ Triệu, rồi nghiêm túc phê: “Văn chương điển nhã quảng bác thế này, lẽ nào không thể đạt hạng nhất sao?” Nói xong, ông lấy bút vẽ lên bài thi những vòng tròn, cuối cùng phê là “đệ nhất danh”.

Các quan giám khảo thấy bài thi này được đánh giá là số 1 thì không khỏi nhìn nhau, không dám cất tiếng. Lúc này, phó chủ khảo nghe tiếng cũng đi tới. Ông cầm bài thi lên, vừa đọc vừa cười, nói với vị chủ khảo: “Đại nhân, văn chương quả là rộng rất rộng, thông rất thông, nhưng đáng tiếc là nó nông cạn, không có ý nghĩa gì”. Vị chủ khảo vẫn kiên trì quyết định của mình, nói: “Đệ nhất danh là do ta định đoạt, các vị vô can, sau khi bảng vàng được công bố, ta sẽ thượng tấu, chờ hoàng thượng phân xử”. Các quan viên thấy đại chủ khảo cố chấp cương ngạnh như vậy, cho rằng sự việc không thể vãn hồi, mọi người lục tục rút lui không nói một lời. Cứ như vậy, ‘Thiêu hỏa Tam tướng công’ bất ngờ giành được vị trí đầu bảng trong kỳ thi cử nhân.

Tin vui được công bố

Nhà cổ Hàng Châu (Pixabay)

Ở bên kia, lão phu họ Triệu cùng với ba người con trai của mình trú tạm bên Hồ Tây. Vào ngày công bố bảng vàng, ông đã tổ chức một bữa tiệc lớn để chiêu đãi người thân và bạn bè, chờ đợi tin tức tốt lành. Trong bữa tiệc, anh cả và anh thứ đã đưa ra những bài văn đắc ý của họ cho người thân và bạn bè của họ xem, nhất thời có rất nhiều lời khen ngợi. Chàng út thì bận bịu bưng mâm bưng bát, chào đón khách khứa. Khi ai đó yêu cầu chàng đọc bài văn chàng viết, thì lập tức bị cha và hai anh trai xúc phạm. Một số thân hữu nhìn thấy vậy đã bất bình, nói: “Cậu ấy đã tham gia thi hương, tại sao không thể đối xử bình đẳng với cậu ấy?” Vì vậy, họ nắm tay chàng út đi dạo Hồ Tây để xoa dịu nỗi bất bình. Lúc này, khi họ nhìn thấy người báo tin chiến thắng phi nước đại về phía mình, họ liền hỏi: “Có ai họ Triệu trong danh sách này không?” Người báo tin nói “Có”. Chàng út rất vui mừng nói: “Anh trai của tôi đã thi trúng rồi, trúng rồi!” Thế là chàng dẫn người báo tin chiến thắng chạy đến trước mặt lão phu họ Triệu.

Thân thích nhà họ Triệu nghe tin họ Triệu thi trúng đều rất vui mừng. Đầu tiên, người báo tin yêu cầu lão phu trao phần thưởng, chưa đưa ra tờ thông báo. Triệu lão phu nói với mọi người: “Con trai cả của ta lẽ ra đã sớm có tên trong bảng, bây giờ thi trúng, đã quá muộn, cũng không có gì đáng ngạc nhiên”. Người báo tin nói: “Lão tiên sinh nhầm rồi, người thi trúng không phải là đại công tử!” Lão phu họ Triệu hơi chút ngạc nhiên: “Lẽ nào là nhị công tử thi trúng, đây cũng là chuyện đã được mong đợi!” Người báo tin lại nói: “Không phải”. Triệu lão phu cuối cùng nói: “Vậy nhất định là quan chủ khảo sai rồi, Thiêu hỏa Tam tướng công làm sao có thể thi trúng cử nhân chứ?” Người báo tin cười nói: “Đúng là cậu ấy!” Triệu lão phu không biết nói sao, đành bảo: “Nếu đúng là nó thi trúng, thì chỉ là quá may mắn, nhưng nếu trúng, cũng bất quá là phó bảng thôi!”

Mọi người nghe vậy cũng bắt đầu náo nhiệt, nói: “Xin mời định ra thể lệ khen thưởng trước, rồi hẵng báo”. Lão Triệu cười nói: “Được, nếu là phó bảng, ta sẽ thưởng mười lượng vàng, nếu là chính bảng, ta sẽ thưởng gấp đôi”. Mọi người lại hỏi: “Nếu là nguyên khôi (nhất nhì bảng) thì sao?” Triệu lão sư không chút do dự nói: “Nếu là Khôi, sẽ được thưởng năm mươi lượng, nếu là Nguyên, sẽ được thưởng một trăm lượng vàng! Nhưng tuyệt đối không có lý do trúng nguyên khôi!” Đám đông yêu cầu người báo tin đưa thông báo của họ ra, tam công tử quả nhiên được xếp thứ nhất! Người báo tin chiến thắng nhận phần thưởng một trăm lượng vàng và vui vẻ ra đi. Triệu lão phu thực sự sửng sốt: “Lẽ nào Thiêu hỏa cũng có thể trở thành cử nhân đầu bảng sao, văn phong biến hóa đến mức này, sau này không đàm luận văn chương thánh hiền nữa!”

(Nguồn: “Khách song gian thoại”)

Chú thích:
Các kỳ thi sơ cấp trong khoa cử triều Minh và Thanh được chia thành ba giai đoạn: thi huyện, thi phủ, thi viện (thi viện do các tỉnh học chính chủ trì, còn được gọi là học viện đề đốc). Các thí sinh vượt qua các kỳ thi huyện, phủ được gọi là đồng sinh, và những người vượt qua thi viện là sinh viên, tức tú tài, được cử đến học tại các trường học của phủ, châu, huyện. Học sinh được chia thành ba tầng: Lẫm thiện sinh, tăng quảng sinh và phụ sinh. Lẫm thiện sinh được quan phủ cung cấp lương thực; những người được tuyển bổ sung được gọi là tăng quảng sinh, chỉ nhận phụ cấp chứ không được nhận gạo hàng tháng; ngoài ra, còn có hạn ngạch bổ sung, được gọi là phụ sinh.
Cống sinh do các phủ, châu, huyện đề bạt có thể trực tiếp vào Quốc tử giám trở thành giám sinh. Ngoài ra còn có hai cấp khảo hạch do quan tiến cử của các tỉnh tổ chức, khảo hạch hàng năm và khoa khảo, căn cứ vào kết quả mà chia làm sáu hạng, người đứng nhất và nhì trong khoa khảo sẽ được tư cách tham gia kỳ thi hương, gọi là sinh viên khoa cử.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch