“Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông
Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng
Thịnh suy, thành bại theo dòng nước
Sừng sững cơ đồ bỗng tay không”
.
(Lâm giang tiên – Dương Thận)

Dòng chảy thời gian mải miết cuốn theo bao gương mặt anh hùng trong lịch sử, những hoành đồ bá nghiệp cũng hoá thành bọt nước Trường Giang. Thời Tam Quốc chiến tranh loạn lạc, non sông bao lần đổi chủ, cái còn đọng lại trong lòng người không phải là đế vị, vương quyền, mà chỉ là một chữ “Nghĩa” đó thôi. Chữ “Nghĩa” trong Tam Quốc là nhân nghĩa của Lưu Bị, trung nghĩa của Quan Vũ, Gia Cát Lượng, trượng nghĩa của Trương Phi…

Tôi đã bao lần rơi lệ khi đọc cố sự “Đưa dân vượt Trường Giang”, đã toan viết mấy lời bày tỏ nỗi lòng cảm kích với Lưu Hoàng thúc. Gần 2000 năm sau, nếu như có những người vẫn đang âm thầm cứu độ thế nhân, vượt lên bao hiểm nguy và trở ngại, thế thì vai diễn của Lưu Bị trong lịch sử chính là lời khích lệ to lớn để họ gánh vác sứ mệnh này. Duyên may gặp được những dòng cảm ngộ về Lưu Bị của một người tu luyện đăng trên mạng Minh Huệ, vui mừng chia sẻ cùng quý độc giả.

Nhân nghĩa của Lưu Bị

Trong khi quần hùng hỗn chiến, khi Lưu Bị rất cần một chỗ đứng, Đào Khiêm ba lần nhường Từ Châu, Lưu Bị vẫn nhất quyết không nhận. Sau này Đào Khiêm bệnh nguy kịch, trước khi qua đời đã lấy tay chỉ chỉ vào tim rồi chết – ý nói tâm nguyện ông là xin Lưu Bị tiếp nhận bài ấn Từ Châu. Sau khi an táng Đào Khiêm, quân sỹ Từ Châu cũng xin Lưu Bị tiếp nhận bài ấn, Lưu Bị vẫn chối từ. Hôm sau, bách tính Từ Châu khóc bái xin Lưu Bị nắm quyền cai quản Từ Châu, Lưu Bị mới tiếp nhận. Cái “Nghĩa” của Lưu Bị thì người bình thường không thể nào làm nổi.

Sau trận chiến Tân Dã, đại quân Tào Tháo tràn khắp núi rừng đồng nội, chia quân làm tám lộ bao vây tấn công Phàn Thành là nơi Lưu Bị đóng quân. Lưu Bị sống chết treo trên một sợi tóc. Tào Tháo khuyên hàng không thành lập tức tấn công ngay trong ngày. Lưu Bị hỏi Khổng Minh kế sách, Khổng Minh nói: “Có thể mau bỏ Phàn Thành đến Tương Dương làm chỗ tạm nghỉ ngơi”.

Lưu Bị nói: “Bách tính đi theo đã lâu, sao có thể nhẫn tâm mà bỏ được?”.

Khổng Minh nói: “Có thể sai người thông báo rộng khắp cho bách tính rằng: Người nào nguyện ý đi theo thì cùng đi, người không muốn đi thì ở lại”.

Sau khi thông báo cho bách tính, bách tính hai huyện Tân Dã, Phàn Thành đều đồng thanh hô lớn: “Chúng tôi dù chết cũng nguyện theo Lưu Sứ quân!”.

Ngay hôm đó, mọi người khóc lóc và đi. Dìu già dắt trẻ, dẫn theo nam nữ, ùn ùn vượt sông, hai bờ tiếng khóc lóc không dứt. Lưu Bị đứng trên thuyền trông, khóc lớn rằng: “Vì một mình tôi mà bách tính phải chịu đại nạn này, tôi còn sống làm gì!”.

Nói rồi bèn nhảy xuống sông toan tự vẫn, được tả hữu sống chết can ngăn. Thuyền đến bờ nam, ngoảnh đầu nhìn lại bách tính, vẫn có người chưa qua sông, đang trông sang bờ nam mà khóc. Lưu Bị vội vàng lệnh cho Quan Vân Trường cho thuyền đưa họ sang sông, cho đến khi tất cả mọi người đã qua sông, Lưu Bị mới lên ngựa.

Có câu rằng: “Đại nạn ập đến ai lo thoát thân người ấy”. Giữa lúc sinh tử tồn vong ai có thể một lòng lo lắng bảo vệ bách tính như Lưu Huyền Đức? Hành quân đem theo cả gia đình gồng gánh là việc đại kỵ của nhà binh, trong lòng Lưu Bị chỉ có bách tính, đại nghĩa này cổ kim hiếm có.

Đến ngoài cổng thành Tương Dương, cháu của Lưu Bị là Lưu Tông từ chối mở cổng thành, đồng thời dùng cung tên bắn loạn xuống. Lúc đó trong thành có một người tên là Ngụy Diên vung đao chém chết tướng sỹ giữ cổng thành, rồi mở cổng và thét to: “Lưu Hoàng thúc mau dẫn quân vào thành cùng giết tên giặc bán nước”.

Trương Phi nhảy lên ngựa chuẩn bị vào thì bị Lưu Bị ngăn lại nói: “Chớ kinh động đến bách tính!”.

Lúc này, quân giữ thành đang tự hỗn chiến, Lưu Bị nói: “Ta vốn muốn bảo vệ dân, trái lại làm hại dân rồi! Ta không muốn vào Tương Dương!”.

Thế là dẫn bách tính nhằm hướng Giang Lăng mà đi.

Binh gia công thành chiếm đất có nội ứng bất ngờ là việc vô cùng may mắn. Trong tình hình phía sau lưng đại quân Tào Tháo rợp trời dậy đất truy sát, Lưu Bị đang cuống quýt chạy tháo thân, mà vẫn vì dân không dám chiếm thành Tương Dương để dung thân, có thể thấy lòng nhân nghĩa của ông như thế nào.

Lưu Bị không chiếm Tương Dương, Tào Tháo vừa vặn tiến quân vào Tương Dương không phải động binh đổ máu. Mười mấy vạn quân dân đồng hành cùng Lưu Bị, xe lớn nhỏ vài nghìn cỗ, gồng gánh cõng gùi nhiều không đếm xuể. Với tình huống như thế này thì mỗi ngày chỉ có thể đi được mười mấy dặm, mà quân Tào Tháo đuổi theo thần tốc. Các tướng của Lưu Bị đều nói: “Chi bằng tạm thời bỏ bách tính lại, đi trước là hơn”.

Lưu Bị khóc và nói: “Người gây dựng đại sự phải lấy con người làm gốc. Hôm nay mọi người quy theo ta, sao lại có thể bỏ được?”.

Do đó Lưu Bị không đồng ý. Người đời sau có thơ khen rằng:

“Lâm nạn nhân tâm tồn bách tính,
Đăng chu huy lệ động tam quân.
Chí kim bằng điếu Tương Giang khẩu,
Phụ lão do nhiên ức Sứ quân”.

Tạm dịch:

“Lâm nạn lòng nhân lo bách tính
Lên thuyền rơi lệ cảm ba quân.
Bến nước sông Tương còn thương xót,
Phụ lão năm xưa nhớ Sứ quân”.

Do quân dân di chuyển chậm chạp, Lưu Bị bị đại quân Tào Tháo truy sát, vợ con đều bị rơi vào tay quân địch. Phu nhân Lưu Bị, Mi phu nhân vì bảo vệ con trai A Đẩu nên đã lao mình xuống giếng khô mà chết. Trương Phi, Triệu Tử Long tử chiến Đương Dương, thật trung nghĩa biết bao!

Cái nghĩa của Lưu Bị còn thể hiện ở lòng tin sắt đá, không hề mảy may nghi ngờ với những huynh đệ kết nghĩa. Sau khi Lưu Quan Trương bị đại quân Tào Tháo đánh tan tác, trong chiến loạn Lưu Bị chỉ còn lại đơn thân một mình chạy thoát đến Thanh Châu, được Viên Thiệu bảo hộ. Quan Vũ bảo vệ phu nhân Lưu Bị đã rơi vào tay quân Tào. Sau này Tào Tháo và Viên Thiệu nổ ra chiến tranh, Lưu Bị ở trong quân Viên Thiệu lần đầu nhìn thấy Quan Vũ ở trong doanh trại Tào Tháo, niệm đầu tiên trong tâm là: “Tạ ơn Trời Đất, thì ra em ta quả nhiên là ở chỗ Tào Tháo”. Ông không mảy may hoài nghi Quan Vũ thay lòng đổi dạ, việc này thì người phổ thông bình thường không thể nào làm nổi, người thường ai có thể không có nghi tâm?

Cái Nghĩa của Lưu Bị còn ở chỗ Tam cố mao lư mời Gia Cát Lượng. Hai lần đến lều tranh, Lưu Bị đều không gặp được Gia Cát Lượng, bị các chủng loại tâm lý, hoàn cảnh đả kích, nhưng Lưu Bị không hề có chút oán hận nào, luôn nhẫn nại chờ đợi đến mùa xuân, lựa chọn ngày tốt, trai giới ba ngày, tắm gội xông hương, áo quần chỉnh tề rồi lần thứ ba đến lều tranh. Lòng chân thành kính trọng người hiền của Lưu Bị có thể sánh với Chu Văn Vương mời Khương Tử Nha.

Đôi dòng viếng Lưu Huyền Đức

Gần 2000 năm đã trôi qua, giang sơn gấm vóc vẫn là đây, mà lòng người dường như quá khác. Lòng nhân nghĩa của Lưu Bị đôi khi bị đánh giá là khờ khạo, ngu đần, hoặc ở một thái cực khác, là sự giả tạo che đậy âm mưu và toan tính. Tôi cũng từng cho rằng như vậy. Cho đến khi bước trên con đường tu luyện “phản bổn quy chân”, chiểu theo những giá trị làm người truyền thống, tôi mới dần nhận ra trước đây mình đã “lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng quân tử” như thế nào.

Cổ ngữ có câu: “Đại trí nhược ngu”, ý rằng bậc đại trí tuệ lại thường có vẻ ngoài hiền lành, ngốc nghếch. Tôi tin Lưu Bị là một người như vậy. Trí huệ của ông là nhờ kiên trì nhân nghĩa mà có, hiểu mệnh Trời, yêu con người, vui lòng chịu thiệt, chịu khổ, không đua tranh mà vứt bỏ lòng nhân, vì thế ông mới có được sự tôn kính và trung thành của Khổng Minh, cũng được hậu thế nghìn năm ngưỡng vọng. Những ai đang ôm hoài bão tế thế cứu nhân, nhìn vào tấm gương của ông hẳn sẽ được tiếp thêm muôn vàn khích lệ.

Ghi chú: Phần bài viết “Nhân nghĩa của Lưu Bị” trích từ bài viết cùng tên trên mạng Minh Huệ. Các phần còn lại là tâm sự của tác giả.

Video: Nghệ sĩ múa Lê Vi: Tôi may mắn khi tìm thấy ánh sáng chân lý của cuộc đời

videoinfo__video3.dkn.tv||b5876266c__