Nhà văn Tô Sầm từng nói: “Một người giỏi sắp xếp sẽ không bao giờ để cuộc sống của mình trở thành hoàn hảo“. 

Nhân sinh là một hành trình dài. Một người nếu ở mỗi trạm đều sắp đặt mọi thứ đạt được hoàn hảo thì sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi và ngẫm lại quá khứ. Như vậy thì người đó sẽ không thể đi xa, cũng không thể thưởng thức được cảnh đẹp bên đường. 

Bởi vậy mới nói, đạo Trời kỵ đầy, đạo người kỵ hoàn hảo. Mọi việc trong đời nên dừng lại ở mức vừa phải mới không đầy tràn, có vậy mới đắc được viên mãn. 

1. Việc lưu lại một phần khuyết thiếu

Ngày xửa ngày xưa, có một nông dân nuôi 250 con bò. Mỗi ngày anh đều chăn thả đàn bò rồi đếm số con sau khi trở về. Cuộc sống của anh rất thoải mái tự tại. 

Nhưng một thời gian sau có một con hổ xuất hiện đã phá vỡ bầu không khí yên bình trước đó của người nông dân. Cho dù anh có phòng bị kỹ đến đâu, cuối cùng thì những con bò trong đàn vẫn bị con hổ xảo quyệt ăn thịt. 

Từ đó về sau, số lượng con bò không còn được đầy đủ như lúc ban đầu nữa. Bởi vì không còn đàn bò hoàn hảo nữa nên người nông dân đã bị mất hết hy vọng, tâm trạng cả ngày không vui. 

Anh ta không còn can đảm và tự tin để trông nom đàn bò. Chẳng mấy chốc, 249 con bò còn lại cũng biến mất.

Vì trong mắt của người nông dân không để dành chỗ cho những lỗi lầm, vậy nên chỉ bởi vì mất một con bò mà anh đã buông bỏ tất cả những con bò còn lại. 

Người truy cầu sự hoàn mỹ quá mức chính là đang tự đặt ra các quy định phạm vi hoạt động cho chính mình. Hành động này cũng chính là đang xây một nhà tù để nhốt mình trong đó.  

Người quá theo đuổi sự hoàn hảo ở một chi tiết nào đó thì sẽ không còn thời gian và sức lực để làm những việc khác quan trọng hơn.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng gặp nhiều người như vậy. 

Tiểu Đào là một người theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ, quan niệm của cô là “một là không làm, hai là nếu đã làm thì sẽ làm ở nơi tốt nhất”. Quan niệm này cũng chính là thứ gây cản trở cho việc cô phát triển sự nghiệp của mình. 

Cô liên tục ‘nhảy việc’ để tìm kiếm một công việc hoàn hảo phù hợp với bản thân. Cô muốn làm việc trong một công ty lớn, lương cao, bầu không khí làm việc tốt và lãnh đạo là người có tâm… 

Những ràng buộc này khiến Tiểu Đào ngày một khó tìm được việc làm hơn. 

Khi vừa mới làm việc được mấy ngày, vì một điểm nào đó khiến cô không hài lòng, không phù hợp với quan điểm truy cầu sự ‘hoàn mỹ của mình’, cô liền không còn nhiệt tình với công việc này nữa. 

Dưới vỏ bọc của chủ nghĩa hoàn hảo, cô liên tục trốn tránh khó khăn và trách nhiệm để cuối cùng không làm nên sự nghiệp gì.

Trong cuốn sách “Làm thế nào để trở thành một người không hoàn hảo” có câu như thế này: “Lười biếng và tâm tình lo lắng sầu muộn chẳng khác gì tấm chắn của chủ nghĩa hoàn hảo để tự an ủi bản thân”.

Hoàn mỹ chính là một loại kết quả, tuy nhiên hành động lại cần một quá trình. Nếu bạn cố gắng hết sức để phô trương sự hoàn hảo trước khi hành động, điều đó sẽ làm tăng gánh nặng tâm lý và dễ khiến người nản lòng trong quá trình thực hiện các việc. 

Do vậy, việc cho phép bản thân phạm một chút sai lầm để chuẩn bị tâm lý tốt hơn mới có thể thực hiện mọi việc được thuận lợi mà đạt tới được hoàn mỹ. 

Nam Hoài Cẩn từng nói: “Làm việc cần lưu lại một chút khuyết thiếu, điều này mới thực sự tốt”. 

Quá theo đuổi sự hoàn hảo chính là sai lầm lớn nhất của đời người. Đời người chớ truy cầu hoàn mỹ, như vậy thì sau khi trải qua nỗ lực làm việc mới không có cảm giác hối hận. 

Hoàn mỹ chính là một loại kết quả, tuy nhiên hành động lại cần một quá trình.

2. Lời nói lưu lại 3 phần sắc sảo

Trong tâm lý học có một hiện tượng phổ biến gọi là tâm lý nổi loạn. Nó đề cập đến một trạng thái, có người vì lòng tự trọng của bản thân mà lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. 

Mặc dù loại tâm lý này thường đồng hành cùng với quá trình trưởng thành của thanh thiếu niên, nhưng nó cũng thường được biểu hiện trong giao tiếp giữa người và người. Cho nên, khi giao tiếp giữa người và người thì nên tránh sử dụng một số tính từ mang nghĩa tuyệt đối như: Nhất định, hẳn là, tuyệt đối…

Bởi vì loại biểu đạt tuyệt đối này dễ khiến đối phương cảm thấy bị áp bức bởi quyền uy, cho nên người nghe mới sản sinh tâm lý nổi loạn. 

Trong thế giới của người trưởng thành không chỉ tồn tại đúng hoặc sai mà còn có những thứ thị phi gây tranh cãi. 

Nếu gặp phải người có ý chỉ trích mình, nếu cứ khăng khăng tranh cãi đúng sai, bạn sẽ dễ bị đối phương hắt cho gáo nước lạnh.

Một lần, công ty yêu cầu tôi thực hiện khóa đào tạo về sản phẩm, bởi vì tính tự cao tự đại của bản thân mà tôi bị khách hàng mới dạy cho một bài học.

Bởi vì có mấy chục năm kinh nghiệm làm việc, đối với sản phẩm của công ty tôi thuộc như lòng bàn tay. Đây cũng là lỗi mắc phải do thói quen thường ngày của tôi, biểu đạt quá tự tin khiến cho khách hàng nghi ngờ. Mặc dù câu hỏi này đã được khách hàng chuẩn bị trước nhưng nó lại vô tình nằm trong vấn đề biểu đạt quá tự tin của tôi. 

Chúng ta cần hiểu được rằng, giữa lý thuyết và thực hành sẽ có tồn tại những sai sót nhất định. Nếu như dữ liệu sản phẩm quá tuyệt đối thì nhất định sẽ khiến khách hàng nhìn ra lỗi sai. 

Lúc đó, trên sân khấu tôi cảm thấy rất xấu hổ, gương mặt đỏ bừng mà cố gắng làm hòa. Nhưng bởi vì tôi đã nói quá, không còn đường lui nên đành phải xin lỗi và chủ động thừa nhận sai lầm. 

Giáo sư Tăng Sĩ Cường từng nói: “Khi nói chớ dùng lời quá vẹn toàn, bởi vì ‘tuyệt đối’ đã là không còn đúng nữa”. 

Ngôn ngữ là lời nói phản ánh nội tâm, nếu nói quá lên sẽ dễ khiến người cảm thấy lời nói mang theo sự tự cao tự đại. 

Tự tin là điều tốt, nhưng tự tin thái quá sẽ trở thành kiêu ngạo tự đại, sẽ không được người nghe tiếp nhận. 

Cho nên, khi nói chuyện cần lưu lại cho bản thân 3 phần ngôn từ, giúp cho người nghe dễ dàng tiếp nhận, kỳ thực làm vậy cũng chính là chừa lại một đường lui cho chính mình. 

3. Đối nhân xử thế cần lưu lại 6 phần thanh tỉnh 

Tôi từng đọc qua câu chuyện như sau. Trên chuyến tàu cao tốc, ông lão vừa mới mua được một đôi giày mới nhưng nó đột nhiên bị gió thổi bay một chiếc ra ngoài cửa sổ. 

Người xung quanh cảm thấy tiếc nuối, nhưng ngay lập tức ông lão ném chiếc giày còn lại ra ngoài cửa sổ. 

Thấy cảnh tượng này, mọi người không khỏi rì rầm thảo luận. Thấy vậy ông lão khẽ mỉm cười giải thích: “Một chiếc giày đối với tôi không có giá trị gì. Nếu ai đó nhặt được đôi giày này, họ vẫn có thể dùng chúng!”

Nghe lời này xong, mọi người không khỏi ngạc nhiên trước sự khôn ngoan của ông lão. Ông không buồn vì mất chiếc giày mới mua mà còn đưa ra phán đoán hợp lý. Nhìn qua tưởng ông lão ngốc nghếch nhưng kỳ thực lại tràn đầy sự khôn ngoan trong đó. 

Mới đây, một phụ nữ Hàng Châu trở nên nổi tiếng vì kỹ thuật gắp búp bê của cô quá kém. Chủ trì võ đài đã không ngần ngại trợ giúp cô tới 4 lần. 

Đầu tiên, cô gái thực hiện việc gắp búp bê với mức độ khó thấp nhưng đã liên tục thất bại. Lúc này người chủ trì sân khấu cảm thấy lo lắng cho cô gái nên đã bí mật giúp loại bỏ những trở ngại và giảm hơn nữa mức độ khó. Cuối cùng, với sự trợ giúp của người chủ trì “lú lẫn”, cô gái đã gắp búp bê thành công. 

Trong tin nhắn, một số cư dân mạng chế giễu ông chủ: “Chỉ còn nước cầm con búp bê đưa cho cô gái”. 

Người dẫn chương trình “giả vờ không biết” để giữ thể diện cho cô gái, đồng thời lấy đó làm ý tưởng quảng bá tốt nhất. 

Không ai thích giao tiếp với một người quá khôn khéo tính toán, bởi vì không ai trên đời là hoàn hảo cả, làm vậy sẽ khiến cả hai bên phải mệt mỏi. 

Có những lúc, việc giao lưu giữa người với người còn cần thêm chút ‘hồ đồ’, chủ động đem lợi ích nhường lại cho đối phương. Hành động này không những được đối phương tín nhiệm mà còn thu về khoản lợi ích lớn hơn. 

Hồ đồ không hẳn là biểu hiện của sự ngu đần. Người có thể giả vờ hồ đồ, gặp việc lớn mà có thể tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và hướng đi, bảo trì đầu óc thanh tỉnh. Trong những việc nhỏ nhặt mà giữ được tấm lòng bao dung, ngôn từ rộng lượng không chấp những chuyện vụn vặn. Lưu 6 phần thanh tỉnh để giúp bản thân phân biệt rõ đúng sai, lưu 4 phần hồ đồ để cảm nhận ấm lạnh nơi thế gian. 

Lưu 6 phần thanh tỉnh để giúp bản thân phân biệt rõ đúng sai, lưu 4 phần hồ đồ để cảm nhận ấm lạnh nơi thế gian. 

Lời kết

Tiên sinh Phong Tử Khải, một nhà văn nổi tiếng đã đề cập trong cuốn sách “nhân sinh cầu khuyết thiếu không cầu đầy tràn” như sau: “Tu hành chân chính không phải là một mực truy cầu viên mãn mà là học được minh bạch”. Trong cuộc đời của một người tu hành chỉ có 3 việc là nói, làm và đối đãi. 

Khi làm việc có thể lưu lại một chút khuyết thiếu để làm không gian phát triển, truy cầu hướng thiện. 

Khi nói chuyện mà có thể lưu lại 3 phần lời nói làm đường lui giúp bản thân giữ được thái độ khiêm tốn. 

Khi đối đãi với người cần giữ được 6 phần thanh tỉnh để bản thân thông tỏ mọi sự trên con đường tìm kiếm ý nghĩa của sinh mệnh. 

Nhân sinh không phải là cuộc thi nên không cần tranh đấu thắng thua. Thay vì mang vác nặng nề thì hãy chừa lại một khoảng trống để bước đi được nhẹ nhàng. Hy vọng bạn có thể hiểu được điểm tốt của sự không hoàn hảo để sống an nhiên tự tại. 

Theo Aboluowang
San San biên dịch

Ảnh: Pixabay