Vì sao tiết Thanh minh được gọi là “Thanh minh”, đồng thời lại gắn liền với những phong tục như tảo mộ, cắm liễu? Đằng sau đó là một câu chuyện vô cùng cảm động…

Thanh minh là một trong 24 tiết khí của một năm, cũng là tiết khí trong tháng Ba âm lịch nên còn được gọi là “Tam nguyệt tiết”. Trong cuốn Hoài Nam Tử – Thiên văn huấn chép rằng: “Xuân phân hậu thập ngũ nhật, đẩu chỉ ất, vi Thanh minh”, nghĩa là, sau Xuân phân 15 ngày, sao Bắc Đẩu chỉ hướng Ất, đó là Thanh Minh.

Trong tiết thanh minh, vạn vật sinh trưởng, cây cối nảy nở đâm chồi, bầu trời thanh khiết sáng trong, giống như miêu tả trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”

Thanh minh không chỉ có lễ tảo mộ, có hội đạp thanh, mà còn gắn liền với phong tục cắm liễu: trẻ nhỏ đội vòng kết bằng liễu, các thiếu nữ gắn nhành liễu lên trâm cài mái tóc, trên cửa sổ của mỗi nhà cũng treo cành dương liễu. Thậm chí, trong dân gian còn có câu nói rằng: “Thanh minh bất đới liễu, hồng nhan thành hạo thủ”, ý là, vào tiết Thanh minh mà không cài liễu thì ngay cả những cô gái xinh đẹp cũng sẽ già nua xấu xí.

Vậy, vì sao Thanh minh được gọi là “Thanh minh”, đồng thời lại gắn liền với những phong tục đặc biệt ấy?

Sách Tìm hiểu phong tục Việt Nam qua lễ – Tết – hội hè giải thích rằng: “Thanh minh là tiết thứ năm trong nhị thập tứ khí và được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết Thanh minh đến với chúng ta 45 ngày sau ngày Lập xuân. Thanh minh là gì? Theo đúng nghĩa đen, ‘Thanh’ là khí trong, ‘Minh’ là sáng sủa. (…) Người xưa đã mượn cảnh đất trời mà đặt tên cho đệ ngũ tiết khí trong năm, do đó có tên gọi tiết Thanh minh để ghi lấy thời gian trong đẹp nhất của năm. Tiết này thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tuỳ từng năm”.

Hình ảnh tết Thanh Minh của người xưa. (Ảnh: guilinholiday.com)

Tuy nhiên, nói về nguồn gốc của tiết Thanh minh, còn có một câu chuyện vô cùng cảm động, được ghi chép trong Tả Truyện.

Kể rằng, Tấn Văn Công (tên thật là Cơ Trùng Nhĩ) là bậc đế vương anh minh lỗi lạc của nước Tấn thời Xuân Thu. Ông là hoàng tử của vua Tấn Hiến Công, từ nhỏ đã luôn tôn kính kẻ sĩ, coi trọng bậc hiền tài, nên được nhiều cận thần quý mến. Khi lớn lên, ông vì bị ái phi Ly Cơ của vua cha gièm pha, nên phải bỏ trốn khỏi hoàng cung, lưu lạc khắp bốn phương trời.

Trong những năm lưu vong, Tấn Văn Công phải sống cảnh hàn vi đói khổ, không chốn nương thân, đồ ăn thức uống cũng vô cùng thiếu thốn, cuộc sống đứng bên bờ vực thẳm. Có lần trong cơn đói tưởng như sắp chết, Tấn Văn Công đã ngất đi, nằm lịm trên mặt đất. Các cận thần bên cạnh ông phải đi ròng rã cả buổi mà không tìm được một miếng ăn. Lo lắng không còn cách nào khác, một cận thần là Giới Tử Thôi đã cắt thịt trên đùi mình, nấu bát cháo dâng lên chủ công.

Khi Tấn Văn Công tỉnh dậy, ông đã vô cùng cảm động trước tấm lòng thành của Giới Tử Thôi mà nước mắt không ngừng tuôn rơi.

19 năm sau, khi Tấn Văn Công trở về cố quốc và bước lên ngai vàng, ông đã trọng thưởng cho các bề tôi theo mình lưu vong. Thế nhưng, không rõ vì duyên cớ gì ông lại quên mất Giới Tử Thôi.

Cuối cùng khi Tấn Văn Công nhớ đến người phò tá đã vì mình mà không tiếc máu xương, trong lòng nhà vua tràn đầy nỗi hổ thẹn, ông bèn xa giá đi mời Giới Tử Thôi về cung. Nhưng lúc này, Giới Tử Thôi không còn ở quê cũ nữa, ông đã cùng mẹ vào trong núi ẩn cư. Tấn Văn Công cũng thân hành đến núi này, nhưng ông không thể tìm thấy Giới Tử Thôi ở đâu nữa.

Nghe theo lời gợi ý của một cận thần, Tấn Văn Công cho người phóng hỏa ba phía ngọn núi để Giới Tử Thôi phải ra mặt. Ngọn lửa cháy suốt ba ngày ba đêm, nhưng rốt cuộc người vẫn bặt vô âm tín.

Tấn Văn Công tìm Giới Tử Thôi không thấy, nghe theo lời gợi ý Tấn Văn Công cho người phóng hỏa ba phía ngọn núi để Giới Tử Thôi phải ra mặt. (Ảnh: theepochtimes.com)

Cuối cùng, đoàn tùy tùng của Tấn Văn Công tìm thấy thi thể Giới Tử Thôi đang cõng mẹ ngồi tựa vào cây dương liễu. Trong hốc của thân cây đã cháy một nửa, người ta tìm thấy di cảo viết bằng máu, rằng:

“Cát nhục phụng quân tận đan tâm đãn,
Nguyện chủ công thường thanh minh
Liễu hạ tác quỷ chung bất kiến,
Cường tự bạn quân tác gián thần

Thảng nhược chủ công tâm hữu ngã,
Ức ngã chi thời thường tự tỉnh
Thần tại cửu tuyền tâm vô quý,
Cần chính thanh minh phục thanh minh”.

Tạm dịch:

Cắt thịt dâng vua tỏ trung trinh,
Chỉ nguyện vua sáng mãi thanh minh.
Tuy chết gốc cây không gặp mặt,
Còn hơn can gián chốn cung đình.

Chúa công trong lòng còn nhớ tới,
Mong vua thường xét chính lòng mình.
Thần nơi chín suối lòng không thẹn,
Triều chính thanh minh lại thanh minh.

Nước mắt lăn dài trên má, trong lòng Tấn Văn Công là một nỗi hối tiếc khôn nguôi. Ông nâng niu cất giữ mảnh di cảo của người cận thần, thề rằng từ nay sẽ làm một vị vua anh minh sáng suốt, tạo phúc cho muôn dân.

Sau đó, Giới Tử Thôi được chôn dưới gốc cây liễu. Để tưởng niệm ông, nhà vua ra lệnh không ai được đốt lửa hay hun khói và chỉ được ăn đồ nguội vào ngày hôm đó. Do vậy, người ta gọi ngày này là “Hàn thực”.

Tấn Văn Công cùng quần thần đến thăm mộ Giới Tử Thôi, họ ngạc nhiên khi thấy cây liễu héo úa năm xưa giờ xanh tươi đầy sức sống. (Ảnh: theepochtimes.com)

Một năm qua đi, khi Tấn Văn Công cùng quần thần đến thăm mộ Giới Tử Thôi, họ ngạc nhiên khi thấy cây liễu héo úa năm xưa giờ xanh tươi đầy sức sống, cành lá sum sê mơn mởn. Dưới gốc liễu, Giới Tử Thôi có lẽ cũng đang mỉm cười nhà vua, gợi ông nhớ về hai chữ “thanh minh” ngày nào. Thấy vậy, Tấn Văn Công bèn đặt tên cho cây liễu là “Thanh minh liễu”, đồng thời đặt tên cho ngày ngay sau lễ Hàn thực, gọi là tiết Thanh minh.

Hồng Liên tổng hợp