Nhân sinh như mộng, mộng như nhân sinh. Cuộc đời thăng trầm lên lên xuống xuống của nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống Tô Thức đã giúp ông khai thác tốt chủ đề này. Thời sau, Tào Tuyết Cần lại lần nữa tái hiện qua Hồng Lâu Mộng, một câu chuyện như mộng ảo của đời người.

Muôn vật từ không mà ra rồi lại trở về không, đó là lẽ sinh thành mà tác giả tỏ ra rất thấm thía. Mượn lời hai vị sư, đạo, ông viết:

Trong cõi hồng trần đành rằng có nhiều thú vị nhưng không phải là nơi nương náu lâu dài. Huống chi ‘Ngọc lành có vết, cuộc đời đa đoan’, tám chữ thường đi liền với nhau. Rồi trong chớp mắt, vui hết đến buồn, người thay cảnh đổi, cuối cùng chỉ là giấc mộng, muôn cõi đều trở thành không.

Ngay từ phần mở đầu của hồi thứ nhất, Tào Tuyết Cần có nhắc độc giả thế này:

“Người làm sách xin nói: ‘Trải qua quãng đời mộng ảo, nên có ý giấu những việc thực, mượn chuyện ‘Hòn đá thiêng’ mà viết ra bộ Thạch đầu ký này và gửi gắm bằng bài thơ:

Lãng đãng trên đời khéo khổ công,
Tiệc tùng rốt cuộc chỉ là không.
Muôn trò mừng tủi đều hư ảo,
Một giấc xưa nay rõ viển vông.
Vạt thắm nào riêng người đẫm lệ,
Tình ngây còn vướng hận ôm lòng.
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng.

Độc giả! Các bạn bảo sách này do đâu mà ra? Nói nguồn gốc nó thì như hoang đường, nhưng xem kỹ rất thú vị”.

Với bút pháp linh hoạt, Tào Tuyết Cần dùng những đoạn văn lúc ngắn lúc dài, lúc đơn giản lúc phức tạp, lúc chi tiết lúc lại giản lược để miêu tả lại những giấc mơ khác nhau của những người khác nhau. Những giấc mộng này có thể là mở đầu cho một bi kịch, cũng có thể là ám thị một điều gì đó, hoặc đôi khi là đẩy một tình tiết lên cao trào, nhuộm lên một bầu không khí nào đó dần dần chậm rãi từ gần tới xa.

“Giấc mộng thông linh” của Chân Sĩ Ẩn

Từ phần mở đầu câu chuyện, độc giả như có cảm giác được bước vào thế giới hư ảo. Phần mở đầu câu chuyện kể về nguồn gốc của bộ tiểu thuyết, kể về hòn đá trên thiên giới. Khi xưa Nữ Oa luyện đá vá trời ở đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang, luyện được ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một khối, mỗi khối cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng. Nhưng bà chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn thừa một viên bỏ lại ở chân núi Thanh Ngạnh.

Trải qua không biết bao đời mấy kiếp, có vị Không Không đạo nhân đi cầu tiên học đạo, qua đỉnh Vô Kê núi Đại Hoang, đến chân núi Thanh Ngạnh, chợt trông thấy một hòn đá lớn, trên mặt có khắc chữ kể rõ lai lịch. Không Không đạo nhân xem từ đầu đến cuối, biết rằng nó là một hòn đá không đủ tài vá trời, muốn biến làm người, đã được hai vị Mang Mang đạo sĩ, Diệu Diệu chân nhân đưa nó xuống trần nếm đủ mùi đời lạnh nhạt, tan hợp bi hoan.

Ảnh: Chụp màn hình

Làm sao để đưa những cảnh tượng như mộng như ảo, mênh mông huyền diệu đó vào cõi hồng trần phức tạp và tầm thường nơi nhân gian? Trên mặt hòn đá ghi: “Khi ấy đất thủng về phía đông nam, phía ấy là đất Cô Tô, có thành Xương Môn là chỗ ở của các nhà phú quý phong lưu vào bậc nhất nhì trên đời. Ngoài cửa Xương Môn có đất Thập Lý, trong phố có ngõ Nhân Thanh, trong ngõ có tòa miếu cổ, vì địa thế chật hẹp, người ta đều gọi là “miếu Hồ Lô”. Cạnh miếu có một nhà hương hoạn họ Chân tên Phí, tên chữ là Sĩ Ẩn. Một hôm giữa lúc mùa hạ ngày dài, Sĩ Ẩn ngôi rỗi trong thư phòng, mỏi tay buông sách, ngủ gục xuống ghế. Trong khi mơ màng, thấy mình đi đến một chỗ không biết địa phương nào. Chợt gặp một nhà sư, một đạo sĩ, vừa đi vừa nói chuyện…”

Đây cũng là giấc mơ đầu tiên trong “Hồng Lâu Mộng”, và lượng thông tin trong giấc mơ này cũng tương đối lớn. Kể về mối lương duyên tiền kiếp và kiếp này của Bảo Ngọc và Đại Ngọc và những câu chuyện rắc rối bi thương của những nữ nhi trong toàn tác phẩm: “Nhân dịp có một bọn oan gia phong lưu sắp sửa đầu thai xuống trần, tôi bỏ nó vào đây để nó hóa kiếp làm người”.

Chân Sĩ Ẩn là người đàn ông nơi thế tục duy nhất bước vào thế giới cảnh ảo trước Bảo Ngọc, cũng chính tai nghe thấy nguyên do sắp đặt mối lương duyên từ tiền kiếp của Thần Anh và Giáng Châu. Nàng Giáng Châu nói: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!”. Vì thế dẫn ra bao nhiêu oan gia phong lưu đều phải xuống trần, để kết liễu án đó. Giấc mơ đầu tiên này của Chân Sĩ Ẩn chính là chiếc thiên thang giữa cõi mộng ảo tiên cảnh và hồng trần thế gian. Từ đó dẫn ra câu chuyện chân thực trong Hồng Lâu Mộng.

“Giấc mộng Cảnh ảo” của Bảo Ngọc

Nếu giấc mộng thông linh của Chân Sĩ Ẩn là sợi dây dẫn dắt ban đầu của bộ tiểu thuyết, thì “giấc mộng cảnh ảo” lại giống như một cánh cửa sổ của Hồng Lâu Mộng, giúp độc giả thông qua giấc mơ như ảo như thực của Bảo Ngọc mà dần vén lên bức màn bí ẩn về bi kịch vận mệnh của mười hai người con gái đẹp trong Giả phủ.

Quan niệm nhân sinh như mộng đặc biệt sáng rõ khi nói về viên ngọc của Bảo Ngọc: “Vốn từ chỗ không ra, nên về chỗ không đó”. Ở Thái hư ảo cảnh cũng có đôi câu đối:

“Giả bảo là chân, chân cũng giả
Không làm ra có, có rồi không”.

Khi đến Ninh Phủ thưởng ngoạn ngắm hoa mai nở rộ, trong lúc Bảo Ngọc nghỉ ngơi ở buồng của Tần Khả Khanh, “vừa nhắm mắt đã bàng hoàng ngủ say. Tưởng như Tần thị còn đứng trước mặt mình. Bảo Ngọc lững thững theo Tần Thị đi đến một chỗ lan can sơn đỏ, thềm xây bằng ngọc, cây xanh ngắt, suối trong veo, không có một tí dấu vết bụi trần”. Trong tiên cảnh đó, Bảo Ngọc được gặp tiên cô ở Thái hư ảo cảnh và dạo chơi ở đây, lại được nhìn thấy Kim Lăng thập nhị thoa, lại được thưởng thức ca vũ “Thập nhị chi” của vở hát “Hồng Lâu Mộng”

Cảnh Ảo Tiên Tử không những để chàng lật xem từng quyển sổ về vận mệnh của các chị em, nhìn thấy vận mệnh của 12 cô gái nhà phú quý mà Đại Ngọc và Bảo Thoa đứng đầu danh sách, cũng để chàng nhìn thấy vận mệnh của Hương Lăng và những a hoàn bên cạnh mình như Tập Nhân, Tình Văn, v.v. Vận mệnh của những cô gái này, đặc biệt là những tiểu thư con nhà phú quý đều được nhắc đến trong 12 quyển sổ chính, lấy Đại Ngọc xếp đầu bảng. Sau đó, Tiên Tử lại tiến thêm một bước, dùng 12 khúc hát trong “Hồng Lâu Mộng” mà không ngừng khải thị cho chàng, dặn chàng hãy ghi nhớ những ca từ này. Lời ca được hát trên thực tế chính là vận mệnh bất đắc dĩ của những cô gái con nhà quý tộc.

Nơi đây thú vị tới mức làm Bảo Ngọc cảm thấy: “Chỗ này thú lắm, ước gì ta được ở đây suốt đời, dù mất cả nhà cũng vui lòng hơn là bị cha mẹ và thầy học kèm thúc”, trong mộng không biết bản thân là khách mà tham lam thưởng ngoạn vui vẻ.

Ảnh: Baomoi.

Ngoài ra, trong các hồi tiếp theo tác giả đã để Bảo Ngọc nằm mơ hai lần. Đó là trong hồi thứ 36 “Thêu bức uyên ương, hiên Giáng Vân mộng lành báo trước, Ngẫm đường tình phận, viện Lê Hương duyên đẹp định rồi’. Khi Bảo Thoa đi một mình, tiện đường tạt vào viện Di Hồng, muốn gặp Bảo Ngọc nói chuyện để khuây khỏa buổi trưa không ngờ Bảo Ngọc lại đang ngủ, chỉ có Tập Nhân ngồi thêu bên cạnh. Bảo Thoa nhìn cái bức thêu ở tay Tập Nhân. Đó là cái yếm bằng lụa trắng, giữa có màu đỏ, trên mặt thêu kiểu “Uyên ương vờn hoa sen” có hoa đỏ lá xanh, có chim uyên ương năm màu. Khi thấy Bảo Thoa tới bèn bảo ngồi đó đợi một lát. Khi đang cầm kim thêu tiếp bức thêu của Tập Nhân thì nghe thấy Bảo Ngọc ú ớ nói trong mơ: “Lời nói hòa thượng và đạo sĩ tin thế nào được? Cái gì là nhân duyên Kim Ngọc, tôi chỉ biết duyên Mộc Thạch thôi”. Một câu nói tưởng chừng vô nghĩa trong mơ đã rõ được trí hướng và tâm thái của Bảo Ngọc chỉ biết hướng về Đại Ngọc mà thôi.

Thứ hai là trong hồi thứ 56, Bảo Ngọc nghe nói ở Chân phủ Giang Nam có một công tử làm quan, có cùng tên với mình, tướng mạo, tính cách đều giống như đúc, không sai chút nào. Người xưa dạy, ban ngày suy nghĩ nhiều tối dễ nằm mộng. Lòng hiếu kỳ thúc đẩy Bảo Ngọc tới mức chưa cần đợi tới đêm anh đã nằm mơ thấy một Bảo Ngọc khác.

“Bảo Ngọc đâm ra ngờ ngợ: ‘Nếu bảo là không thì hình như cũng có, nếu bảo có thì mắt mình lại chưa trông thấy’. Trong bụng bứt rứt, về buồng nằm ngẫm nghĩ mãi, đâm ra ngủ mơ, thấy mình đi vào trong một vườn hoa… Bảo Ngọc nghe nói, giật mình thấy người trẻ tuổi trên giường nói: Ta thấy cụ nói, trong kinh cũng có một anh Bảo Ngọc tính nết cũng giống ta, ta vẫn không tin. Nhưng vừa rồi ta nằm mê đi vào một cái vườn hoa to ở trong kinh, bỗng gặp mấy chị đều cho ta là thằng ranh con bẩn thỉu, không thèm nhìn đến. Ta tìm mãi mới đến được cái buồng của anh ấy, thấy anh ấy đương nằm ngủ, nhưng chỉ có cái xác thôi, còn hồn thì đi đâu rồi ấy. Bảo Ngọc nói: ‘Tôi vì đi tìm Bảo Ngọc mới đến đây, thế ra anh là Bảo Ngọc à?…”

Chân Bảo Ngọc và Giả Bảo Ngọc là hai hình tượng để tác giả gửi gắm quan niệm về chân và giả. Chân Bảo Ngọc biết Giả Bảo Ngọc là “linh hồn cũ trên hòn đá tam sinh” và tự anh ta thấy mình phải có nghĩa vụ giảng giải cho Giả Bảo Ngọc những lý lẽ ở đời. Lý lẽ của Chân Bảo Ngọc là chuỗi lời của bọn “mọt ăn lộc” mà Giả Bảo Ngọc vốn rất khinh bỉ. Nhân vật Chân Bảo Ngọc xuất hiện một lần nhưng đã góp phần hoàn chỉnh bức tranh nhân sinh sâu sắc trong tư tưởng Tào Tuyết Cần, ấy là ông cho rằng Chân cũng chính là Giả, Giả cũng chính là Chân. Chân Bảo Ngọc là một hình ảnh, một sự phóng chiếu của Giả Bảo Ngọc (lần đầu tiên Giả Bảo Ngọc “gặp” Chân Bảo Ngọc là trong mơ, khi nằm ngủ đối diện với tấm gương).

“Giấc mộng báo tương lai” của Vương Hy Phượng

Trong Hồng Lâu Mộng, Vương Hy Phượng là “bậc anh hùng trong đám phấn son, bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được”, bình thường có quan hệ rất tốt với Tần Thị. Tần Thị trong lúc hấp hối đã báo mộng cho Phượng Thư về cơ đồ hai phủ Vinh–Ninh. Nếu không giữ gìn sẽ đến lúc “Hoa tàn thơm hết, mọi người chia tay”. Đây là nhân vật đầu tiên trong Hồng lâu mộng thể hiện sự hoài nghi về thế vững chãi đời đời của Vinh, Ninh phủ. Nàng tỏ ra rất thấm thía với lẽ vận hành: “Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy thì tràn”. Tần Thị chết rất sớm nhưng toàn bộ diễn biến của Hồng lâu mộng đúng theo dự cảm của nàng.

Tranh vẽ nhân vật Vương Hy Phượng trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng (ảnh: Kknews).

Tần Thị nói: “Câu tục ngữ ‘Trăng tròn rồi khuyết, nước đầy thì tràn’, và ‘Trèo cao tất ngã đau’, chắc thím cũng đã hiểu. Nhà ta giàu sang lừng lẫy non trăm năm nay, một ngày kia ‘Hết vui đến buồn’, đúng như câu tục ngữ ‘Cây đổ khỉ vượn tan’, chẳng hóa ra phụ cái tiếng dòng họ thi thư lâu đời hay sao?…”

Tần thị cũng lại cười nhạt: “Thím thế mà cũng ngớ ngẩn. Vinh chán thì phải nhục, xưa nay vẫn quanh quẩn như thế, sức người có giữ được mãi đâu…”

Tào Tuyết Cần là một nhà Nho, ý thức hệ của ông cơ bản vẫn là Nho gia. Nho gia tin vào thiên mệnh và quan niệm một nhân cách hoàn hảo phải làm sao có thể biết được thiên mệnh. “Không biết mệnh, không phải là người quân tử” (Khổng Tử).

Tư tưởng thiên mệnh trong Hồng lâu mộng đôi khi được thể hiện trực tiếp, thường vào lúc nhân vật gặp tai họa bất ngờ, khó giải thích. Mệnh trời còn được biểu hiện qua các điềm báo. Điềm báo trong thiên nhiên, trong hoạt động con người. Cây hải đường phủ Giả nở hoa trái mùa, liền sau đó Bảo Ngọc mất ngọc thiêng, gia đình họ Giả quyết định cưới Bảo Thoa cho Bảo Ngọc, Đại Ngọc chết. Yếu tố điềm báo xuất hiện nhiều theo giấc mộng. Đại Ngọc mơ thấy người ta gọi mợ hai Bảo, điềm báo Bảo Thoa lấy Bảo Ngọc; Giả Mẫu mơ thấy Nguyên phi về nhà thăm điềm báo Nguyên Phi chết; Bảo Ngọc mơ thấy Tình Văn đến chào để đi, điềm báo Tình Văn chết… Trước khi chết hoặc gặp phải một biến cố lớn lao, các nhân vật thường được báo mộng.

Ảnh: Xiangweiren.

Dù cảm thấy cái mong manh của đời người nhưng Tào Tuyết Cần không vì thế mà cho rằng cuộc sống là vô nghĩa. Các nhân vật trong tác phẩm đều tràn đầy hy vọng, mong muốn. Lòng khao khát được sống kiếp người của hòn đá là một ví dụ. Hòn đá “xuẩn ngốc” đã thoát vòng tạo hóa, không còn chịu kiếp sinh tử, tử sinh nhưng vẫn cầu xin hai vị thần tiên được đầu thai xuống hạ giới. Khi hòn đá được chứng kiến cảnh Quý phi về thăm nhà phong lưu, phú quí không kể xiết, lại thầm mừng cho thân phận được làm người của mình: “Nhớ lại những ngày ở dưới núi Thanh Ngạnh trong dãy núi Đại Hoàng mình sao mà buồn rầu, tịch mịch vậy. Nếu không nhờ nhà sư chốc đầu và đạo sĩ khiễng chân mang đến đây thì mình làm gì được thấy cái thế giới này”. Hòn đá từ khi đổi làm kiếp người cuộc đời mới trở nên ý vị. Mười chín năm đầu thai xuống trần chứng kiến biết bao chuyện tan hợp bi hoan… nhưng không vì thế mà chán ghét cuộc sống.

Có nhà nghiên cứu cho rằng càng viết về Hồng lâu mộng càng cảm thấy hồ đồ. Hồng lâu mộng không mang ý nghĩa một chiều. Thế giới Hồng lâu mộng được vẽ nên bằng những đường nét tỉ mỉ, vô cùng chân thực nhưng lại có thêm miền Thái hư ảo cảnh. Viên đá dưới chân núi Thanh Ngạnh, cõi Đại hoang mịt mùng… khiến cho không khí tịch mịch nơi Đại hoang bị tan loãng trong cuộc sống xa hoa phủ Giả, về cuối tác phẩm lại cuộn trào lên che khuất những số phận từng tồn tại trên đời:

“Chỗ ta ở chừ, đỉnh núi thanh u
Chỗ ta chơi chừ, cõi không mịt mù
Ai đi cùng ta chừ, ta đi theo ai
Mênh mông mịt mù chừ, về nơi Đại Hoang”.

Kiên Định
Theo Sohu

Từ Khóa: