Đọc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, độc giả không chỉ yêu mến một tay viết lão luyện với vốn hiểu biết uyên bác về các môn phái võ công truyền thống, mà còn say mê trước bút pháp tinh diệu, thể hiện qua những câu văn “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” của ông.

Dưới đây là một vài lời vàng ý ngọc, chúng được ví như những ‘nhãn tự’ tô điểm cho sự thành công về cả nội dung và nghệ thuật trong các pho tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung:

1. “Có nỗi khổ không nói ra được, đó mới là khổ thực sự”. (Thiên long bát bộ)

Nỗi khổ có thể nói ra được thì không được coi là khổ, nỗi khổ không nói ra được mới là khổ thực sự. Khi nỗi khổ đè nặng trong lòng, nếu như có người tâm đầu ý hợp, hay có người tri kỷ tri âm để nghe ta thổ lộ tâm tư, thì nỗi lòng ấy đã nguôi ngoai đi rất nhiều rồi. Khổ nhất là không biết thổ lộ cùng ai, đó mới là khổ thực sự, lâu dài, dai dẳng. Không ai hiểu, chỉ mình ta hết lần này đến lần khác nếm trọn nỗi cay đắng trong lòng.

2. “Làm người có thể lơ mơ thì cứ lơ mơ, cuộc sống hãy buông lỏng hết cỡ”. (Lộc đỉnh ký)

Nhân thế hỗn độn, sự đời rối ren, lòng người đen trắng nào ai sáng tỏ? Nếu cầu toàn trách bị quá, truy cầu hoàn mỹ quá, hay xét nét người quá, thì sẽ chỉ thấy căng thẳng, bất hạnh và khổ đau. Thế giới quá rộng lớn, sao cứ phải ngụp lặn mãi trong những chuyện thị thị phi phi? Cho nên, cứ lơ mơ một chút, buông xả một chút, rất có thể con đường phía trước sẽ là một chân trời bát ngát hương hoa.

3. “Thông minh quá ắt tổn thương, tình sâu quá ắt tổn thọ, mạnh mẽ quá ắt chịu nhục, vậy nên, hãy là người quân tử khiêm nhường, ấm áp như ngọc sáng”. (Thư kiếm ân cừu lục)

Thông minh quá sẽ có lúc bị trí tuệ làm cho thương tổn, si tình quá sẽ có lúc bị ái tình làm cho đau khổ, giàu có quá sẽ có lúc bị tiền bạc làm cho khánh kiệt, mà kiêu ngạo quá lại có lúc bị danh lợi làm cho ê chề…

Vì sao Phật gia giảng ‘Thủ Trung’, Nho gia giảng ‘Trung Dung’, Đạo gia giảng ‘Âm Dương cân bằng’? Bởi vì các bậc Thánh nhân, Giác Giả đã thấu hiểu một chân lý rằng “chỉ có ở giữa là Đại Đạo”, hễ vượt quá giới hạn đều bước sang cực đoan, mà xưa nay trạng thái cân bằng mới là bền vững nhất.

Xưa nay trạng thái cân bằng mới là bền vững nhất. (Ảnh minh họa từ youtube)

4. “Lửa thiêu thân xác, lửa thiêng rừng rực, sống có gì vui, chết có gì khổ? Hành thiện trừ ác, còn mãi sáng soi. Hoan lạc sầu bi, đều về cát bụi. Thương thay thế nhân, lo nghĩ ưu sầu”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Con người đến thế gian dạo chơi vùng vẫy một phen, rồi sau cùng tất cả lại rời đi. Khi đến là tấm thân trần trụi, khi đi là hai bàn tay trắng, dẫu cả đời phú quý vinh hoa thì cuối cùng lại chẳng thể mang theo được thứ gì. Thế nên, người thấu hiểu đạo lý sẽ coi nhẹ danh vọng, coi thường tiền tài, coi khinh sắc dục; họ sống là để tu dưỡng bản thân, trở nên ngày càng chân thành, chất phác, giản đơn, thanh tịnh.

5. “Nam nhi đại trượng phu, thứ nhất luận nhân phẩm tấm lòng, thứ nhì luận tài năng sự nghiệp, thứ ba luận văn học võ công”. (Thiên long bát bộ)

Tự cổ chí kim, thiên thượng vẫn luôn coi trọng người có đức. Lịch sử nhân loại ghi nhận biết bao anh hùng hào kiệt, bao đấng quân vương minh chủ, bao danh sĩ lẫy lừng lưu danh thiên cổ… đều bởi một chữ “Đức” đứng đầu. Thế nên người xưa tu đức, lại khuyên răn con cháu trước phải tu nhân tích đức, rồi sau mới là rèn rũa tài năng. Vì đức nâng đỡ tài năng, còn tài năng lại dựa vào đức mà thi triển. Hữu đức bất tài, dẫu không thể giúp đời thì vẫn là một tấm thân trong sạch. Hữu tài vô đức, càng thi triển tài năng thì chỉ càng gây họa cho xã hội mà thôi.

6. “Họ mạnh mặc họ mạnh, gió mát phẩy núi đồi. Họ ngang mặc họ ngang, trăng sáng soi sông lớn”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Những người có chí hướng sẽ chuyên tâm thành tựu bản thân, đâu để ý đến thành bại, tốt xấu, khen chê của người đời. Trong tâm có Đạo thì lúc nào cũng vui – Đó là điều mà Nho gia vẫn giảng: “An bần lạc Đạo” (yên lòng với cảnh nghèo mà vui với Đạo), hay: “Triêu văn Đạo tịch khả tử” (sáng nghe Đạo, tối chết cũng cam lòng).

7. “Hãy xem những đám mây trắng kia, tụ rồi lại tán, tán rồi lại tụ. Nhân sinh ly hợp cũng như thế”. (Thần điêu đại hiệp)

Đời người chính là như thế: hợp rồi tan, tan rồi hợp, ly biệt rồi hội ngộ, hội ngộ rồi biệt ly. Gặp gỡ hay chia lìa, ấy là do cái duyên nhiều hay ít, dày hay mỏng. Hiểu duyên thì sẽ biết trân quý giây phút bên nhau, trân trọng tình cảm ấm áp dành cho nhau. Mà đã trân quý rồi thì sẽ chẳng phí hoài thời gian mà soi mói, xét nét, luận bàn chỗ hay chỗ dở của người khác. Duyên kia một khi đã qua đi, thì có muốn một ánh mắt, một lời hỏi han cũng là quá muộn màng.

Đời người chính là như thế: hợp rồi tan, tan rồi hợp, ly biệt rồi hội ngộ, hội ngộ rồi biệt ly. (Ảnh minh họa: sohu.com)

8. “Thị phi chỉ vì cố xuất ngôn, phiền não chỉ bởi cố xuất đầu”. (Tiếu ngạo giang hồ)

Con người nơi thế gian phồn hoa, thật khó mà không bị dẫn động theo danh vọng, địa vị, tiền tài… Nếu cứ cố chấp chứng tỏ bản sự tài năng của mình, thì sẽ chỉ gây phản cảm, khiến mọi người rời xa. Còn nếu cứ cố chấp chứng tỏ mình xuất chúng hơn người, thì ai nấy cũng đều ghét bỏ, khiến bản thân cô lập. Thế nên, cẩn trọng mỗi lời nói hành vi, âm thầm lặng lẽ mà luyện đức rèn tài, thì công danh sự nghiệp, điều gì đáng đến sẽ tự khắc đến.

9. “Sách đến khi dùng mới hận mình đọc ít, thịt đến khi miếng ngon mới hận mình đã ăn quá nhiều”. (Lộc đỉnh ký)

Không ít người tuổi trẻ chỉ muốn rong chơi vùng vẫy, hưởng thụ mọi phú quý vinh hoa. Đến khi tuổi đã sang chiều, mới nhận ra rằng phú quý kia chỉ là phù phiếm, vinh hoa kia chỉ là hư ảo. Nay ở cái thế gần đất xa trời, mới thấy đời người giàu ở Đức, cao ở Trí, mà sang là ở Tài. Giá như có thể quay ngược lại thời gian, ta sẽ tận dụng từng khắc từng giờ mà học tập, tu dưỡng, và bồi bổ cái đức, cái tài của mình.

10. “Hồng nhan chớp mắt thành đầu bạc, hương hoa trong khoảnh khắc”. (Thiên long bát bộ)

Dung nhan dẫu đẹp thế nào cũng không thể chống lại sức tàn phá của thời gian. Cuộc sống này cũng vậy: phú quý, vinh hoa, lầu vàng, gác bạc, danh vọng, tiền tài… hết thảy đều chỉ là giấc mộng phù vân.

Cuộc sống này cũng vậy… hết thảy đều chỉ là giấc mộng phù vân. (Ảnh minh họa từ youtube)

11. “Yêu một người thì phải yêu cả một đời, nhưng không làm được không phải vì không muốn làm được, mà bởi không cách nào làm được. Thế sự khó lường, thuở ban đầu cũng chỉ là thuở ban đầu mà thôi”. (Tiếu ngạo giang hồ)

Ai cũng mơ mộng về một tình yêu đẹp như trong tiểu thuyết: Một túp lều tranh, hai trái tim vàng, lòng chàng ý thiếp, một đời thủy chung…

Nhưng cuộc sống quá tàn khốc, hiện thực quá đắng cay, khiến mối tình thơ chỉ có thể nằm hoài trong giấc mộng. Đến khi mộng đẹp tan vỡ, thì người trong cuộc đành phải bất lực mà thốt lên rằng: “Tình là vật, vốn là như thế, đến miệng ngọt ngào, dư vị đắng chát, mà thương tích khắp thân. Dù có muôn phần cẩn trọng thì cũng không tránh khỏi bị tình làm tổn thương” – (trích “Thần điêu đại hiệp”).

12. “Cái xa ngàn dặm không nhấc nổi cái lớn, cái cao ngàn trượng chẳng thể lấp nổi cái cực sâu”. (Ỷ thiên đồ long ký)

Khoảng cách xa xôi ngàn dặm không thể hình dung được cái to lớn, độ cao ngàn trượng chẳng thể nào chạm được chỗ thâm sâu. Sinh mệnh có giới hạn nhưng vũ trụ thì vô hạn. Vạn vật trên đời cũng chẳng dám ỷ thế mình cao hay lớn, mà đều phải nương tựa vào nhau mà sinh tồn. Giống như con thuyền cưỡi trên đầu ngọn sóng, ví không có sóng thì thuyền sao có thể ra khơi? Và giống như đại bàng đạp gió bay lên, ví không có gió thì đôi cánh kia sao có thể chao liệng giữa bầu trời?

13. “Bậc thiên tử có Đạo thì mọi người suy tôn làm chúa tể, vô Đạo thì mọi người sẽ vứt bỏ chẳng dùng, quả thực đáng sợ”. (Thư kiếm ân cừu lục)

Là bậc quân vương đứng đầu một quốc gia, nếu trong tâm có Đạo thì mới có thể làm cho thiên hạ thái bình, lòng dân yên ổn. Khi thần dân tin yêu, tất sẽ suy tôn quân vương của mình là ‘chân mệnh thiên tử’. Nhưng nếu vua là kẻ hôn quân vô Đạo, thì đất nước loạn lạc, lòng người rối ren, dân chúng khắp nơi đều ai oán. Khi ấy, vận nước sao tránh khỏi nạn loạn lạc đao binh? Đúng như lời Hoàng đế Đường Thái Tông từng nói: “Vua giống như thuyền, còn dân giống với nước. Nước có thể nâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền”.

Nam Phương