Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, đã trừng phạt Kharon, một công ty Hoa Kỳ do các cựu quan chức Bộ Tài chính nước này thành lập. Công ty này chuyên cung cấp dữ liệu về cáo buộc lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương.

Cách đây 2 ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, sẽ thực hiện “các biện pháp đối phó” để chống lại Kharon và giám đốc điều tra của công ty này vì đã cung cấp bằng chứng cho các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Tân Cương.

Đáp lại, công ty Kharon có trụ sở tại Los Angeles cho biết họ không có hiện diện ở Trung Quốc, vì vậy hành động này “phần lớn chỉ mang tính biểu tượng” và sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động hoặc khả năng phục vụ khách hàng của họ.

Công ty này tuyên bố: “Để phục vụ khách hàng của chúng tôi và tất cả các doanh nghiệp toàn cầu đang tìm cách thực hiện các chương trình quản lý rủi ro hàng đầu, Kharon sẽ tiếp tục cung cấp nghiên cứu và phân tích dữ liệu khách quan, độc lập và dựa trên các nguồn đáng tin cậy”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những cá nhân bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông và Ma Cao, đồng thời tài sản của công ty Kharon ở Trung Quốc sẽ bị phong tỏa.

Về phía Kharon, đại diện doanh nghiệp cho biết các công ty phụ thuộc vào dữ liệu của họ để bảo đảm việc tuân thủ Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.

Đạo luật này đã được Hoa Kỳ thông qua vào năm 2021 để từ chối nhập hàng hóa từ các công ty niêm yết có nguồn gốc từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc – trừ khi họ có thể chứng minh rằng chúng không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức.

Trong tháng này, Hoa Kỳ đã hạn chế nhập khẩu từ ba công ty Trung Quốc nữa, bao gồm Tập đoàn Công nghệ Tứ Xuyên Jingweida, Công ty này trước đây được Kharon phát hiện đã tham gia chuyển giao lao động vào năm 2017, trong đó có hàng nghìn công nhân được đưa đến làm việc tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau.

Các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng chính quyền Trung Quốc đã thành lập các trại lao động dành cho người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn luôn phủ nhận mọi hành vi lạm dụng.

Bắc Kinh tuyên bố các biện pháp trừng phạt liên quan đến Tân Cương đều là “dối trá” và ” sai sự thật”, và cáo buộc Mỹ đang có ý định phá hoại sự ổn định của Tân Cương và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc.