Nhật Bản bắt đầu xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển vào ngày 24/8. Trung Quốc đã phản đối hành động này.

Ngoài việc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản, chính phủ Trung Quốc gần đây đã phát động tuyên truyền chống Nhật bằng cách thổi phồng sự nguy hiểm của việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản. 

Một số Tiểu phấn hồng – thuật ngữ mô tả những người trẻ tuổi ủng hộ phong trào dân tộc hiếu chiến trên Internet tại Trung Quốc – đã bị kích động mạnh mẽ, gây ra một vụ đập phá một chiếc ô tô thương hiệu Nhật Bản. 

Một số học giả cho rằng, chủ nghĩa dân túy rất dễ kích động, một khi mất kiểm soát hoặc đi chệch hướng thì rất có thể ngọn lửa sẽ tự bùng cháy.

Vào ngày 26/8, những bức ảnh được đăng tải trên Internet của Trung Quốc cho thấy ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, có người đang lái xe về nhà ăn tối thì bị chặn đường, chiếc xe người đó lái bị đập nát. Hỏi tại sao xe bị đập nát thì người đó trả lời rằng, lý do là đó là chiếc xe của thương hiệu Nhật Bản. 

Đây không phải là lần đầu tiên một chiếc ô tô Nhật Bản bị đập phá. Năm 2012, ông Thái Dương, một thợ hồ, đã dùng ổ khóa hình chữ U đập vào đầu tài xế Li Jianli đang lái một chiếc xe Nhật Bản, khiến chủ xe bị thương nặng. Bị kết án 10 năm tù, nhưng ông Thái Dương vẫn không chịu xin lỗi. Tại tòa, ông hùng hồn nói: “Tôi yêu nước và tẩy chay hàng Nhật”.

Đối với hành vi quá khích này, một số cư dân mạng Trung Quốc bình luận trên trang NetEase rằng, một khi một số người đang chán nản trong cuộc sống mà lại bị kích động bởi kiểu tuyên truyền “yêu nước” như vậy thì sức mạnh tích tụ trong họ sẽ rất đáng sợ. Những người được gọi là yêu nước cực đoan này không chỉ đập phá ô tô, mà còn có thể nhắm vào các doanh nghiệp, trường học, đường phố và nhà hàng Nhật Bản. Lần này, với việc xả nước thải của nhà máy Fukushima, chỉ cần nhìn vào thái độ đối với việc mua bán thủy sản ở vùng ven biển của Trung Quốc là có thể biết.

Sự giận dữ của các tiểu phấn hồng Trung Quốc không chỉ trút xuống đất nước họ mà còn lan sang Nhật Bản. 

Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc cho biết, Nhật Bản gần đây đã nhận được số lượng lớn các cuộc gọi quấy rối từ Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh đây là một hành vi phạm pháp và yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải xử lý nghiêm khắc. Các cuộc gọi được thực hiện bằng số điện thoại Nhật Bản, tạo ra sự nghi ngờ rằng, một số cư dân mạng Trung Quốc đã gọi cho các tiểu phấn hồng ở Nhật Bản để phản đối việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân.

Và trong khi tinh thần chống Nhật của những tiểu phấn hồng Trung Quốc đang dâng cao thì chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ thêm dầu vào lửa. 

Theo trang tin Kyodo News của Nhật Bản, Đảng Komeito của Nhật đã thông báo vào ngày 26/8 rằng chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo đảng Matsuo Yamaguchi vào ngày 28 sẽ bị hoãn lại vì phía Trung Quốc đã thông báo cho Đảng Komeito, “Với mối quan hệ và tình hình Trung-Nhật hiện tại, thời điểm này không thích hợp.”

Trước tình hình chống Nhật ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã nhắc nhở người Nhật tại Trung Quốc vào ngày 26/8 rằng việc xả nước đã qua xử lý hạt nhân đã làm dấy lên mối lo ngại từ thế giới bên ngoài và không thể loại trừ khả năng xảy ra tai nạn. Đại sứ quán nhắc nhở công dân Nhật Bản ghi nhớ hai điểm. Thứ nhất, khi đi ra ngoài, hãy cố gắng chú ý đến lời nói và hành động của bản thân, chẳng hạn như không nói to tiếng Nhật trừ khi cần thiết. Thứ hai, nếu có nhu cầu đến thăm đại sứ quán, hãy chú ý theo dõi tình hình xung quanh đại sứ quán.

Tin tức này truyền ra đã dẫn đến một lượng lớn phản ứng cay độc từ các Tiểu phấn hồng Trung Quốc.

Họ để lại các tin nhắn với nội dung: “Tốt nhất là đừng tiết lộ bạn là người Nhật”,  “Tôi sẽ nhận ra bạn ngay cả khi bạn biến thành tro bụi”, “Đóng cửa các trường học Nhật Bản ở Trung Quốc”, “Người Nhật đừng đến Trung Quốc, các người không được chào đón”, “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản”, “Họ nên nhắc nhở người dân Nhật Bản tự mổ bụng khi có thời gian”, v.v.

Vấn đề là sự nguy hiểm của nước thải hạt nhân Nhật Bản mà chính quyền Trung Quốc cố gắng quảng bá là không có thật.

Sau khi Nhật Bản xả nước thải hôm 25/8, các giám sát viên của IAEA tại hiện trường cho biết các cuộc kiểm tra của họ cho thấy nồng độ phóng xạ thấp hơn mức giới hạn toàn cầu khoảng 7 lần.

Tony Hooker, giám đốc Trung tâm Giáo dục và Đổi mới Nghiên cứu Phóng xạ tại Đại học Adelaide ở Australia, nói với kênh Al Jazeera rằng, nước thải hạt nhân thải ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima là an toàn. “Rõ ràng nó thấp hơn nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về nước uống.”

Mặt khác, điều mà chính quyền ĐCSTQ không ngờ tới là những lời chỉ trích của họ đối với việc xả nước thải hạt nhân của Nhật Bản sẽ tự giáng vào chính họ, bởi vì khi dữ liệu so sánh nước thải hạt nhân giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng được phổ biến rộng rãi, nhiều người biết rằng, nước thải hạt nhân của Trung Quốc có hại hơn.

Theo những bức ảnh được đăng tải trên mạng ngày 26/8. Một biểu ngữ bằng tiếng Hàn ở cổng Đại học Chonbuk có nội dung: Nước thải hạt nhân của Trung Quốc gấp 50 lần so với Fukushima! Thiệt hại gây ra gấp trăm lần, tại sao người Trung Quốc không thể kể hết? 

Một số cư dân mạng nhận xét chính quyền quá ngu ngốc.

Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shenkun) viết trên Twitter rằng, nếu một người nắm quyền mà đi theo phong cách kích động thù hận, chắc chắn sẽ khiến quốc gia, dân tộc đó mất đi lý trí, cuối cùng biến thành một thảm họa ảnh hưởng đến thế giới và toàn thể mọi người.

Trong một bài đăng khác, ông phân tích rằng, nếu làn sóng chống Nhật ở Trung Quốc phát triển thành một cuộc biểu tình bên ngoài xã hội, mọi người sẽ xuống đường đập phá, sau đó gây áp lực đòi chính phủ trừng phạt mạnh tay hơn đối với Nhật Bản, thì khi đó không chỉ hàng Nhật bị tẩy chay, mà nguồn vốn của Nhật Bản cũng sẽ rút khỏi Trung Quốc.

Ôn cho rằng, chủ nghĩa dân túy rất dễ kích động, nhưng một khi mất kiểm soát hoặc đi chệch hướng thì rất có thể ngọn lửa sẽ tự bùng cháy.

Nhà bình luận Thái Thận Khôn nói thêm rằng, trên thực tế, mọi làn sóng chống Nhật do người dân phát động trước đây đều là kết quả của sự thao túng dư luận của chính quyền Trung Quốc. Hơn thế nữa, họ muốn chuyển hướng chú ý khỏi các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và lần này cũng không ngoại lệ.