Ngày 16/2, theo giờ địa phương, Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ kiêm Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc, đã gặp Người đồng cấp Anh, David Cameron, theo yêu cầu khi tham dự Hội nghị An ninh Munich.

Bắc Kinh hy vọng phía Anh sẽ giải quyết thỏa đáng những khác biệt và đưa quan hệ Trung-Anh trở lại đúng hướng. Phía Anh bày tỏ quan điểm về các vấn đề then chốt như nhân quyền ở Trung Quốc, lực lượng vũ trang Houthi ở Biển Đỏ và cái chết trong tù của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny.

Theo trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cho rằng, Trung Quốc và Anh đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cả hai bên nên hợp tác cùng nhau để tăng cường trao đổi, hợp tác và thúc đẩy quan hệ Trung-Anh trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định. Điều này phù hợp với lợi ích cơ bản, lâu dài của hai nước và cũng là mong đợi chung của cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Anh Cameron nói rằng, Vương quốc Anh sẵn sàng xem xét mối quan hệ Anh-Trung từ góc độ chiến lược, phát triển quan hệ song phương mang tính xây dựng hơn với Trung Quốc, đồng thời quản lý những khác biệt và giải quyết vấn đề theo cách tôn trọng lẫn nhau. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Anh và Trung Quốc nên cùng nhau bảo vệ hòa bình, an ninh và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Về các yêu cầu của Anh, Bộ Ngoại giao Anh cho biết, trong cuộc gặp, Ngoại trưởng Anh Cameron hy vọng Bắc Kinh nên sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Iran để gây áp lực lên phiến quân Houthi về hành động của họ ở Biển Đỏ.

Kể từ khi cuộc tấn công của Hamas vào Israel gây ra một vòng xung đột mới, phiến quân Houthi của Yemen đã tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ, gây ra một cuộc khủng hoảng. Vào ngày 9 tháng 1, 50 tàu buôn đã bị lực lượng vũ trang Houthi tấn công và đe dọa, điều này không chỉ tác động lớn đến thương mại hàng hải toàn cầu mà còn có thể tác động sâu sắc đến cơ cấu sản xuất và lưu thông toàn cầu trong tương lai.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh Cameron cũng nhắc lại rằng Vương quốc Anh quan ngại sâu sắc về hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương và Hồng Kông, quan ngại về việc các nghị sĩ Anh bị Bắc Kinh trừng phạt và ủng hộ việc trả tự do cho ông trùm truyền thông Jimmy Lai – gương mặt tiêu biểu ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Tim Loughton, thành viên Hạ viện Anh, từ lâu đã nêu quan ngại về hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ tại quốc hội, đặc biệt là tình hình nhân quyền của người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, nên đã bị Bắc Kinh áp đặt lệnh trừng phạt. Đầu tháng 2, ông kêu gọi chính phủ và các bộ trưởng Anh hợp tác với những người bảo vệ nền dân chủ toàn cầu để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nhân quyền của mình.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập đến hai vấn đề trên trong tuyên bố hôm 17/2, chỉ trích dẫn lời ông Vương Nghị nói rằng, cả hai bên nên giải quyết “đúng đắn” những khác biệt và xung đột, đồng thời đẩy quan hệ song phương “trở lại đúng hướng”.

Thủ tướng Anh Sunak đã bổ nhiệm cựu Thủ tướng Anh Cameron làm Ngoại trưởng vào năm ngoái. Năm 2015, Thủ tướng Anh khi đó là ông Cameron nói rằng, quan hệ với ĐCSTQ sẽ bước vào “kỷ nguyên vàng”, nhưng ông Sunak nói rõ rằng, kỷ nguyên này đã kết thúc và ông sẽ ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia cũng như hợp tác về thương mại và biến đổi khí hậu. 

Ngoài ra, theo hãng tin Sky News, hôm 17/2, ông Cameron cho biết, Vương quốc Anh sẽ có hành động về cái chết trong tù của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny, và kêu gọi các nước khác cũng làm như vậy.

Thủ tướng Anh Cameron nói với giới truyền thông: “Khi một hành vi tàn bạo về nhân quyền gây sốc như thế này xảy ra, cần phải có lời giải thích. Điều chúng tôi làm là xem liệu có ai phải chịu trách nhiệm hay không và liệu chúng tôi có thể thực hiện hành động cá nhân hay không”.