Sau cuộc thanh trừng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và một số quan chức cấp cao của Lực lượng Tên lửa, hôm 9/11, truyền thông Hồng Kông đưa tin, chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội Trung Quốc đã mở rộng sang Lực lượng Không quân. Có tin đồn rằng Cựu tư lệnh lực lượng không quân Đinh Lai Hàng (Ding Laihang/丁来杭) đang bị điều tra.

Hôm 9/11, tờ Minh Báo của Hồng Kông đã đăng một bài báo nói rằng, tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh được tổ chức vào cuối tháng 10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), đã có bài phát biểu khai mạc và đã cùng người đồng cấp Trung Quốc Hà Vệ Đông (He Weidong), gặp gỡ các bộ trưởng quốc phòng của nhiều nước, mục đích là để không cho ngoại giới biết ai sẽ đảm nhận chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Bài báo cũng nêu rằng tại Diễn đàn Hương Sơn, trong các đảng viên cấp cao của ĐCSTQ đến dự hoặc tiếp đón các tướng lĩnh quân đội nước ngoài, không hề thấy bất cứ một vị tướng nào của Lực lượng Tên lửa, cũng như không có bất kỳ vị tướng nào trước đây bị đồn là đang bị điều tra có mặt. Tình trạng đó cho thấy, tin đồn họ dính líu đến các vụ án tham nhũng nhìn chung là đúng.

Cuối tháng 5, tờ Minh Báo đưa tin ông Lưu Quang Bân (刘光斌), Phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Trung Quốc, và Trung tướng Trương Chấn Trung (张振中/Zhang Zhenzhong), phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương và là từng giữ chức phó tư lệnh Lực lượng Tên lửa, đã bị bắt vào tháng 4 năm nay.

Ngày 13/7, tờ báo cũng đưa tin Thượng tướng Há Can Sinh (Ju Gansheng/巨干生), Tư lệnh Lực lượng Chi viện chiến lược chịu trách nhiệm về tình báo truyền thông, gián điệp và tác chiến điện tử, cũng bị liên lụy.

Ngày 31/7, tờ Financial Times đưa tin, theo công ty tư vấn Cercius của Canada chuyên nghiên cứu về chính trị tinh hoa của Trung Quốc, khoảng 10 sĩ quan tại ngũ và đã nghỉ hưu của Lực lượng Tên lửa Trung Quốc hiện đang mất tích, trong đó có cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và phó Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Lưu Quang Bân.

Bài báo mới nhất của tờ Minh Báo tiết lộ, ngoài những tin đồn trước đây về việc các tướng lĩnh quân đội đang bị điều tra, có tin đồn mới nhất cho rằng cơn bão thành trừng của ông Tập Cận Bình nay đã lan sang Lực lượng Không quân, nói rằng Cựu tư lệnh Lực lượng Không quân Đinh Lai Hàng, Ủy viên Thường vụ Trung ương Trung Quốc và là Phó Chủ tịch Ủy ban Hoa kiều của Quốc hội, cũng đang bị điều tra.

Thông tin chỉ ra rằng ông Đinh có liên quan đến vụ tham nhũng dự án sân bay Tây Giao Bắc Kinh.

Bài báo cho biết không rõ tin đồn về Cựu tư lệnh Lực lượng Không quân Đinh Lai Hàng là đúng hay sai, nhưng có tin rằng, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc vào tháng trước, ông Đinh Lai Hàng và cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chu Á Ninh (周亚宁) – hiện là Ủy viên Thường vụ Quốc hội và là Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) cùng lúc vắng mặt, không rõ lý do.

Tờ Financial Times trước đó dẫn lời ông Phillip Saunders, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ, cho rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền là quân đội. Ông Tập cho rằng quân đội đã bắt đầu suy thoái, nằm ngoài tầm kiểm soát của ĐCSTQ, nên đã thực hiện những cải cách quyết liệt để phát huy quyền lực đối với quân đội.

Tuy nhiên, đã 10 năm kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, “Với sự xuất hiện của thế hệ lãnh đạo mới, một số quyết tâm chống tham nhũng đã dần biến mất, do đó, cần thường xuyên nhấn mạnh lại chiến dịch chống tham nhũng và nhấn mạnh lại đến chủ đề trung thành với đảng”.

Ông Lyle Morris, một thành viên cao cấp tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: “Ông Tập Cận Bình đã sử dụng những phương pháp chưa từng có để củng cố quyền kiểm soát quân đội. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ông Tập đã hoàn toàn có quyền kiểm soát quân đội”.

Giáo sư Joseph Torigian nghiên cứu về chính trị tinh hoa Trung Quốc tại Đại học Mỹ, nói rằng: “Ngay cả khi có một nhà lãnh đạo độc tài tuyệt đối, khó mà không có dòng chảy ngầm trong hệ thống”.

Truyền thông Đức trích dẫn dữ liệu từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, kể từ Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm ngoái, có hơn 39 quan chức quân sự và chính trị cấp cao của Trung Quốc đã bị sa thải hoặc bị bắt.