Sau 5 lần truyền máu, 1 lần ghép tủy qua một chiếc kim, Elianna (3 tháng tuổi, Mỹ) đã may mắn sống sót. Trước đó, các bác sĩ chẩn đoán, cô bé sẽ chết khi còn trong bụng mẹ. 

Theo New York Times, Nichelle Obar (40 tuổi, San Francisco) mang thai cô con gái Elianna ở tuần thứ 18, bác sĩ phát hiện thai nhi có trái tim to gấp đôi bình thường, máu chảy qua não cũng bất ổn. Cô bé được chẩn đoán mắc alpha thalassemia thể nặng.

Thai nhi 21 tuần tuổi tại Mỹ hồi sinh kỳ diệu nhờ được ghép tủy qua... một cây kim
Vợ chồng chị Obar đã từng nghĩ cô bé không thể chào đời an toàn. (Ảnh: New York Times)

Các bác sĩ dự đoán, vào giai đoạn giữa thai kỳ, em bé sẽ chết do suy tim. Thậm chí, chị Obar cũng nguy đến tính mạng vì “hội chứng gương”, ảnh hưởng bởi tình trạng suy tim của con.

Bác sĩ khuyến cáo, để cứu người mẹ bắt buộc phải bỏ thai, nếu cố giữ, bé cũng chịu tổn thương não nghiêm trọng do thiếu oxy.

Thai nhi 21 tuần tuổi tại Mỹ hồi sinh kỳ diệu nhờ được ghép tủy qua... một cây kim
Vợ chồng Nichelle Obar và Tiến sĩ MacKenzie (Ảnh: New York Times)

Vào tuần thứ 21 của thai kỳ, chị Nichelle Obar tìm đến Tiến sĩ Tippi MacKenzie, người đứng đầu nghiên cứu về ghép tủy cho thai nhi ở bệnh viện Nhi Đồng Benioff San Francisco (Mỹ) với hy vọng cứu sống con gái bé bỏng.

Khi ấy thai đã bắt đầu bị suy nặng đến mức gần chết, ê-kíp của Tippi MacKenzie, đã truyền máu cho cô bé bằng một cây kim xuyên qua bụng, tử cung của người mẹ, vào thẳng tĩnh mạch trong dây rốn. May mắn, thai nhi đã hồi phục.

Thai nhi 21 tuần tuổi tại Mỹ hồi sinh kỳ diệu nhờ được ghép tủy qua... một cây kim
Bé Elianna đã được 3 tháng tuổi. (Ảnh: New York Times)

Một tuần sau đó, Tiến sĩ MacKenzie quyết định ghép tủy cho cô bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ. 50 triệu tế bào gốc tủy xương rút từ hông của người mẹ được “nhỏ” vào tĩnh mạch của thai nhi bé nhỏ qua chiếc kim truyền máu.

Nhóm nghiên cứu giải thích rằng, cô bé cần một lượng tế bào lớn để đủ bù đắp cho những khiếm khuyết của mình. Tủy xương sau ghép thường được thay thế bằng các tế bào gốc lành của người hiến, tạo ra các tế bào mới.

Thai nhi 21 tuần tuổi tại Mỹ hồi sinh kỳ diệu nhờ được ghép tủy qua... một cây kim
Hiện, bé Elianna phải truyền máu 3 tuần/lần để duy trì sự sống. (Ảnh: New York Times)

Elianna đã trải qua 5 lần truyền máu, 1 lần ghép tủy trước khi ra đời. Hiện, căn bệnh thalassemia vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe của cô bé. Tuy nhiên, tế bào gốc tủy đang dần thay thế tế bào cũ. Các bác sĩ hy vọng, tế bào lành của mẹ sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn và giúp bé khỏi bệnh.

Thalassemia (tan máu bẩm sinh) là một bệnh di truyền, khi cơ thể tạo ra một dạng hemoglobin bất thường, phá hủy tế bào hồng cầu, dẫn đến thiếu máu. Ước tính, mỗi năm có 100.000 trẻ em ra đời mắc bệnh ở thể nặng, phải truyền máu suốt đời và gặp những biến chứng khác ảnh hưởng sức khỏe, tuổi thọ.

Dấu hiệu mắc tan máu bẩm sinh

  • Biếng ăn, chán ăn.
  • Nhợt nhạt, da xanh xao. Vàng da, có màu vàng da hoặc mắt trắng.
  • Nhiễm trùng thường xuyên.
  • Không phát triển hoặc chậm phát triển.
  • Các cơ quan bị trương phình, lá lách phát triển mạnh.

H.H