Một vài nhân viên Google đã phát hiện những dấu hiệu cho thấy dự án Dragonfly (tạm dịch: Chuồn chuồn), công cụ tìm kiếm có gắn kiểm duyệt tại Trung Quốc, có thể vẫn đang hoạt động dù năm ngoái, Giám đốc điều hành của Google tuyên bố công ty chưa có kế hoạch tiếp tục triển khai dự án này.

Nhân viên Google lo sợ 'Dự án công cụ tìm kiếm gắn kiểm duyệt cho Trung Quốc' vẫn đang hoạt động
(Ảnh Mikel Davis/Vision Times)

Chuồn chuồn vẫn vỗ cánh?

Sau khi Google từ chối cam kết công khai về việc sẽ không bao giờ triển khai công cụ tìm kiếm có gắn kiểm duyệt ở Trung Quốc, một nhóm nhân viên đã quyết định tự mình giám sát công ty. Họ theo dõi các mã code được liên kết với dự án và phát hiện ra rằng Dragonfly có thể vẫn đang hoạt động.

“Các nhân viên đã xác định được khoảng 500 thay đổi trong mã code trong tháng 12 và hơn 400 thay đổi về mã code trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, theo đó, họ tin rằng có sự phát triển liên tục của dự án Dragonfly (Kể từ tháng 8 năm 2017, số lượng thay đổi mã code đã biến động khoảng từ 150 đến 500 mỗi tháng, một nguồn tin cho biết), theo Tờ The Intercept.

Ngoài ra, họ cũng phát hiện Google đã phân bổ gần 100 nhân lực cho trung tâm chi phí liên kết với dự án. Điều này nghĩa là công ty đã dành một khoản ngân sách cho Dragonfly. Phát hiện này càng tăng thêm nghi ngờ về việc dự án vẫn đang hoạt động. Sau khi tin tức nổ ra, truyền thông đã đặt câu hỏi cho Google về tình trạng của Dragonfly

Nhân viên Google lo sợ 'Dự án công cụ tìm kiếm gắn kiểm duyệt cho Trung Quốc' vẫn đang hoạt động
Họ cũng phát hiện ra rằng Google đã phân bổ gần 100 nhân lực cho trung tâm chi phí liên kết với dự án. (Ảnh: Ảnh chụp màn hình / YouTube)

“Việc suy diễn này là hoàn toàn không chính xác. Không có công việc nào được tiến hành với dự án Dragonfly… Như đã phát biểu cách đây vài tháng, chúng tôi không có kế hoạch khởi động dự án tìm kiếm nào ở Trung Quốc và không có công việc nào được triển khai với dạng dự án như vậy. Các thành viên trong nhóm đã chuyển sang các dự án mới”, một đại diện của Google tuyên bố với The Verge.

Mặc cho tuyên bố chính thức trên, nhiều người vẫn không tin rằng Google hoàn toàn trung thực về Dragonfly. Một số người cho rằng những thay đổi mã code có thể là các thao tác sau cùng cần được thực hiện trước khi đóng cửa dự án. Và một khi sự phẫn nộ của dư luận đối với Dragonfly giảm xuống, Google có thể sẽ khởi động lại dự án dưới một cái tên mới.

Nhân viên Google lo sợ 'Dự án công cụ tìm kiếm gắn kiểm duyệt cho Trung Quốc' vẫn đang hoạt động
Một số người lo sợ rằng một khi làn sóng phản đối của dư luận đối với Dragonfly giảm xuống, Google có thể sẽ khởi động lại dự án dưới một tên khác. (Ảnh: Students for a Free Tibet)

Tác động toàn cầu của việc kiểm duyệt internet tại Trung Quốc

Khi Trung Quốc bắt đầu sử dụng Internet, người ta đã nghĩ rằng nó sẽ mang lại một cuộc cách mạng dân chủ ở nước này bằng cách cho phép dân chúng nói lên suy nghĩ của họ. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Internet đã được Trung Quốc sử dụng để kiểm soát dân chúng nhiều hơn. Trên thực tế, tác động của chính sách kiểm duyệt Internet của Trung Quốc mạnh đến nỗi ngay cả các công ty toàn cầu như Google cũng sẵn sàng từ bỏ cam kết với tiêu chí tự do ngôn luận để có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn tỷ dân này.

“Tôi nghĩ Dragonfly là một ví dụ rất hay: dự án này là kiểu thỏa hiệp mà một công ty như Google sẽ phải làm nếu muốn vào thị trường Trung Quốc. Và tôi nghĩ có lẽ họ đã sẵn sàng thỏa hiệp nhiều hơn. Đó là lý do tôi phản đối tức thì khi mọi người nói về việc các công ty như Facebook và Google có thể tiến vào Trung Quốc… Không có cách nào Facebook như chúng ta biết hiện nay có thể tồn tại ở Trung Quốc”, James Griffiths, tác giả cuốn Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc: Cách xây dựng và kiểm soát một phiên bản thay thế của Internet ( Th e Great Firewall of China: How to Build and Control an Alternate Version of the Internet) , trao đổi với báo Hong Kong Free Press.

Khi các công ty như Google đồng ý gắn kiểm duyệt, các quốc gia khác trên thế giới cũng có thể đưa ra yêu cầu cho phiên bản công cụ tìm kiếm có gắn kiểm duyệt cho riêng họ. Điều này sẽ làm tê liệt quyền tự do ngôn luận trên Internet và công nghệ cuối cùng sẽ trở thành một công cụ áp bức hơn là một công cụ để con người thể hiện tự do tư tưởng.

Theo Vision Times
Linh Khánh biên dịch

Video: YouTube Kiểm Duyệt Trung Quốc Không Kiểm Duyệt 

videoinfo__video3.dkn.tv||e22ccbdf3__