Sức mạnh camera đã trở thành một trong những nhân tố quyết định của các thế hệ smartphone hiện nay, như loạt flagship Pixel 4 của Google và iPhone 11 của Apple mới đây đã chứng tỏ. Các mẫu smartphone này đã phô diễn những trải nghiệm chụp ảnh tốt nhất, và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp diễn sang tương lai. Trào lưu nhiếp ảnh này không chỉ dành riêng cho phân khúc smartphone cao cấp – những bức ảnh đẹp cũng có thể xuất hiện trên các dòng điện thoại thuộc phân khúc tầm trung và giá rẻ (phân khúc trung hạ), trang Android Authority nhận định.

Tuy vậy, hai phân khúc này hiện đang có bất đồng lớn trong cách thức tiếp cận công nghệ camera. Tại phân khúc trung hạ, đã có những chiếc smartphone với cảm biến lên tới 48, 64 thậm chí 108 megapixel (MP). Những chiếc smartphone này đang trở thành minh chứng cho một lý thuyết xưa cũ, khi cho rằng số chấm (MP) lớn hơn thì ảnh chụp sẽ tốt hơn. Nhưng hãy thử hỏi Apple, Google và Samsung xem, họ sẽ bảo bạn rằng camera chỉ cần đến 12 MP là đủ. Và kết quả thực tiễn dường như cũng đồng ý với nhận định này.

Đỉnh cao nhiếp ảnh di động: Apple và Google chứng minh phần mềm còn quan trọng hơn độ phân giải

Coi chừng sự cám dỗ của số chấm pixel

Tuy số chấm megapixel cao (48 MP, 64MP, 108 MP!!! trên các dòng máy trung hạ so với những 8MP, 12 MP trên các dòng máy cao cấp) nghe có vẻ khá bùi tai và mạnh mẽ, nhưng khi chuyển đổi chúng thành những bức ảnh thực thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. 

Nghịch lý nằm ở chỗ, một số camera độ phân giải cao trên thị trường lại cho ra những bức ảnh thiếu độ sắc nét và trông rất mờ. Lý do là vì số chấm pixel là chưa đủ để tạo ra một bức ảnh đẹp. Còn phải cần đến một ống kính chất lượng cao và các thuật toán xử lý hình ảnh cao cấp. Tất nhiên cũng có ngoại lệ. Một số điện thoại có số chấm cao có thể tạo ra những bức ảnh rất chi tiết, ví như chiếc Huawei Mate 30 Pro , nhưng những chiếc smartphone giá cả phải chăng hơn thì lại không làm được.

Để chứng minh, hãy kiểm tra bức ảnh chụp minh họa dưới đây – một cuộc đọ sức giữa camera 48MP trên chiếc Honor 9X của nhà Huawei và camera 12MP trên chiếc Pixel 3 của nhà Google. Đây không phải là một phép so sánh công bằng nếu chỉ dựa trên mức giá, nhưng nó đã chứng minh được quan điểm về số chấm pixel. Khi quan sát hai hình dưới, có thể thấy khá rõ ràng hình ảnh nào tóm bắt được nhiều chi tiết hơn.

[twenty20 img1=”1267687″ img2=”1267683″ offset=”0.5″ before=”Google Pixel 3 – 12MP” after=”Google Pixel 3 – 12MP” hover=”true”]

Các smartphone chụp ảnh tốt nhất đã cải thiện rất nhiều vào năm 2019, nhưng phần cứng của camera trên chúng không có thay đổi gì đáng kể.

Một lý do quan trọng đằng sau hiện tượng bí ẩn này là, các cảm biến megapixel khổng lồ đều sử dụng một loại công nghệ có tên là “ghép pixel (pixel binning)”. Thay vì sử dụng bộ lọc màu truyền thống của Bayer, những cảm biến này sử dụng bộ lọc Quad-Bayer. Trong thực tiễn, những máy ảnh có “số chấm khủng” này có độ phân giải màu chỉ bằng khoảng ¼ số pixel của chúng. Vì vậy, một camera ghép pixel 48 MP trên thực tế chỉ có độ sắc nét và chi tiết ngang bằng với một camera 12 MP, 64MP thì giống với 16MP và 108MP thì chỉ giống với với 27MP. Đây là nói đến độ phân giải thực. Đó là khi đã giả định rằng một hãng smartphone tập trung vào phân khúc giá rẻ có thể làm ra các ống kính tốt, nhưng điều này thường không khả thi.

Điểm mấu chốt ở đây là đừng tin vào những con số, hãy nhìn vào những bức ảnh. Cho đến nay, các cảm biến megapixel khổng lồ này hầu hết đều gây thất vọng.

Nhiếp ảnh điện toán mới là tương lai

Đỉnh cao nhiếp ảnh di động: Apple và Google chứng minh phần mềm còn quan trọng hơn độ phân giải

Trong khi cuộc chạy đua số chấm đã tạo ra nhiều sự thất vọng, các smartphone thuộc top đầu thị trường hầu như không cải tiến phần cứng camera mấy trong vài năm gần đây. Thay vào đó, các flagship cao cấp này chú trọng nâng cao chất lượng ảnh chụp thông qua công nghệ nhiếp ảnh điện toán (computational photography).

Những cải tiến trong khả năng xử lý hình ảnh đang tạo ra những bức ảnh với nhiều chi tiết hơn, khả năng cân bằng trắng và màu sắc tốt hơn vào ban ngày (môi trường đủ sáng) lẫn ban đêm (môi trường thiếu sáng). Nhiếp ảnh điện toán cũng là sức mạnh đằng sau nhiều tính năng camera phổ biến, bao gồm chế độ chụp đêm (night mode), chụp ảnh xóa phông và khả năng nhận diện cảnh thực tế ảo AI. Để lấy ví dụ về sức mạnh của nhiếp ảnh điện toán trong thực tiễn, hãy xem chất lượng tuyệt vời của các bức ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của Apple, chế độ chụp hybrid zoom 5x của Huawei hay chế độ chụp ảnh thiên văn (astrophotography) trên Pixel 4 của Google.

Đỉnh cao nhiếp ảnh di động: Apple và Google chứng minh phần mềm còn quan trọng hơn độ phân giải
Ảnh chụp chân dung sử dụng chế độ Portrait Mode trên Pixel 2.
Đỉnh cao nhiếp ảnh di động: Apple và Google chứng minh phần mềm còn quan trọng hơn độ phân giải
Ảnh chụp bầu trời sử dụng chế độ chụp ảnh thiên văn astrophotography trên Pixel 4.
Đỉnh cao nhiếp ảnh di động: Apple và Google chứng minh phần mềm còn quan trọng hơn độ phân giải
Ảnh chụp về đêm sử dụng chế độ Night Shift trên Pixel 4

Tích hợp chức năng xử lý hình ảnh cao cấp là khó hơn nhiều so với việc nâng cấp số chấm, nhưng Apple và Google đã chứng minh được rằng đây sẽ là xu hướng mới trong tương lai.

Chúng ta đã thấy một vài kỹ thuật như vậy xuất hiện trên các smartphone giá cả phải chăng hơn. Chế độ chụp đêm và chụp ảnh xóa phông có thể được tìm thấy trên hầu hết các mẫu điện thoại chỉ một năm sau khi đây từng là đặc quyền trên những chiếc smartphone cao cấp. Tuy nhiên, chi phí đắt đỏ của công nghệ xử lý hình ảnh tiên tiến và phần cứng máy học (machine learning) hiện vẫn đang bảo lưu các thuật toán nhiếp ảnh điện toán tiên tiến nhất trên các dòng máy đắt tiền hơn, ít nhất là vào thời điểm hiện tại.

Những dòng smartphone chụp ảnh tốt nhất hiện nay không chỉ nhờ vào phần cứng camera tuyệt vời, chúng còn dựa trên các thành phần xử lý hình ảnh và máy học tối tân nữa. Apple, Huawei và Samsung đã tăng cường các tính năng bên trong vi xử lý nội bộ trên các dòng smartphone của họ, trong khi Google đang chạy theo xu hướng với vi xử lý Neural Core bổ sung. Những con chip này là cần thiết để chạy các thuật toán xử lý hình ảnh tiên tiến này một cách hiệu quả mà không rút kiệt thời lượng pin của máy.

Rốt cục, những tính năng này sẽ len lỏi vào các mẫu điện thoại tầm trung hạ và khi điều đó xảy ra, các nhà sản xuất có thể giảm độ phân giải (số chấm) camera để giúp xử lý dữ liệu hình ảnh hiệu quả hơn, trong khi vẫn duy trì được chất lượng hình ảnh. Trong thời gian này, các smartphone tầm trung hạ vẫn đang hướng đến các cảm biến có độ phân giải cao hơn để tăng cường tính cạnh tranh của chúng trên thị trường. Nhưng tương lai của nhiếp ảnh di động sẽ nằm ở các tính năng xử lý hình ảnh thông minh hơn, tiên tiến hơn, chứ không phải ở cuộc chạy đua “số chấm”.

(Ảnh: Android Authority)