Hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ được tìm thấy ở New Zealand thuộc kỷ Paleocene (Kỷ Cổ Cận) cách đây khoảng 66-56 triệu năm.

Ngày 14/8, các nhà khoa học New Zealand thông báo phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ lớn bằng một người trưởng thành tại đảo Nam của New Zealand. 

New Zealand: phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ lớn bằng người trưởng thành
Viện bảo tàng Canterbury phục dựng hình dáng khổng lồ của chim cánh cụt Crossvallia waiparensis.

Theo chia sẻ của các nhà khoa học với hãng tin AFP, bộ xương được tìm thấy thuộc về một loài động vật sống dưới nước có chiều cao lên tới 1,6m, nặng 80kg. So với loài chim cánh cụt lớn nhất hiện tại là chim cánh cụt Hoàng đế, thì loài mới được tìm thấy nặng gấp 4 lần và cao hơn 40cm. 

Các nhà khoa học xác định loài chim này có tên khoa học “crossvallia waiparensis”, chưa từng được biết đến trước đây. Đây là loài chim chuyên săn mồi ở vùng biển nam New Zealand. 

Sau khi phân tích mẫu xương hóa thạch, viện bảo tàng Canterbury đã đưa loài cánh cụt này vào danh sách động vật khổng lồ tuyệt chủng tại New Zealand. Đại diện Viện bảo tàng Canterbury cho BBC biết, đây là hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ thứ hai thuộc kỷ Paleocene được tìm thấy tại khu vực. Trước đó, vào năm 2000, người ta đã tìm thấy một loài chim cánh cụt tiền sử khác tên là “Crossvallia unienwillia”.

New Zealand: phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ lớn bằng người trưởng thành
Mẩu xương hóa thạch thuộc về loài chim cánh cụt Crossvallia waiparensis (ảnh: Bảo tàng Cantebury).

Sở dĩ loài chim cánh cụt thời đó có thể to lớn như vậy là do sự biến mất của các loài bò sát khổng lồ dưới biển và sự tuyệt chủng của khủng long. Và 30 triệu năm sau giai đoạn này chính là thời của chim cánh cụt khổng lồ.

Hiện chưa rõ lý do biến mất của loài chim cánh cụt khổng lồ khỏi vùng biển Nam bán cầu. Tuy nhiên, các nhà khoa học phỏng đoán, sự biến mất của chúng là do sự xuất hiện của các loài động vật biển ăn thịt lớn như hải cẩu và cá voi có răng. 

Việc tìm thấy hóa thạch chim khổng lồ khá phổ biến tại vùng biển Nam bán cầu. Ở New Zealand người ta từng phát hiện hóa thạch loài chim giống đà điểu cao 3,6m và chim đại bàng có sải cánh dài 3m.

New Zealand: phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ lớn bằng người trưởng thành
Mô hình tạo dựng chim khổng lồ Moa cổ đại vào năm 1972 tạo Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh Auckland (ảnh: Vahry Photography Limited)

Viện Bảo tàng Canterbury tuần trước cũng thông báo việc tìm thấy hóa thạch vẹt khổng lồ cao 1m tên “Heracles Inexpectatus”, tồn tại cách đây 19 triệu năm.

New Zealand: phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ lớn bằng người trưởng thành
So sánh kích thước khổng lồ của loài vẹt cổ đại Heracles Inexpectatus (ảnh: Daily Mail)

videoinfo__video3.dkn.tv||29c9c0197__