Chắc hẳn nhiều người đều biết rằng 1 con chim cũng có thể “hạ gục” một chiếc máy bay thương mại khi đang di chuyển trên cao hoặc lúc chuẩn bị cất cánh. Vậy còn một chiếc drone nhỏ bé sẽ ra sao? Nó có đủ khả năng gây ra một vụ tai nạn máy bay?

Thuật ngữ “Drone” ngày nay không còn quá xa lạ với chúng ta, hiểu theo một cách đơn giản chúng là những thiết bị bay không người lái (UAV). Trong lĩnh vực quân sự, Drone là những những chiếc máy bay không người lái được sử dụng với mục đích tấn công tiêu diệt kẻ địch hay dùng để trinh sát. Ngoài ra, trong cuộc sống thường ngày còn một biến thể đơn giản hơn là flycam sử dụng cho việc quay phim, chụp ảnh.

Đây là Drone trong lĩnh vực quân sự. (Ảnh: MamAfrika TV)
Và đây là Drone trong đời sống. (Ảnh: Butler Tech)

Drone ngày được phát triển và độ cao khi bay càng được tăng lên nhưng một vấn đề nảy sinh ở đây là nếu chúng có thể đạt được độ cao như máy bay thương mại thì va chạm liệu có thể xảy ra không? Nếu có thể, chuyện gì sẽ xảy ra? Máy bay thương mại sẽ rơi hay Drone rơi?

Để có được câu trả lời, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Dayton, Hoa Kỳ đã làm thử nghiệm nhỏ. Họ bắn một chiếc Drone nhỏ lên trời bằng đại bác và mục tiêu là một chiếc máy bay Mooney 20 – máy bay dân dụng có công suất nhỏ và nó sẽ được cố định khi thử nghiệm.

Có lẽ nhiều người sẽ thấy bất ngờ khi xem hết video vì họ tin rằng 1 chiếc Drone nhỏ bé thế khi va chạm với máy bay sẽ vỡ tan trong tích tắc. Nhưng rất tiếc, máy bay thương mại mới là nạn nhân. Cánh quạt của Drone làm cánh máy bay bị xé toạc tạo thành 1 lỗ thủng lớn khiến phần khung chính nâng đỡ trọng lượng bị hư hỏng nặng.

Đây chỉ là va chạm khi máy bay cố định, không biết khi va chạm lúc máy bay di chuyển với tốc độ nhanh còn khủng khiếp như thế nào nữa.

Kevin Poormon, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết:

“Khi bốn cánh quạt của Drone bị vỡ lúc va chạm, năng lượng được tích tụ lại tại điểm tiếp xúc gây hư hỏng cho cánh máy bay. Nếu phần cánh bị hỏng quá nặng, máy bay sẽ mất thăng bằng và rơi xuống.”

Theo Poormon, va chạm kiểu này cũng giống như những vụ va chạm giữa máy bay với chim nhưng để làm hỏng đến tận phần khung chính của cánh máy bay như thế này thì chỉ có Drone thôi, chứ chim đâu thể làm được.

Chim cũng có thể làm máy bay rơi nhưng không thể làm hư hỏng nặng phần cánh máy bay khi va chạm. (Ảnh: abc.net.au)

Tuy nhiên, thử nghiệm này chưa thể nói lên rằng Drone có thể làm rơi máy bay thương mại vì 2 lý do sau đây:

  • Thứ nhất là Drone chưa thể bay cao như máy bay thương mại (nếu là UAV là một câu chuyện khác).
  • Thứ 2 là các chuyên gia chưa đủ điều kiện để thử nghiệm với máy bay thương mại.

Dù vậy, Poormon hy vọng rằng trong tương lai ông và đội của mình có thể nghiên cứu với Drone với kích thước lớn hơn, có cả kính chắn gió và động cơ để có thể nghiên cứu vụ va chạm lớn tới mức độ nào.

Hiện tại con người đang bước vào thời đại 4.0, công nghệ phát triển vượt bậc và thử nghiệm này chính là lời cảnh báo đến các chức trách sớm đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với Drone nhằm tránh những tai nạn không đáng có.

Sơn Tùng