Thomas Morgan (1866 – 1945)

“Trong lịch sử nhân loại, chúng ta không hề biết một trường hợp cá biệt nào về sự biến đổi của một loài này thành một loài khác … Tự nhiên tạo ra các loài mới ngay lập tức!”, đó là tuyên bố của Thomas Hunt Morgan, người được coi là đã hoàn thiện Di truyền học Mendel, cùng với Mendel đặt nền móng cho di truyền học hiện đại.

Morgan không tuyên bố THUYẾT TIẾN HÓA là ảo tưởng. Nhưng những tuyên bố của ông đã gián tiếp kết luận như thế.

Các bạn trẻ ngày nay được học Di truyền học Mendel ở nhà trường có lẽ sẽ không thể tưởng tượng được một sự thật là thầy dạy sinh vật của tôi ngày xưa, niên khóa 1961 – 1962, từng gay gắt phê phán, chỉ trích “Di truyền học Mendel-Morgan” như một “lý thuyết phản động”, rồi thầy đề cao lý thuyết sinh học của “Lư-xen-cô, Mít-su-rin”, một lý thuyết của Liên xô cũ, trong đó chỉ ra rằng, tác động của môi trường mới là yếu tố quyết định sự biến đổi và tiến hóa của sinh vật …  

Mãi sau này tôi mới vỡ nhẽ ra rằng quan điểm của thầy chính là quan điểm của Darwin, một quan điểm giải thích sự phát triển và tiến hóa của sinh vật dựa trên một cơ chế tưởng tượng được gọi là “chọn lọc tự nhiên” (natural selection). Vậy “chọn lọc tự nhiên” là gì?

Nếu vào Google gõ “What is natural selection?” (Chọn lọc tự nhiên là gì?), bạn có thể sẽ lạc vào một rừng các định nghĩa, trong đó có nhiều định nghĩa hoàn toàn xa lạ với Darwin, vì chứa đựng những khái niệm “hiện đại” mà Darwin không hề biết. Bản thân cái rừng định nghĩa này đã chứng tỏ rằng, “chọn lọc tự nhiên” là một khái niệm không rõ ràng nên đời sau cứ phải thêm thắt, bổ sung mãi mà vẫn “chưa yên tâm”. Vậy để hiểu chính xác tư tưởng của Darwin, phải gõ “Darwin’s definition of natural selection” (Định nghĩa của Darwin về chọn lọc tự nhiên). Và đây là kết quả trên Wikipedia:

“Năm 1859, Charles Darwin nêu lên lý thuyết của ông về sự tiến hóa bởi chọn lọc tự nhiên như một cách giải thích đối với sự thích nghi và sự hình thành các loài. Ông định nghĩa chọn lọc tự nhiên như cái “nguyên lý mà nhờ nó mỗi biến đổi nhỏ [hoặc một đặc điểm] nếu có lợi thì sẽ được giữ lại”” (In 1859, Charles Darwin set out his theory of evolution by natural selection as an explanation for adaptation and speciation. He defined natural selection as the “principle by which each slight variation [of a trait], if useful, is preserved”)[1].  

Charles Darwin

Định nghĩa đó bao gồm những niềm tin rõ ràng sau đây:

  1. Trong tự nhiên tồn tại một cơ chế vô hình có khả năng hướng dẫn sinh vật sao cho sinh vật biết chọn lọc cái gì có lợi nhất cho nó để nó sinh tồn;
  2. Nhờ cơ chế vô hình đó, sinh vật có khả năng BIẾN ĐỔI để thích nghi với môi trường;
  3. Sự biến đổi do chọn lọc tự nhiên có thể di truyền lại cho thế hệ sau;
  4. Trải qua một thời gian dài hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ năm, sự tích lũy vô số những biến đổi nhỏ sẽ trở thành một biến đổi lớn, biến loài này thành loài khác.

Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều sự thật trái với cái gọi là “chọn lọc tự nhiên”. Chẳng hạn, trong một dịp thuyết trình về thông tin của sự sống, tôi nêu câu hỏi:

– Tại sao người Phi Châu xích đạo lại có màu da đen? Màu đen bắt nắng, nóng lắm, không thích hợp với môi trường xích đạo, nơi nắng nóng quanh năm. Nếu cơ chế chọn lọc tự nhiên thực sự hoạt động thì người Phi Châu xích đạo phải trắng mới đúng, vì trắng phản quang, bớt nóng. Vậy màu da đen của người Phi Châu xích đạo phản lại cơ chế chọn lọc tự nhiên.

Một bạn trẻ phản biện:

– Người Phi Châu xích đạo đen vì họ có “hắc tố” (melanin) dưới da.

Tôi liền chất vấn tiếp: 

– Vậy cớ sao cái gọi là “chọn lọc tự nhiên” không làm việc để loại trừ cái hắc tố ấy đi? Nếu chọn lọc tự nhiên thực sự hoạt động thì nó phải loại bỏ cái hắc tố ấy đi chứ? Tại sao chọn lọc tự nhiên lại làm khổ người Phi Châu xích đạo như vậy?

Bạn trẻ đó tiếp tục “lý luận”, với những lý lẽ ngớ ngẩn đến mức tôi thấy không đáng chép ra đây. Tôi chỉ muốn nói với quý độc giả rằng dù bạn trẻ ấy tiếp tục chống đỡ thế nào, thì cũng chỉ để lộ ra cái vô lý tội nghiệp của một người đã chót thờ phụng Darwin mà thôi. Về điểm này thì bạn trẻ đó thua xa mấy giáo sư về sinh học tiến hóa ở Mỹ, ở Anh, hoặc trong Hội đồng Giải Nobel ở Thụy Điển … Ai muốn biết sự trơ trẽn của mấy vị giáo sư này, xin đọc những bài báo sau đây:

● Người Piltdown: Vụ lừa đảo lớn nhất về tiến hóa

● Một câu hỏi làm khó các nhà tiến hóa

Trở lại với cái gọi là “chọn lọc tự nhiên”, bản thân thuật ngữ này đã mâu thuẫn với chính nó. Thật vậy, “chọn lọc” là một hành động có ý thức, nhất là “chọn cái có lợi” càng chứng tỏ đó là một ý thức thông minh. Vậy “chọn lọc tự nhiên” ắt phải là một ý thức thông minh của tự nhiên. Vậy “tự nhiên” ở đây là cái gì? Đó là một “vị thần linh” hay thế giới tự nhiên bao gồm mọi thứ vật chất xung quanh ta?

Chắc chắn đó không phải là một “vị thần linh”, vậy chỉ có thể là thế giới tự nhiên, tức thế giới vật chất mà chúng ta nhìn thấy. Vậy làm thế nào để vật chất có ý thức hướng dẫn sinh vật như thế? Đây là điểm rất MƠ HỒ của chủ nghĩa Darwin. Cần phải lột trần cái mơ hồ đó cho mọi người thấy, ít nhất ở bản thân cái thuật ngữ đó. Cái mâu thuẫn nội tại của thuật ngữ “chọn lọc tự nhiên” là ở chỗ nó gán cho một quá trình vật chất thuần túy một ý thức định hướng.

Nếu các nhà tiến hóa ca ngợi cơ chế “chọn lọc tự nhiên” là sáng tạo độc đáo nhất của Darwin thì những nhà khoa học tài giỏi thực sự lại nhận ra đó chính là “cái gót A-sin” (Achille’s heel) của Darwin.

Thật vậy, Thomas Hunt Morgan, người mà tên tuổi thường được gắn liền với Mendel như những người đặt nền móng cho di truyền học hiện đại, tuyên bố:

“Các định luật Mendel đã ban phát súng ân huệ cuối cùng cho học thuyết chọn lọc tự nhiên” (Mendel’s laws have given the final coup de grâce to the doctrine of natural selection)[2].

Có nghĩa là các Định luật Mendel về Di truyền tự động bác bỏ cái gọi là “chọn lọc tự nhiên”. Tại sao?

Vì các Định luật Mendel về Di truyền chỉ ra rằng sự di truyền tuân thủ các định luật cố định, và do đó những biến đổi phi bẩm sinh không thể di truyền được cho các thế hệ sau. Có nghĩa là Darwin SAI khi nghĩ rằng những biến đổi có lợi mà sinh vật giành được trong quá trình sống nhờ chọn lọc tự nhiên sẽ được “giữ lại”, ý nói là sẽ được di truyền cho thế hệ sau. Tư tưởng về di truyền kiểu này của Darwin thực ra đã tiếp thu từ học thuyết di truyền “các đặc tính giành được” (acquired characteristics) của Jean Baptiste Lamarck.

Dưới ánh sáng của Di truyền học Mendel, sai lầm của Darwin đã trở nên quá rõ ràng. Đó là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của thuyết tiến hóa đầu thế kỷ 20. Có lẽ đó là một trong những lý do để các nhà tiến hóa ở Anh đã táo tợn làm bằng chứng giả mạo về “Người vượn Piltdown”. Về mặt lý thuyết, họ đã nghĩ ra cái gọi là “đột biến gene” để trộn lẫn Di truyền học Mendel với Thuyết tiến hóa Darwin thành cái gọi là “Lý thuyết tổng hợp về tiến hóa” hoặc “học thuyết Tân-Darwin”. Về những diễn biến này, xin đọc một trích đoạn sau đây từ một bài báo rất hay nhan đề “Gregor Mendel: Người làm vườn của Chúa” (Gregor Mendel: Gardener of God) của bác sĩ y khoa Paul Kattupalli:

Vào ngày 24 tháng 11 năm 1859 Charles Darwin đã xuất bản cuốn sách nổi tiếng của mình, Về nguồn gốc của các loài. Vào thời Darwin, không có mô hình di truyền nào được chấp nhận. Trên thực tế, Darwin đã nêu lên “Định luật” Lamarck về sự di truyền các đặc điểm giành được như một cơ chế để tiến hóa. Vào tháng 1 năm 1868, Darwin xuất bản cuốn sách của mình, Sự biến đổi của động vật và thực vật trong quá trình thuần hóa. Trong Chương XXVII của cuốn sách này, Darwin đã đưa ra “Giả thuyết tạm thời về Pangenesis” của mình, một đề xuất nhằm cung cấp một lý thuyết về tính di truyền có thể giải thích cho việc tạo ra một số lượng lớn những khác biệt cá thể có thể di truyền. Lý thuyết này nói rằng mỗi bộ phận của một sinh vật phóng ra “các nguyên tử tự do và nhỏ xíu bên trong chúng, đó là các hạt mầm (gemmules)”. Các hạt mầm này đi đến bộ máy sinh sản, và sau khi nhân lên và tập hợp, chúng được truyền cho các thế hệ tiếp theo. Các hạt mầm này bị tác động bởi những ảnh hưởng ‘trực tiếp và gián tiếp’ của ‘điều kiện sống’, và được chuyển sang thế hệ con cháu để khiến thế hệ con cháu thay đổi theo kiểu tương tự. Do đó, Darwin đã dùng trí tưởng tượng phong phú để xây dựng nên khái niệm về các hạt mầm nhằm giải thích “định luật”’ của Lamarck về sự di truyền các đặc tính mới giành được (acquired characteristics). Vài năm trước đó, Mendel đã đưa ra bằng chứng chắc chắn về gene thông qua nghiên cứu của mình trên cây đậu.

Đó là một bi kịch trong lịch sử khoa học, công trình nghiên cứu tinh vi của Mendel trong lĩnh vực di truyền học lại không được chú ý cùng thời điểm khi cuốn “Nguồn gốc các loài” của Charles Darwin trở thành một bộ phim bom tấn ngay lập tức. Trong cuốn sách “Khoa học về sự sống” (The Science of Life) năm 1929, H. G. Wells, Julian Huxley và G. P. Wells đã lưu ý rằng nghiên cứu của Mendel chủ yếu đề cập đến đậu Hà Lan và số học, không phải những thứ gây ra sự phấn khích và ồn ào, và trong bối cảnh của cuộc tranh cãi ồn ào về tiến hóa trong thế kỷ 19, những nghiên cứu của Mendel đã trôi qua mà không được chú ý”. Người ta đã nói, “lời nói dối sẽ đi khắp thế giới trong khi sự thật đang bắt đầu”. Thế giới đã tán dương cái có vẻ như là khoa học của Charles Darwin và những hệ quả của nó trong khi phớt lờ công trình khoa học thực sự của Gregor Mendel.

Nhưng khi thế kỷ 19 gần kết thúc, lý thuyết của Darwin về tiến hóa do chọn lọc tự nhiên đã gặp phải một đòn trời giáng vào giá trị khoa học của nó khi các định luật di truyền của Mendel được tái khám phá. Hai tín điều cơ bản của học thuyết Darwin – những biến đổi nhỏ và sự chọn lọc tự nhiên – đã bị nghi ngờ và bị bác bỏ. Trong cuốn “Về Nguồn gốc các Loài” của ông, Darwin đã chấp nhận định luật Lamarck về sự di truyền các đặc điểm mới giành được. (Nhưng) công trình của Mendel trong lĩnh vực di truyền học đã chứng minh rằng những đặc điểm phi bẩm sinh của một sinh vật không thể di truyền cho thế hệ tiếp theo. Các sinh vật sinh sản dựa trên bản thiết kế di truyền của chúng chứ không phải do ảnh hưởng của môi trường”.

Chính Mendel cũng công khai thể hiện mối nghi ngờ của ông đối với lý thuyết của cả Lamarck lẫn Darwin, và lý do để ông nghi ngờ là ở chỗ những biến đổi phi bẩm sinh không thể di truyền được, và rằng tự nhiên không sửa đổi các loài theo kiểu của Darwin! Tóm lại, đối với Mendel, không có cái gọi là “chọn lọc tự nhiên” và cũng không có cái gọi là sự “tiến hóa”[3]. Ông nói:

“Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng có điều gì đó thiếu sót trong lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin. Và tôi cũng đã đặt câu hỏi về quan điểm của Lamarck. Tôi đã từng nỗ lực để kiểm tra ảnh hưởng của môi trường đối với thực vật. Tôi đã cấy một số loại cây từ môi trường sống tự nhiên của chúng vào khu vườn của tu viện. Mặc dù được trồng song song với hình thức đặc trưng của vườn, không có sự thay đổi nào xảy ra ở hình thức trồng chuyển đổi do sự thay đổi của môi trường, thậm chí sau vài năm. Tự nhiên không sửa đổi các loài theo cách đó, vì vậy một số lực khác phải hoạt động”[4].

Nhưng bất chấp linh hồn Mendel ở bên kia thế giới, các nhà tiến hóa đã cố “gọt chân Mendel cho vừa với đôi giày tiến hóa” của họ, mô tả Mendel như một người đã có đóng góp lớn cho Thuyết tiến hóa Darwin – một đóng góp đúng lúc và đúng chỗ Darwin phạm sai lầm, đó là quy luật chính xác của cơ chế di truyền.

Thật vậy, để “lắp ráp” Di truyền học Mendel với Thuyết tiến hóa Darwin sao cho vừa, các nhà tiến hóa những năm 1940 đã gỡ bỏ phần sai lầm của Darwin là những luận điểm về di truyền, rồi thay thế vào chỗ trống ấy những lý thuyết của Mendel. Nhưng vẫn còn một khó khăn lớn ở chỗ không thể lặp lại luận điểm của Darwin về sự di truyền những biến đổi nhờ chọn lọc tự nhiên, họ đã SÁNG TÁC ra cái gọi là “đột biến gene” (gene mutation) dẫn đến biến đổi bộ gene, tức là dẫn tới tiến hóa biến đổi loài. Nhưng từ đó đến nay, hơn 70 năm đã trôi qua, họ không hề có một bằng chứng thực tế nào cho thấy đột biến gene dẫn tới biến đổi bộ gene. Thực tế chống lại họ, rằng đột biến gene đều dẫn tới thoái hóa, bệnh thật và cái chết. Rất nhiều thí nghiệm bắn phá ruồi giấm bằng tia X nhằm tạo ra đột biến đều cho kết quả ruồi giấm vẫn là ruồi giấm, và chúng chỉ biến dạng thành những ruồi giấm bệnh hoạn, xoăn cánh, chết … Gần đây họ lại tiến hành những thí nghiệm tương tự với vi khuẩn, rồi cố tình gieo vào đầu mọi một thông tin rằng sự biến đổi rất nhanh chóng của vi khuẩn là bằng chứng rõ ràng của tiến hóa. Thậm chí hiện tượng vi khuẩn biến đổi để kháng thuốc được coi là bằng chứng của tiến hóa. Đó là sự dốt nát hoặc sự cố tình lừa dối, vì vi khuẩn vẫn là vi khuẩn, không hề biến đổi thành bất cứ loài nào khác vi khuẩn.

Sự thật là Di truyền học Mendel chống lại Thuyết tiến hóa, và chính Mendel cũng chống lại Darwin. Điều này đã được trình bày rất rõ và rất nghiêm túc trong bài báo lớn sau đây:

Mendel’s Opposition to Evolution and to Darwin[5] (Sự chống đối của Mendel đối với Thuyết tiến hóa và đối với Darwin) của B. E. Bishop trên Tạp chí Di truyền (Journal of Heredity) của Hội Di truyền học Mỹ (American Genetics Association), tập 87, số 3, Tháng 5/1995, trang 205–213.

Xin đọc nguyên bản tiếng Anh của bài báo đó tại địa chỉ sau đây:

https://academic.oup.com/jhered/article/87/3/205/908553?login=true

Xin đọc một số trích dẫn chủ yếu của bài báo đó bằng Việt ngữ, kèm theo những bình luận, phân tích tại địa chỉ sau đây:

Trong bài báo nói trên, tác giả B. E. Bishop nói cho chúng ta biết rằng Mendel, ngoài khát vọng khám phá bản chất của sự di truyền vốn có từ thủa ấu thơ, ông còn muốn công bố công trình “Thí nghiệm lai tạo cây trồng” của mình nhằm bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin, một lý thuyết thịnh hành đương thời, nhưng Mendel thấy rõ là sai lầm.

Để kết, một lần nữa xin nhắc lại những tuyên bố của Thomas Morgan:

“Trong lịch sử nhân loại, chúng ta không hề biết một trường hợp cá biệt nào về sự biến đổi của một loài này thành một loài khác. Có thể khẳng định rằng lý thuyết về nguồn gốc còn thiếu sót, do đó, trên phương diện cốt yếu nhất cần phải đặt lý thuyết (này) trên cơ sở khoa học, điều này phải được thừa nhận”[6].

Có nghĩa là Morgan yêu cầu phải thừa nhận một sự thật rằng không hề có một hiện tượng biến đổi loài nào cả. Ông quả quyết:

“Tự nhiên tạo ra các loài mới ngay lập tức!”[7]

Morgan không tuyên bố THUYẾT TIẾN HÓA là ảo tưởng. Nhưng những tuyên bố của ông đã gián tiếp kết luận như thế.

Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.


[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Natural_selection#

[2] Mendel, Mendelism > https://www.newadvent.org/cathen/10180b.htm

[3] Trong công trình của Mendel, đôi khi ông sử dụng chữ “tiến hóa” (evolution). Nhưng chữ “tiến hóa” của Mendel xuất hiện trong các tài liệu tiếng Anh không có ý nghĩa “tiến hóa” biến đổi loài như Darwin nói, mà chỉ có ý nghĩa là sự “biến đổi” hoặc “phát triển” của sinh vật. Chữ “tiến hóa” (evolution) của Mendel trong các tài liệu tiếng Ạnh thực ra là do các bản dịch tiếng Anh từ nguyên bản tiếng Đức. Việc dịch thuật này không chính xác, thực ra phải dịch đúng là “phát triển”.   

[4] Experiments in a Monastery Garden, Gregor Mendel > https://academic.oup.com/icb/article/26/3/749/264329

[5] https://academic.oup.com/jhered/article/87/3/205/908553?login=true

[6] Within the period of human history we do not know of a single instance of the transformation of one species into another one. It may be claimed that the theory of descent is lacking, therefore, in the most essential feature that it needs to place the theory on a scientific basis, this must be admitted.

[7] Nature makes new species outright

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là image-9.png

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Xem thêm: