Trong dân gian có tồn tại một số câu chuyện thú vị về những người đàn bà điên, ăn mặc rách rưới, thậm chí làm ăn mày nhưng dường như tỏ tường rất nhiều chuyện, kể cả chuyện tương lai.

Có một câu chuyện kể rằng, vào những năm 20 của thế kỷ trước, tại một thôn làng ở miền Nam Trung Quốc có một người phụ nữ sống lang bạt ngoài đường. Mới đầu, hầu như chẳng ai quen biết bà ta, chỉ biết rằng người này họ Phùng nên mọi người gọi bà là bà Phùng.

Được nửa năm, không hiểu có chuyện gì, người đàn bà đang khỏe mạnh bỗng nhiên trở nên điên dại, cầm theo cây gậy đi khắp nơi, vừa đi vừa hát.

Bà Phùng đang khỏe mạnh bỗng nhiên trở nên điên dại, cầm theo cây gậy đi khắp nơi, vừa đi vừa hát (Ảnh minh họa)

Chẳng ai biết bà Phùng hát gì. Về sau, mọi người dần dần cảm thấy những lời người phụ nữ này hát giống như đang tiên tri dự đoán trước điều gì đó. Rồi những người biết đến bà nhiều hơn từng ngày.

Cứ nhìn thấy bà Phùng là y như rằng, họ sẽ nói: “Xem kìa, bà Phùng lại ra đường hát rồi đấy.” Lâu dần thành quen, người trong thôn không biết từ bao giờ gọi người phụ nữ này là “bà điên”.

Bà điên tiên đoán trước việc nhà họ Vương có người chết

Nghe nói mới đầu, mọi người biết bà Phùng có thể dự đoán trước tương lai là bởi một chuyện như thế này:

Mùa hè năm đó, nhà Phượng Tử trong thôn bị mất hai con gà.

Người bắt trộm gà là hai tiểu tử nghịch ngợm nhà Vương Nhị. Ai cũng biết anh em chúng là những kẻ vô công rồi nghề, chính chúng là thủ phạm ăn cắp gà, chẳng qua nể mặt người lớn, lại là hàng xóm của nhau nên không ai nói gì. Nhà Phượng Tử cũng coi như chưa có chuyện gì xảy ra.

Hai tiểu tử nghịch ngợm nhà Vương Nhị chẳng chịu làm ăn, tối ngày phá làng, phá xóm (Ảnh minh họa)

Sáng ngày hôm sau, khi trời còn tờ mờ sáng, bà Phùng đã đến cổng nhà Vương Nhị vừa khóc vừa hát: “Gà nhà khác vào nhà, người trong nhà phải đi”.

Vì chỉ là câu hát chứ không phải là chữ được viết ra nên chẳng ai nghe rõ bà đang hát gì, chỉ đoán già đoán non theo cách phát âm, suy luận ra những từ đồng âm chứ không đoán đúng được bà điên đó rốt cục đã hát gì, cũng chẳng ai bận tâm đến lời bà hát.

Cậu tiểu tử nhà họ Vương sơ ý hóc xương con gà bắt trộm mà mất mạng (Ảnh minh họa)

Chỉ đến khi sự việc đã xảy ra, người ta mới đoán đúng được câu hát đó nói đến điều gì. Không biết có phải là trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng tối đó, con lớn nhà Vương Nhị trong lúc đang ăn con gà bắt trộm thì bị xương gà mắc vào cổ họng.

Vốn dĩ cho rằng mắc xương gà không phải chuyện gì nghiêm trọng lắm, chỉ cần nuốt vài miếng khoai thật to, xương gà sẽ trôi xuống là xong. Ai ngờ, vài miếng khoai đó đã khiến cậu ta mắc nghẹn mà chết.

Việc này xảy ra, người ta mới giật mình nhớ lại câu hát của người đàn bà điên. Và đến lúc đó, họ cũng mới luận ra nội dung câu hát đó.

Nhìn thấy con trai nhà họ Hà chơi bời cờ bạc

Còn có một lần khác, nhà ông Hà trong thôn bị dột mái buộc ông phải trèo lên trên đó sửa. Bà Phùng nhìn thấy vậy liền lẩm bẩm: “Không phải trên nóc dột mà là đáy nồi thủng”.

Ông Hà không để ý đến những lời “có vẻ điên rồ” đó của bà Phùng nên chỉ đáp lại “ừ, ừ”. Kết quả là được vài ngày, ông Hà thấy con trai lén lút mang gạo của nhà đi. Thì ra cậu con trai đánh bạc thua tiền, lại không dám nói với bố mẹ nên đã lén mang gạo đi trả nợ dần. Lần này, lời bà điên lại đúng.

Cậu con trai nhà ông Hà đánh bạc thua tiền, lại không dám nói với bố mẹ nên đã lén mang gạo đi trả nợ dần (Ảnh minh họa)

Những người già trong thôn nhớ lại và kể thêm, bà Phùng đi lang bạt khắp nơi trong nhiều năm và thường xuyên nói đi nói lại vài câu, cũng không biết bà nói ai, sau này nghĩ lại mới thấy những lời đó giống với lời tiên tri, dự báo.

Ngẫm lại, người ta thấy phần lớn những lời bà Phùng nói đều đề cập đến luật nhân quả, lẽ sống ở đời, ác giả ác báo, thiện hữu thiện báo…

Mặc dù những câu hát của người đàn bà điên họ Phùng không được xem là lời tiên tri chính thức song mỗi lần bà hát đều nhằm vào các vấn đề to, nhỏ trong thôn, trong làng hay những việc bà chứng kiến, vì thế mà người trong làng càng cho rằng đó là đúng.

Từ trước đến nay, những trường hợp như bà Phùng không ít. Kỳ thực họ đang thực hiện một sứ mệnh chứ không hẳn là vô duyên vô cớ xuất hiện trên đời.

Hiện tượng như bà Phùng được giới khí công gọi là Chân Phong. Phật gia giảng nghiệp lực luân báo, khi con người ta chuyển sinh một sinh mệnh sẽ mang theo nghiệp quả từ những việc bất hảo từng làm trong kiếp trước, cùng với đó là không ít việc xấu khác gây ra trong đời này. Về sau tất phải chịu cực khổ để hoàn trả nghiệp đó. Người nhiều nghiệp thì cuộc đời gian nan, chịu nhiều đau khổ, người ít nghiệp thì số phận tốt hơn và người không có nghiệp thì cả đời hạnh phúc, kiểu người này có lẽ cũng không có trong xã hội bởi những người như thế thường là đã đạt tới cảnh giới của thiên nhân.

Những người như bà Phùng tuy trông đói khổ nhưng tuyệt không phải diện tầm thường (Ảnh minh họa)

Tu luyện có thể giúp người ta tiêu nghiệp, đề cao lên, về sau sống tốt hơn. Nhưng với những người đã cao tuổi, việc tu luyện cơ bản là không đủ thời gian. Bởi vậy, trong một số tình huống đặc thù, với số ít người có căn cơ thì có hiện tượng Chân Phong – tức là làm cho người ta hóa điên.

Thông thường những người này là phụ nữ cao tuổi, mặc dù điên điên nhưng họ không trộm cắp, phóng hỏa, không hại người, thậm chí còn hay giúp đỡ người khác, họ cũng có một chút công năng nên có thể biết được một số điều.

Tuy nhiên, họ luôn tàn nhẫn với bản thân. Quần áo chẳng mấy khi giặt giũ, mùa hè hôi hám người đầy chấy rận. Về mùa đông họ ăn mặc phong phanh, lạnh đến tím tái. Họ cũng không biết bẩn, thứ gì cũng có thể ăn, từ đồ ôi thiu cho đến cả phân súc vật… mục đích chính là để chịu khổ trả nghiệp.

Nói chung họ phải chịu những cái khổ mà người bình thường ở trạng thái tỉnh táo không thể chịu được. Chịu cực khổ lớn giúp họ rất nhanh tiêu trừ nghiệp lực, sau vài ba năm họ sẽ đạt được cảnh giới cao, trí huệ khai mở, thấu tỏ nhân gian, hoàn toàn thoát khổ. Tất nhiên, không phải tất cả những người điên đều là trạng thái này, có người chính là vì nhân quả báo ứng, người ở trong trạng thái Chân Phong đều là vô cùng hiếm gặp.

Hoài Anh