Perseids – trận mưa sao băng lớn nhất trong năm sẽ có cực điểm vào gần giữa tháng 8 năm. Tại những khu vực trời quang mây, năm nay là một thời điểm lý tưởng để quan sát hiện tượng này. Hãy theo dõi các hướng dẫn dưới đây để sẵn sàng cho buổi quan sát của bạn.

Mưa sao băng Perseids có nguồn gốc từ các mảnh vụn của sao chổi 109P/Swift-Tuttle để lại trên quỹ đạo Trái Đất. Hàng năm, hiện tượng này xảy ra khi Trái Đất đi tới vùng quĩ đạo chứa những mảnh vụn này, thông thường toàn bộ hiện tượng diễn ra trong khoảng từ 17 tháng 7 đến 24 tháng 8 với cực điểm vào rạng sáng 12, 13 và 14 tháng 8, được quan sát thấy ở khu vực của chòm sao Perseus (do đó có tên là mưa sao băng Perseids).

Nó được coi là trận mưa sao băng lớn nhất có định kì hàng năm với mật độ khi cực điểm vào khoảng 50 đến 100 sao băng mỗi giờ (nhiều năm con số này còn lớn hơn thế rất nhiều).

Khi nào và như thế nào?

Khoảng thời gian phù hợp nhất để quan sát mưa sao băng là vào các đêm lân cận cực điểm của nó. Đối với Perseids năm nay, đó là rạng sáng các ngày 12, 13 và 14 tháng 8. Trong đó rạng sáng ngày 13 sẽ là lúc lý tưởng nhất.

Vào rạng sáng các ngày nêu trên, ngay sau nửa đêm (hay lý tưởng hơn nữa là sau 1h sáng), hãy nhìn về bầu trời phía Đông Bắc và tìm chòm sao Perseus. Chòm sao này có lẽ không dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó hãy dựa vào một chòm sao khác dễ nhận diện hơn là chòm sao Cassiopeia.

Như trong hình dưới đây, Cassiopeia rất dễ được nhận ra trên bầu trời phía Bắc bởi 5 ngôi sao xếp thành hình một chữ M (hay chữ W tùy theo thời điểm nó xuất hiện và cách bạn nhìn nhận nó). Tưởng tượng rằng bạn kéo dài cạnh trong bên phải (cạnh choãi ra nhiều hơn từ sao trung tâm) ra xa thêm một đoạn dài bằng khoảng 3 lần cạnh đó, bạn sẽ tới vùng trời thuộc chòm sao Perseus, và cũng là vùng trung tâm của mưa sao băng Perseids.

Ở thời điểm và điều kiện khí quyển, thời tiết lý tưởng nhất bạn có thể quan sát trên trên 50 sao băng mỗi giờ (đôi khi có thể lên tới 100 hoặc hơn). Cùng với mưa sao băng Geminids vào tháng 12, đây là trận mưa sao băng lớn nhất trong năm.

Điều kiện quan sát

Với cực điểm rơi ngay sát thời điểm không Trăng nên bạn sẽ hoàn toàn không bị ánh Trăng cản trở, đây là điều kiện tuyệt vời cho việc quan sát sao băng.

Mặc dù vậy, ô nhiễm khí quyển do ánh đèn, bụi của các thành phố gây ảnh hưởng đáng kể nên tất nhiên như chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo, mật độ sao băng giảm nhiều đối với người quan sát tại các thành phố lớn. Để hạn chế điều này, người quan sát nên chủ động chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, cao và không có ánh đèn (chẳng hạn như sân thượng hay ban công các tòa nhà) – Tất nhiên, đừng quên lưu ý tự bảo vệ an toàn cho bản thân.

Một điểm rất quan trọng nữa là điều kiện thời tiết, nếu trời có mưa hoặc mây quá dày thì việc quan sát chắc chắn không thực hiện được. Ngay cả với một lớp mây khá mỏng thì số sao băng bạn có thể quan sát cũng giảm đi rất nhiều. Đối với những ai chưa có kinh nghiệm, hãy thử tự kiểm tra bằng cách đếm số sao trên bầu trời (những đốm sáng quen thuộc), nếu bạn không thể đếm được vài chục ngôi sao ở vùng trời Đông Bắc, bạn không nên tiếp tục ý định quan sát của mình.

Dù bạn ở bất cứ địa danh nào, chỉ cần điều kiện thời tiết và khí quyển cho phép thì đều có thể quan sát được.

Bạn không cần bất cứ dụng cụ nào để quan sát hiện tượng này.

Một vài sao băng của Perseids được các nhiếp ảnh gia ghi lại trên thế giới những năm vừa qua:

(Ảnh: Jeff Rose)

Ảnh mưa sao băng Perseid ở Hungary năm 2013 (Ảnh: EPA)

Tác giả: Đặng Vũ Tuấn Sơn, thienvanvietnam.org

Xem thêm: