Goodbody, công ty chứng khoán 140 tuổi của Ireland, đã chính thức rơi vào tay Trung Quốc, trở thành nền tảng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiến vào thị trường tài chính châu Âu.

Công ty chứng khoán Goodbody đã được một tập đoàn nhà nước Zhongze và JIC Trust (Trung Quốc) mua lại với giá 150 triệu Euro vào ngày 1/8.

Theo điều khoản mua bán giữa hai bên, Tập đoàn Zhongze sẽ mua lại 51% cổ phần từ chủ sở hữu hiện tại là tập đoàn dịch vụ tài chính Fexco, còn nhân viên và lãnh đạo Goodbody sẽ sở hữ 49% cổ phần còn lại.

Như vậy, công ty chứng khoán có tuổi đời 140 năm của Ireland đã chính thức rơi vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc.

Sau vụ thâu tóm này, phía Trung Quốc vẫn giữa nguyên giám đốc điều hành của Goodbody là Roy Barret. Ngoài ra, việc mua bán này sẽ không ảnh hưởng đến công ăn việc làm của các nhân sự quản lý cấp cao cũng như nhân viên thuộc công ty hiện nay.

Goodbody sẽ tiếp tục thúc đẩy kế hoạch mở rộng hoạt động của công ty tại Ireland và Vương quốc Anh. Khách hàng của công ty cũng có thể tiếp cận các dịch vụ mua bán tại các công ty và đối tác của họ tại trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng thương vụ mua bán này nằm trong chuỗi hoạt động đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ tài chính các công ty châu Âu của Trung Quốc.

Nước Anh gần đây đã thu hút được một số nhà đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và quản lý tài sản. Đơn cử như thương vụ Ngân hàng Công thương Trung Quốc mua phần lớn cổ phần trong mảng kinh doanh thị trường toàn cầu của ngân hàng Standard Bank có trụ sở tại London vào năm 2015.

Việc thâu tóm Goodbody là thương vụ thứ hai của Trung Quốc tại Anh trong vài tháng trở lại đây. Vào tháng 5, một tập đoàn đầu tư Trung Quốc đã mua lại sàn giao dịch Circle Internet Financial có trụ sở tại Dublin với giá 100 triệu USD.

Zhongze sẽ tìm cách sử dụng Goodbody làm nền tảng cho việc mở rộng quốc tế cũng như là một địa điểm che chắn trước tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Thủ đô Dublin của Ireland cùng với các thành phố Frankfurt của Đức và Paris của Pháp đã thu hút nhiều đầu tư mới từ các tập đoàn và doanh nghiệp dịch vụ tài chính quốc tế nhằm duy trì hoạt động dịch vụ của họ tại các thị trường thuộc châu Âu khi nước Anh rời Liên minh châu Âu.

Dublin trở thành một trong những điểm đến ưa chuộng cho các nhà quản lý quỹ và một số các ngân hàng quốc tế lớn đã công bố kế hoạch chuyển một số bộ phận hoạt động của họ từ London sang Dublin.

Kiều Ngọc