Những ngày đầu năm mới, trong khi các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn “án binh bất động” thì nhiều ngân hàng nhỏ âm thầm tăng lãi suất huy động so với trước Tết khiến mặt bằng lãi suất có sự phân hóa khá lớn giữa 2 nhóm ngân hàng này.

Thời điểm sau Tết nguyên đán là lúc dòng tiền nhàn rỗi của người dân quay trở lại các kênh đầu tư. Gửi tiết kiệm là một lựa chọn của rất nhiều khách hàng cá nhân.

Theo khảo sát của Báo Đầu tư, đa số các ngân hàng nhỏ trong diện tái cơ cấu đang có mức lãi suất huy động cao vượt trội so với các ngân hàng lớn. Đơn cử như, với kỳ hạn lãi suất 6 tháng, các ngân hàng như VietCapital Bank, GPBank, Bac A Bank, NCB, DongA Bank… đều có lãi suất từ 7%/năm trở lên.

Trong khi đó, mức lãi suất của kỳ hạn này ở nhóm ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank, VCB, Agribank chỉ là 5,1-5,3%/năm. Ở nhóm ngân hàng tầm trung, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khoảng 6,8%/năm.

Như vậy, với cùng một kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động của nhóm ngân hàng nhỏ, đang tái cơ cấu và các ngân hàng dẫn đầu hiện chênh lệch 2-2,6%/năm.

Các chuyên gia cho rằng mức chênh lệch này là do thanh khoản, độ khát vốn cũng như sức khỏe của từng ngân hàng khác nhau.

Đối với kỳ hạn tiền gửi 9 tháng đến 1 năm, mức lãi suất lên đến 8%/năm đang được PVComBank áp dụng đối với khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ. Tiếp theo là VIB 7,9%/năm; VietABank và NCB cùng có mức lãi suất 7,6%/năm. Techcombank và Vietinbank duy trì lãi từ 6,4% đến 6,8%/năm.

Với kỳ hạn trung và dài hạn từ 24-60 tháng, một số ngân hàng cổ phần nhỏ như NCB, VietABank, Eximbank, BacABank, VietcapitalBank… cũng đang giữ mức lãi suất cao nhất lên tới 8%. VietcapitalBank thậm chí còn trả lãi suất lên tới 8,5% với kỳ hạn 18 tháng, 8,3% với kỳ hạn 15 tháng dành cho khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ. Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước áp dụng mức lãi suất chỉ khoảng dưới 6,9% cho các kỳ hạn dài, theo An ninh Thủ đô.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), hiện thanh khoản thị trường khá tốt, nhưng tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn. Một số tổ chức tín dụng nhỏ hoặc đang trong diện tái cơ cấu vẫn khó khăn trong tiếp cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, nên phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động tiền gửi.

Có thể thấy, cuộc đua tăng lãi suất thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán đã khiến khoảng cách lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân và nhà nước ngày càng nới rộng. Đó là chưa kể, bên cạnh thu hút khách hàng bằng lãi suất, nhiều ngân hàng nhỏ còn triển khai các chương trình khuyến mãi, tặng quà… để “ghi điểm” với khách hàng.

Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, thời điểm này việc gửi tiết kiệm ở những ngân hàng nhỏ vẫn có lợi và an toàn đối đối với người gửi tiền. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh theo Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ đầu năm 2018, cho phép ngân hàng được phá sản nhưng trên thực tế, một ngân hàng từ diện bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt cho đến khi phá sản là cả một quá trình được kiểm soát kỹ lưỡng.

Nguyễn Trang