Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền mệnh giá nhỏ để lì xì, đi lễ chùa đầu năm… ngày càng tăng khiến dịch vụ đổi tiền lẻ ngoài “chợ đen” được dịp “hét” chi phí.

Năm nay là năm thứ 6 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước công bố không phát hành tiền lẻ mới có mệnh giá dưới 10.000 đồng lưu thông trong dịp Tết Nguyên đán. Việc này giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho ngân sách đáng lẽ phải chi để in ấn, vận chuyển, bảo quản, kiểm đếm, theo báo Kiến Thức.

Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ thì trên các “chợ online”, dịch vụ đổi tiển lẻ, tiền mới, nguyên seri lại vô cùng nhộn nhịp. Trên mạng xã hội Facebook, các trang Fanpage đổi tiền lẻ mọc lên như nấm, người rao bán cũng rầm rộ.

Không chỉ tiền lẻ, nhu cầu tiền mới mừng tuổi khiến các loại tiền mệnh giá 10.000 – 50.000 đồng trở nên khó kiếm hơn tại các điểm giao dịch chính thức như ngân hàng, phòng giao dịch… Song, nếu chấp nhận trả phí thì bao nhiêu cũng có, thậm chí, khách còn được giao tận nhà với chỉ một cú nhấp chuột hay cú điện thoại.

Doitienmoi, doitienle, dichvudoitien… từ các trang website đến facebook, zalo nở rộ như nấm mọc sau mưa. Từ biểu phí, mức giá, loại tiền đều được công khai.

Tiền 10.000 đồng giấy đỏ được nhiều người yêu thích. (Ảnh minh họa)

Tại cổng chùa Hà, một ngôi chùa cầu duyên nổi tiếng trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), các cửa hàng bán đồ lễ ở cổng mở luôn dịch vụ đổi tiền lẻ. Có khoảng 5 – 6 cửa hàng bán đồ lễ tại cổng và dịch vụ này gần như được thực hiện công khai. Mệnh giá tiền được đổi từ 500 – 2.000 đồng với mức phí chung ở các cửa hàng, theo tỷ lệ đối với tờ 500 đồng là 300%, tờ 1.000 đồng và 2.000 đồng là 200%.

Tại phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), dịch vụ đổi tiền cũng nhộn nhịp không kém. Khách hàng ra vào các cửa hàng đổi tiền rất đông, chủ yếu là đổi ngoại tệ và tiền lẻ để mừng tuổi. Khi được hỏi về mức phí đổi tờ tiền mệnh giá 500 đồng với số lượng lớn, nhiều chủ cửa hàng lắc đầu vì tờ tiền này hiện rất hiếm. 

Một chủ cửa hàng liên hệ với nguồn cung cấp riêng và báo giá lại với khách, nếu muốn đổi tờ 500 đồng thì mức phí là 500% và hẹn trước 3 ngày mới có.

Trao đổi với báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thị Bình, Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết việc đổi tiền “ăn chênh”, không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Với các thông tin quảng bá công khai trên mạng, nếu cơ quan chức năng xác minh được có thực hiện hành vi đổi tiền cũng sẽ bị xử lý.

Ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, Ngân hàng nhà nước, lưu ý người dân, theo quy định tại Nghị định 96 nếu đổi tiền thu phí, “ăn chênh” là bất hợp pháp. Nghị định 96 của Chính phủ quy định rõ mức xử phạt từ 20 – 40 triệu đồng.

Năm nay, theo ông Lâm, Ngân hàng nhà nước không in tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Ngân hàng nhà nước vẫn cung ứng, đưa vào lưu thông tiền cũ đã được phát hành các năm trước đó.

Thanh Thanh (tổng hợp)