Tỷ lệ người dân Nhật Bản ủng hộ chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đàm phán thương mại song phương với Mỹ tăng cao đột biến trước nguy cơ các mặt hàng ô tô của nước này bị áp thuế 25% khi xuất sang nền kinh tế số 1 thế giới.

Một cuộc điều tra dư luận trên quy mô rộng diễn ra 2 ngày trong tuần đầu tháng 10 được thực hiện bởi NikkeiTokyo Tivi đã có kết quả bất ngờ khi 45% số người được hỏi ủng hộ quyết định đàm phán thương mại song phương với Mỹ của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong khi đó, chỉ có 36% người được hỏi không đồng ý.

Các tỷ lệ này trái ngược hẳn với kết quả điều tra tháng 9 khi có đến 76% người được hỏi cho biết không đồng ý đàm phán thương mại song phương với Mỹ.

Tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hồi cuối tháng 9, hai bên đã nhất trí khởi động đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương sau khi ông chủ Nhà Trắng phàn nàn về khoản thặng dư thương mại 69 tỷ USD của Nhật Bản đối với Mỹ, trong đó 2/3 là từ xuất khẩu ô tô sang Mỹ.

Theo Reuters, Washington và Tokyo đang chuẩn bị tổ chức đối thoại kinh tế vào giữa tháng 11 tại Nhật Bản, trong đó có sự tham gia của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso.

Tại cuộc đàm phán tới đây, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ nhượng bộ trước các đòi hỏi mở cửa thị trường để tránh gây đổ vỡ mối quan hệ thương mại với Mỹ, đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nhật Bản.

Cùng với những dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ thương mại với Nhật Bản, giới phân tích cho rằng việc Mỹ liên tiếp đạt được những thỏa thuận thương mại gần đây với Canada, Mexico và Hàn Quốc, chính quyền Tổng thống Trump có thể dồn toàn lực cho cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc.

Theo AFP, trong một tuyên bố đưa ra ngày 4/10, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết Mỹ đang tiến tới xây dựng một liên minh thương mại sẵn sàng đối đầu với các hoạt động thương mại “thiếu công bằng” của Trung Quốc. Đối tác được đề xuất là Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.

Tháng trước, Mỹ, Nhật Bản và EU cũng đã thông báo đang cùng nhau xem xét “các biện pháp có thể” chống lại những hoạt động công nghiệp bất bình đẳng liên quan nhiều tới Bắc Kinh như dư thừa sản lượng, tấn công mạng và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

(Tổng hợp)