Giá tôm thẻ chân trắng tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang liên tục sụt giảm mạnh khiến nhiều người nuôi tôm lâm vào cảnh thua lỗ. Trong khi mục tiêu xuất khẩu tôm trị giá 10 tỷ USD chưa thấy đâu, hiện các bên đang phải xúm tay tìm cách giải cứu.

Theo báo cáo của Tổng Cục thủy sản, các tỉnh ven biển phía Nam chính thức bước vào mùa tôm. Đến cuối tháng 5, cả nước đã xuống giống gần 637.000 ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó tôm thẻ chân trắng chiếm 54.500 ha và tôm sú chiếm hơn 582.300 ha. Sản lượng thu hoạch lên đến 195.748 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo Lao động, trong khi người dân chưa kịp vui mừng vì được mùa tôm, từ tháng 4 đến cuối tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng lại sụt giảm đáng kể, tại ĐBSCL có địa phương giảm từ 20.000-40.000 đồng/kg.

Hiện tôm loại 100 con/kg giảm còn 78.000 đồng/kg. Thậm chí, có một số nơi, giá tôm còn thấp hơn giá thành, khiến cho người nuôi đối mặt với thua lỗ.

Nguyên nhân được Tổng cục Thủy sản nhận định do lượng tôm thẻ tại Ấn Độ, Thái Lan và Ecuador đang dồi dào.

Theo phân tích của ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), do Ấn Độ và Thái Lan trúng mùa tôm, nhưng không có kho lạnh để dự trữ nên bán tháo ra thị trường với giá rẻ. Bên cạnh đó, lượng tôm lưu kho của Mỹ và Trung Quốc lớn khiến giá tôm các nước này giảm, thậm chí giảm dưới giá thành làm cho thị trường tôm thẻ chân trắng giảm theo, ảnh hưởng đến Việt Nam.

Chia sẻ trên Tuổi trẻ, ông Lê Văn Quang, chủ tịch Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng trong khi nguồn cung tôm thế giới tăng 10-20%, nhu cầu chỉ tăng từ 5-7% nên cung vượt cầu. Mặt khác, Trung Quốc siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới khiến lượng tôm tồn kho của Việt Nam gia tăng.

Theo các địa phương, từ năm 2011 đến nay chỉ có ba lần tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm xuống còn 75.000 đồng/kg. Mức giá 78.000 đồng/kg hiện nay có thể được xem là đã chạm đáy. Trong khi đó, việc bao giờ giá tôm này tăng trở lại và tăng bao nhiêu rất khó dự báo.

Vì vậy, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng các bộ ngành liên quan cần thành lập một bộ máy theo dõi, dự báo thị trường bài bản. Thông tin không chỉ đồng bộ, đầy đủ mà phải chính xác.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo các doanh nghiệp phải đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi, không nên ép nông dân với giá thấp hơn thị trường, thậm chí bỏ mặc người nuôi dù đến thời điểm tôm đạt kích cỡ thu hoạch 50-60 con/kg.

Tại hội nghị bàn giải pháp phát triển ngành tôm ĐBSCL, được tổ chức ở Bạc Liêu ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ngoài việc kêu gọi người dân không bán tôm non (kích cỡ nhỏ) còn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh giống, thức ăn và chế phẩm cùng chia sẻ với người nuôi, lấy lợi nhuận ở mức vừa phải để nuôi thị trường lâu dài.

Trước nhiều biến động, thách thức đang diễn ra với ngành tôm (đặc biệt là giá tôm giảm) đã tác động không tốt tới ngành hàng tôm, đặc biệt là là lợi ích của người nuôi tôm, Công ty TNHH Đầu tư và Thủy sản Nam Miền Trung (Bình Thuận) đã quyết định giảm giá 10% tôm giống của bà con nông dân.

Dân Việt trích dẫn thông báo của Nam Miền Trung cho biết, từ ngày 5/6-30/8/2018, công ty sẽ giảm 10% số tiền thanh toán cho người mua tôm giống/ mỗi đơn hàng, áp dụng cho các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

Nguyễn Trang