Ngày 31/7, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về vấn đề liên quan đến việc đào tạo phi công Vietnam Airlines. Trong đó, Cục Hàng không chưa đưa ra câu trả lời cho nghi vấn Vietnam Airlines “làm giá” hàng chục nghìn USD một lần phỏng vấn phi công.

Cục Hàng không cho biết, bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào, đầu ra huấn luyện của phi công dựa trên hai điều kiện chính là tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và được Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam về tổ chức huấn luyện phi công; cá nhân các người lái tàu bay phải được Cục Hàng không của quốc gia tổ chức huấn luyện tổ chức kiểm tra, đánh giá để cấp Bằng người lái tàu bay (PPL, CPL/IR).

Liên quan đến tồn tại trong quá trình huấn luyện phi công, trong đó có việc “bôi trơn” hàng chục nghìn USD như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phản ánh, phía Cục Hàng không cho biết, Cục cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không. Tuy nhiên, Cục Hàng không hoàn toàn độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện người lái tàu bay.

Bên cạnh đó, Cục HKVN có hệ thống quy trình đánh giá hoàn toàn độc lập và khách quan. Cục đảm bảo tất cả các phi công được cấp bằng phải chịu đánh giá của Cục này.

Nghi vấn Vietnam Airlines "làm giá 25.000USD một lần phỏng vấn phi công": Câu trả lời còn bỏ ngỏ
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định phi công Vietnam Airlines được đào tạo theo các tiêu chuẩn của ICAO. (Ảnh: Báo Tầm Nhìn)

“Các tồn tại do Đại biểu Quốc hội nêu ra không ảnh hưởng đến quá trình đánh giá độc lập, khách quan và chất lượng của Cục đối với các phi công trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác,” lãnh đạo Cục Hàng không cho biết.

Nghi vấn Vietnam Airlines "làm giá 25.000USD một lần phỏng vấn phi công": Câu trả lời còn bỏ ngỏ
Thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay A320/321 đang được Vietnam Airlines sử dụng để đào tạo phi công. (Ảnh: Dân Trí)

Liên quan đến công tác cấp bằng và chấp nhận chuyển đổi nhà khai thác, Cục Hàng không giải thích, theo quy định về quản lý nhân viên trình độ cao, để được chấp nhận chuyển đổi người khai thác tàu bay, phi công phải đáp ứng các yêu cầu gồm đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay theo quy định; có hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay mới.

Như vậy, một phi công muốn chuyển đổi nhà khai thác tàu bay phải cung cấp đủ bộ hồ sơ gồm hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay cũ, hợp đồng lao động mới và hồ sơ huấn luyện chuyển đổi nhà khai thác.

Về điều kiện chấm dứt hợp đồng, các hãng hàng không nói riêng và các tổ chức nói chung đều có hợp đồng lao động, quy định trách nhiệm dân sự giữa cá nhân và tổ chức. Cục Hàng không nói rằng đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và không có thẩm quyền can thiệp việc thực hiện hợp đồng dân sự về trách nhiệm bồi hoàn huấn luyện đào tạo của các phi công và hãng hàng không.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Thể – Bộ trưởng GTVT nhận được ý kiến chất vấn của Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương về chất lượng đầu vào của ứng viên phi công; tồn tại trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn phi công, thời hạn khi nghỉ việc và bồi hoàn chi phí đào tạo phi công…

Ông Cương còn chỉ ra có hiện tượng vòi tiền “bôi trơn” trong khâu phỏng vấn phi công với mức giá đưa ra trắng trợn từ 20.000-25.000USD cho một lần phỏng vấn. Ông Cương khẳng định, những vấn đề mà ông nêu ra là không nhỏ và uy hiếp an toàn bay nên cần được xem xét một cách nghiêm túc.

Huyền Hương