Trong khi dư luận đang bức xúc với hành vi của cô giáo Trường THCS Duy Ninh phạt học sinh 231 cái tát, mới đây, lãnh đạo nhà trường lại yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 phải trả lời 18 câu hỏi trong phiếu điều tra do nhà trường gửi.

Sáng 3/12, chia sẻ với Zing, ông Võ Thái Hòa – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, ông đã nắm được việc trường THCS Duy Ninh gửi phiếu điều tra học sinh. Đây là việc làm không phù hợp, Phòng GD&ĐT không tán thành và đã gửi công văn yêu cầu trường kiểm điểm.

Bản câu hỏi và lời khai của một học sinh trong lớp. (Ảnh: Người Lao Động)

Trước đó, ngày 24/11, khi dư luận bức xúc việc cô Phương Thủy phạt học sinh 231 cái tát, Ban giám hiệu THCS Duy Ninh đã yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 phải trả lời 18 câu hỏi.

Bộ câu hỏi điều tra học sinh gồm 18 câu:

1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?
2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?
3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?
4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?
5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?
6. Bạn N. có nói tục không?
7. Khi bị tát bạn N. có khóc không?
8. Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?
9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?
10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?
11. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?
12. Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?
13. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?
14. Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?
15. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?
16. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?
17. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?
18. Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?

Từ bản câu hỏi này và trả lời của học sinh, Hiệu trưởng nhà trường Phạm Thị Lệ Anh có Báo cáo số 46 gửi Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, Phòng GD&ĐT Quảng Ninh vào ngày 26/11.

Báo cáo có đoạn: “Chiều 24/11/2018, nhà trường đã điều tra học sinh bằng phiếu điều tra. Kết quả phiếu lấy ý kiến từ 23 học sinh như sau: Sự việc học sinh bị các bạn tát 231 cái là có thật, nhưng trong đó có 13 em tát nhẹ, 8 em tát vừa, 2 em tát mạnh.

Cô Thủy chứng kiến một bạn tát sau đó mới rời khỏi lớp (11/23 em trả lời), một em trả lời chứng kiến 4 bạn tát, một em trả lời chứng kiến 3 bạn tát, 3 em không để ý”.

Các học sinh đều trả lời rằng cô Thủy không ra lệnh nếu ai tát nhẹ thì bị tát lại và cô tát một cái. Học sinh bị tát có khóc nhưng má không bị chảy máu. Khi tát N., các bạn trong lớp không ai sợ hãi và khóc. Sau khi bị tát, N. vẫn học bình thường đến cuối buổi và vào bệnh viện để khám chứ không phải cấp cứu.

Với câu hỏi trước N. có bạn nào bị phát tát?, một số em trả lời 7 bạn, một số nói 7-8 bạn.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy trần tình sau vụ việc. (Ảnh: Báo mới)

Báo Infonet dẫn lời Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh thừa nhận có sự việc “điều tra” này và cho rằng, việc điều tra 23 em học sinh bằng việc “lấy lời khai” này không có gì sai trái, mục đích là nhằm tìm ra sự thật của 231 cái tát mà em H.L.N phải nhận.

Chia sẻ với VTC News, TS Vũ Thu Hương – giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cách làm của hiệu trưởng cho thấy vị này không đủ khả năng làm giáo viên chứ đừng nói là làm hiệu trưởng. Một tập thể có người lãnh đạo không biết nhìn nhận và xử lý một lỗi sai, thì tập thể đó không đủ khả năng để giáo dục đạo đức cho trẻ.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh nên từ chức. (Ảnh: VTC News)

“Mục tiêu lớn nhất của giáo dục là dạy cho trẻ kiến thức, kỹ năng và đạo đức. Nếu không đủ khả năng để giáo dục một trong ba mục tiêu đó thì không thể làm giáo viên, không xứng đáng làm hiệu trưởng.

Giáo dục không phải là bằng sự đấu tố và tra tấn. Hơn nữa, họ là Hiệu trưởng, là giáo viên làm sai mà không nhận sai, sao lại bắt học sinh nhận sai. Một người Hiệu trưởng không thể tìm mọi cách để bao biện, bóp méo sự việc đi”, Tiến sĩ Hương nói.

Hoàng Minh (Tổng hợp)