Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế Việt Nam đã bỏ qua nhiều cơ hội xây dựng mô hình đặc khu, và con đường đến đặc khu kinh tế không thể kéo dài hơn được nữa.

Ông Dũng cho biết, hiện đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam rất lớn và đây là cơ hội để đón nhận làn sóng đó.

Theo ông, khi thành lập các đặc khu, điều quan trọng nhất là tạo ra một không gian đầu tư, một thể chế cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Zing)

Trước đó, ngày 10/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về tờ trình này.

Để tạo quyền tự chủ cho các đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Dũng cho biết có 2 phương án. Thứ nhất là không tổ chức Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân, làm sao dành quyền tự chủ, chịu trách nhiệm, thẩm quyền trong điều hành hàng ngày của trưởng đơn vị.

Thứ hai, Ban soạn thảo cũng đã tính đến phải có giám sát từ Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, giám sát từ các bộ ngành trung ương, của chính phủ theo ngành dọc và theo chiều ngang để có cơ chế giám sát lại các cơ quan của đặc khu và trưởng đặc khu.

Lý giải tại sao cần phải xây dựng các khu kinh tế hành chính đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đặc khu sẽ tạo ra sân chơi mới, một thể lệ mới nhằm đón nhận, thu hút làn sóng đầu tư đang dịch chuyển mạnh mẽ trên thế giới hiện nay.

Công thức chung của các đặc khu là sự kết hợp của nhiều ưu đãi thuế và ít rào cản và quy định. Các bài toán lợi ích đã được các nước “đưa lên bàn cân”, theo đó họ chấp nhận hy sinh một nguồn thu thuế đáng kể, cộng thêm khoản vốn khổng lồ rót vào hạ tầng cơ sở. Đổi lại, các chính quyền kỳ vọng về những khoản đầu tư ấn tượng từ các doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo công ăn việc làm, tăng giao thương và là động lực để cả vùng “cất cánh”.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 4.500 các loại đặc khu kinh tế của hơn 140 nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu 13 mô hình tương đồng với Việt Nam để thấy được những thành công và thất bại, trong đó có thể chế mà Viêt Nam đang tạo dựng. Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt được thiết kế trình Quốc hội kỳ họp lần này gồm những thể chế ngang bằng hoặc hấp dẫn hơn so với các nước.

Dự kiến, dự Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua vào kỳ họp tiếp theo.

Quang Minh (th)