Từng công bố kế hoạch mở bán vé từ ngày 2/9 và cất cánh lần đầu vào ngày 10/10, nhưng hãng hàng không của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vừa thông báo lùi lịch khai thác thương mại đến cuối năm 2018 do chưa có giấy phép bay.

Chia sẻ trên Vnexpress ngày 8/10, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết thủ tục cấp phép cho Bamboo Airways vẫn chưa hoàn thành. Ngoài ra, một lãnh đạo Cục Hàng Không Việt Nam cũng xác nhận chưa cấp phép bay cho hãng hàng không của Tập đoàn FLC.

Về phía Bamboo Airways, hai ngày trước ngày bay thương mại dự kiến, hãng hàng không này chiều ngày 8/10 đã gửi thông cáo cho biết sẽ lùi lịch khai thác thương mại sang cuối quý IV/2018.

Mặc dù lỡ hẹn bay ngày 10/10, hãng bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn khẳng định sự điều chỉnh lịch trình cất cánh này không ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh và mạng lưới bay theo định hướng từ trước của Bamboo Airways.

Infonet dẫn lời ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc Bamboo Airways – cho biết hãng hàng không này đang trong giai đoạn hoàn thiện giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cuối cùng để hãng có thể chính thức tham gia vào thị trường hàng không, sau khi sau khi Bamboo Airways được Chính phủ phê duyệt chủ trương vào đầu tháng 7.

Ngoài ra, lãnh đạo Bamboo Airways còn cho biết các công tác thuê mua máy bay, nhân sự, thương mại, khai thác bay, khai thác mặt đất… đã được tích cực triển khai. Về cơ bản, mọi công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên của hãng dự kiến vào cuối quý IV năm nay cũng đã hoàn tất.

Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến sẽ khai thác 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn và điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là Hà Nội – Quy Nhơn, Hà Nội – Đồng Hới, Tp.HCM – Quy Nhơn, Hà Nội – Tp.HCM, Tp.HCM – Vân Đồn…

Tuy nhiên, kế hoạch mở bán vé từ ngày 2/9 của Bamboo Airways cũng đã lỡ hẹn.

Trước Bamboo Airways, năm 2017, Vietstar Airlines cũng lập hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh hàng không chung (giấy phép bay) để tiến hành bay thương mại vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, cơ quan chức năng sau đó đã bác hồ sơ của hãng vì Vietstar Airlines chưa có đủ số vốn đăng ký 700 tỷ đồng để cơ quan chức năng thực hiện phong tỏa.

Chia sẻ trên Tri thức trực tuyến, một chuyên gia hàng không người Việt cho rằng nhiều khả năng Bamboo Airways cũng đang gặp vấn đề tương tự.

Theo vị chuyên gia này, kể từ sau thất bại của hãng hàng không Đông Dương (Indochina Airlines) năm 2009, cơ quan quản lý đã làm chặt hơn trong quá trình cấp giấy phép bay. Hãng bay của ông Hà Hùng Dũng khi đó vỡ nợ, không thể chi trả lương cho nhân viên cùng nhiều khoản chi khác về sân bãi, xăng dầu…

“Để có giấy phép bay, cơ quan chức năng cần phong tỏa khoản vốn đăng ký của doanh nghiệp. Vietstar Airlines trước không có đủ 700 tỷ đồng cho cơ quan chức năng phong tỏa nên không lấy được giấy phép bay. Nhiều khả năng Bamboo Airways cũng đang gặp khó trong việc đưa ra số vốn đăng ký 1.300 tỷ đồng để cơ quan chức năng phong tỏa”, vị chuyên gia này nói thêm.

(Tổng hợp)