Bị dư luận phản ứng mạnh mẽ về bài viết “Ngộ độc thơ” trên trang cá nhân Facebook cá nhân, ông Phan Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn TP.HCM đã xin từ chức.

Theo thông báo chính thức của Hội Nhà văn TP.HCM (HNV TP.HCM) Ban Chấp hành hội vừa đồng ý cho ông Phan Hoàng từ chức Chủ tịch Hội đồng Thơ và rút hoàn toàn ra khỏi Hội đồng Thơ của HNV TP.HCM.

Ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng Thơ, hiện tại ông Phan Hoàng đang giữ chức Phó chủ tịch thường trực HNV TP.HCM khóa 7 (2015-2020) đồng thời là chủ biên trang web HNV TP.HCM.

Thông báo do ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch HNV TP.HCM ký ngày 23/4 và được đăng trên trang web chính thức của HNV TP.HCM lúc 20 giờ 30 ngày 23/4 nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì nội dung này được gỡ bỏ.

Đây là vụ lùm xùm thứ 2 trong năm 2018 của HNV TP.HCM sau vụ ông Trần Hũu Dũng Phó chủ tịch Hội đồng Thơ TP.HCM xin từ chức vào hồi tháng 1 vì… không được mời tham dự họp báo liên quan đến vụ trao tặng giải thưởng của HNV TPHCM (giải thưởng gây xôn xao dư luận vì có hai nhà thơ không nằm trong danh sách do Ban Chấp hành HNV TP.HCM đưa lên xét duyệt nhưng vẫn được chọn trao giải, việc này dẫn đến nghi ngờ có “chạy giải thưởng”).

Nhà thơ Phan Hoàng (đứng) tại một cuộc họp của Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM. (Ảnh: Thanh Niên)

Trước đó, đầu tháng 4/2018 trên trang Facebook cá nhân được cho là của nhà thơ Phan Hoàng xuất hiện bài viết “Ngộ độc thơ”. Nội dung bài viết này có đoạn:

“Vừa qua có một số bạn hỏi mình vì sao ít đăng thơ trên Facebook. Xin cảm ơn các bạn thơ tri âm và có vài điều tế nhị mình chia sẻ, chẳng biết có làm phật ý ai không. Mình làm thơ rất khó khăn. Thường viết một mạch mấy chục câu, sửa chữa lược bỏ cuối cùng chỉ lấy được vài câu, nhưng có khi đọc lại thấy xấu hổ bèn xóa hết, vì đó chỉ mới là vè hoặc cận thơ chứ chưa phải thơ.

Bởi thơ là nghệ thuật ngôn từ cao cấp, công phu, điêu luyện chứ không thể dễ dãi. Thơ dở cũng là thứ rác. Dù là thế giới ảo nhưng Facebook vốn là môi trường trong sạch trước khi bị một số “phây tặc” làm ô nhiễm. Nếu mình mãi vô tình ném rác vào môi trường ấy thì sẽ tiếp tay cho “phây tặc” hoặc tự biến mình thành “phây tặc” lúc nào không hay.

Người có kiến văn sẽ nhẹ nhàng lách rác thơ trên Facebook. Người ít hiểu biết thì ngửi rác hoài tất sẽ bị ngộ độc. Mình sợ có lỗi với thơ và người hiểu thơ, yêu thơ chân thành. Ngộ độc thơ còn nguy hiểm hơn ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng một số người. Ngộ độc thơ có thể nguy hại cả một thế hệ hoặc nhiều thế hệ…”.

Bài viết này của nhà thơ Phan Hoàng ngay sau đó bị dư luận phản ứng mạnh mẽ và Hội Nhà văn TP.HCM đã họp và đưa ra hướng xử lý như trên.

Mạnh Tiến