Chuyên mục CHÀO BUỔI SÁNG ngày 16/3 xin gửi đến quý độc giả những bản tin đáng chú ý sau:

Nhận giải Fairplay, Văn Toàn tặng hết tiền thưởng cho nữ đồng nghiệp

Trong lễ trao giải Fairplay tối 14/3, tiền đạo của HAGL tặng toàn bộ 40 triệu đồng tiền thưởng cho nữ tuyển thủ Thuỳ Trang, người có mẹ bị ung thư dạ dày.

“Tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của cá nhân để ủng hộ chị và mong rằng, mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn nữa cho bóng đá nữ”, Văn Toàn chia sẻ.

Trước đó, tại lễ trao giải Fairplay 2017 tổ chức ở TP. HCM, Văn Toàn nhận giải cao nhất. Đây là sự ghi nhận cho hành động đẹp của tiền đạo đang khoác áo HAGL trong trận đấu tại V-League gặp Thanh Hoá trên sân Pleiku ngày 8/4/2017.

Cụ thể về hành động đẹp của tiền đạo khoác áo HAGL như sau: Ở những phút bù giờ, tiền đạo Uche thoát xuống chọc thủng lưới HAGL để ấn định chiến thắng ngược dòng 3-2 cho đội khách.

Ngay lập tức, nhiều cầu thủ HAGL bao vây trọng tài biên vì cho rằng Uche đã việt vị. Trưởng đoàn bóng đá HAGL Nguyễn Tấn Anh đã xông vào sân phản ứng dữ dội với trọng tài chính, còn Giám đốc điều hành Huỳnh Mau sau đó ra sát đường biên phất tay gọi các cầu thủ ra ngoài. Trận đấu trên sân Pleiku đứng trước nguy cơ “vỡ”.

Đúng lúc đó, Văn Toàn chạy ra đường biên đưa bóng vào cuộc, kéo các đồng đội trở lại sân thi đấu rồi khuyên HLV, quan chức đội nhà ra ngoài để trận đấu tiếp tục.

Kết thúc trận đấu, HAGL thua ngược 2-3, nhưng hành động của Văn Toàn nhận được nhiều lời khen ngợi.

Trong khi đó, nữ tuyển thủ Thuỳ Trang thể hiện sự hiếu thảo với người mẹ đang bị ung thư dạ dày. Cô đã gạt đi nước mắt, nỗi đau mà mẹ đang gánh chịu để thi đấu hết mình, giúp tuyển bóng đá nữ Việt Nam đoạt HC vàng SEA Games 2017.

Sau đó, cô gái quê Quảng Nam đã gửi toàn bộ số tiền thưởng nhận được về nhà để mẹ chữa bệnh. Hành động đó giúp tiền đạo này được bầu chọn cho giải Ba của giải Fairplay.

“Tôi rất ngưỡng mộ Văn Toàn. Cậu ấy không chỉ là một người tài năng về chuyên môn mà còn là một người sống tình cảm và luôn quan tâm đến người khác”, Thuỳ Trang xúc động nói sau khi nhận số tiền từ Văn Toàn. “Tôi chúc em luôn gặp may mắn, thăng tiến trong sự nghiệp”.

Chủ nhà máy xay xát thở phào nhẹ nhõm sau 2 tháng giữ đống vàng

Sáng 15/3, tại trụ sở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước (Bình Định), đại diện chính quyền, công an xã, cán bộ tư pháp đã tiếp nhận số vàng được gia đình ông Lê Quang Thắng – chủ nhà máy xay xát lúa gạo ở xã Phước Hưng cùng các nhân công làm việc tại nhà máy phát hiện trong bao lúa trước đó.

Tuy nhiên, đại diện công an xã không tiết lộ cụ thể số vàng cũng như đặc điểm nhận dạng số vàng trên nhằm đảm bảo bí mật.

Ông Lê Quang Thắng – chủ nhà máy xay xát lúa gạo ở xã Phước Hưng chia sẻ, sau khi thông tin tìm chủ nhân số vàng trên, gia đình ông liên tục gặp rắc rối bởi nhiều cuộc gọi đến tự nhận là chủ số vàng trên.

Trong khi đó, các nhân công làm việc tại gia đình cũng đòi chia tài sản vì họ có công trong việc phát hiện ra vàng. (Chi tiết)

Thương lái Trung Quốc lùng mua đặc sản Việt: Cảnh báo ‘bỏ bom’

Thị trường Trung Quốc đang lùng sục khắp các nhà vườn để mua hàng khiến một số loại trái cây của Việt Nam tăng giá mạnh, có loại tăng kỷ lục. Đang vui tăng giá vẫn không thể quên những lần bị “bỏ bom”, đột ngột ngừng mua khiến giá giảm mạnh, phải kêu gọi giải cứu.

Vào tận vườn lùng mua

Cách đây một năm, người trồng chuối ở Đồng Nai phải để chuối chín rụng đầy vườn, phải đổ bỏ cho bò hay bán tháo với giá 1.000 đồng/kg,… do bị thương lái Trung Quốc ngừng mua đột ngột. Thế nhưng, cùng vào dịp này, giá chuối tại xã Thanh Bình (Trảng Bom, Đồng Nai) lại tăng giá mạnh.

Hiện giá chuối bán tại vườn là 17.000-18.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, giá chuối không chỉ tăng cao ngất ngưởng, mà thương lái Trung Quốc còn vào tận vườn để đặt cọc bao tiêu trước cả tháng. Thậm chí, để mua được hàng, họ còn lùng sục khắp các nhà vườn để tìm mua chuối.

Một số thương lái miền Tây mua chuối bán trong nước đợt này còn không mua nổi bởi thương lái Trung Quốc bao tiêu, đặt mua hết sạch. Nhờ đó, các nhà vườn trồng chuối có thể thu được 700 triệu đồng/ha chuối trong vụ này.

Giá chuối tại Đồng Nai đang tăng mạnh, nhiều thương lái Trung Quốc vào tận vườn lùng mua hàng. (Ảnh: Zing)

Thừa nhận chuyện trên, ông Nguyễn Tấn Cường, Phó chủ tịch xã Thanh Bình cho biết, giá chuối tăng cao là do thương lái tăng cường thu mua để mang sang Trung Quốc.

Song, vụ chuối năm nay, chuối bán được giá cũng là do người dân rút kinh nghiệm từ vụ trước, không xuống giống cùng lúc nên nguồn cung ra thị trường được giãn đều, không bị dội chợ.

Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở sản xuất chuối tại Hưng Yên cho hay, năm nay Trung Quốc gom hàng nên giá tăng cao so với mọi năm.

Không riêng gì chuối, tại các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ thương lái cũng vào tận vườn thu mua mít Thái để xuất đi Trung Quốc khiến giá mặt hàng này tăng cao kỷ lục, lên mức 45.000-48.000 đồng/kg loại 1, loại 2 giá khoảng 40.000 đồng/kg.

Theo ông Trần Văn Tám, một hộ dân trồng mít ở xã Trường Xuân (Thới Lai, Cần Thơ), thời điểm này lượng mít trong vườn thu hoạch gần hết, vậy mà thương lái thay phiên nhau đến tận nhà năn nỉ, đặt tiền trước để mua được mít với giá cao. Thế nên, bình quân mỗi trái mít ông có thể thu nửa triệu đồng.

Các nhà vườn trồng mít ở Hậu Giang, Tiền Giang ước tính, với giá mít cao như hiện nay, mỗi hecta mít người dân lãi khoảng 800 triệu đồng.

Trong khi đó, ở Long An, Tiền Giang và Bình Thuận, các nhà vườn trồng thanh long cũng đang phần khởi bởi giá mặt hàng này tăng mạnh, kéo dài suốt từ dịp Tết Nguyên đán đến nay. Thậm chí, những ngày đầu tháng 3 này, để mua được thanh long xuất đi Trung Quốc, các thương lái còn vào tận nhà vườn bằng lòng trả tiền trước cho chủ vườn mong sao gom được hàng.

Trung Quốc thao túng giá

Chuyện ồ ạt gom trái cây xuất sang Trung Quốc không phải là chuyện mới. Song, câu chuyện thương lái Trung Quốc đua nhau thu mua giá cao, sau lại đột ngột ngừng mua khiến rau quả Việt Nam rớt giá thảm hại, nông dân lỗ nặng không phải là chuyện hiếm, lặp đi lặp lại cả thập kỷ nay.

Cụ thể, cũng ở Đồng Nai, năm nay người nông dân trồng chuối ai nấy đều phấn khởi do chuối được thu mua với giá cao ngất ngưởng, thậm chí thương lái Trung Quốc vào tận vườn lùng sục mua.

Thế nhưng, nhiều người cũng không thể quên được cảnh ngậm đắng nuốt cay khi vào đúng dịp này năm ngoái họ bị thương lái Trung Quốc “bỏ bom”, đột ngột ngừng mua khiến giá chuối giảm mạnh, phải kêu gọi giải cứu.

Không chỉ vậy, vào nửa đầu năm 2017, có tới hàng chục mặt hàng nông sản Việt rớt giá mạnh, phải kêu gọi giải cứu vì Trung Quốc ngừng mua, bế tắc đầu ra.

Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, người dân trồng chuối ở Trảng Bom (Đồng Nai) cho rằng, dù biết vậy họ vẫn phải bán cho Trung Quốc. Bởi, chỉ có Trung Quốc mới thu mua được lượng lớn chuối, còn thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết.

Một chuyên gia trong ngành chia sẻ, nông sản Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt, chúng ta lại xuất hàng sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên chuyện bị thao túng giá là khó tránh khỏi. Nông sản Việt giá tăng hay giảm hoàn toàn phụ thuộc vào 1 thị trường, còn người nông dân hoàn toàn bị động.

Ngư dân thả câu bắt được cá hơn 10kg nghi sủ vàng quý hiếm

Chiều tối 14/3, ông Phạm Đình Quốc và anh Trương Quang Tâm, thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, huyện Núi Thành) thả câu ở vùng biển cách cửa Kỳ Hà khoảng 4km. Đến 22h cùng ngày, hai người phát hiện một cá lớn mắc câu.

Con cá dài hơn một mét, nặng 10,5 kg. (Ảnh: Đắc Thành)

“Con cá này có lớp vảy óng ánh, một số nơi màu vàng. Chúng tôi mất gần một giờ mới đưa được nó lên thuyền, trên đường vào bờ thì cá chết. Hiện gia đình cho nó vào tủ lạnh bảo quản”, ông Quốc nói và cho biết cá dài 1,1m, bề ngang khoảng 30cm, nặng 10,5kg.

Ông Quốc nói thêm, qua tìm hiểu trên mạng thấy con cá rất giống cá sủ vàng quý hiếm, “ở miệng có bong bóng trồi ra màu đỏ”.

Ở miệng cá bong bóng trồi ra màu đỏ. (Ảnh: Đắc Thành)

Ông Trần Thanh Hoàng (89 tuổi, xã Tam Hòa) cho hay, sống lâu năm ở địa phương nhưng ông chưa nhìn thấy con cá nào giống cá ông Quốc bắt được. “Con cá này có vảy, vi, đuôi màu vàng rất khác với cá bình thường”, ông Hoàng nói.

Cá sủ vàng tên khoa học là Otolithoides biauritus, thuộc bộ cá vược, có đặc điểm miệng rộng, màu vàng nghệ. Tại Việt Nam, cá sủ vàng phân bố chủ yếu ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long. Trên thế giới, cá phân bố tại Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc.

Cá đắt do bóng cá dùng làm chỉ khâu hữu cơ dễ tan trong y học. Mặt khác, theo quan niệm của người dân một số nước châu Á, món ăn từ cá sủ vàng là “cao lương mỹ vị”, mang đến may mắn và làm ăn tấn tới, được giới giàu có săn lùng.

Kết thúc chuyên mục, kính chúc quý độc giả ngày thứ Sáu vui vẻ và làm việc hiệu quả!

———–

Bản tin “CHÀO BUỔI SÁNG” được Đại Kỷ Nguyên phát hành vào buổi sáng hàng ngày. Quý độc giả có thể tải ứng dụng DKN.TV trên điện thoại di động tại Google Play hoặc App Store để cập nhật tin tức mới nhất trong ngày.

Đại Kỷ Nguyên News