Cách đây không lâu tôi có đọc được một câu chuyện kể rằng: Nhà kia có hai bà cháu, sáng sớm hàng ngày hai bà cháu thường dắt nhau ra quán ăn sáng. Ngày nào cũng vậy, bà cậu bé luôn gọi hai tô phở bò và thêm mỗi bát một quả trứng vịt lộn nữa, nhưng bà đều yêu cầu chủ quán lấy tất cả thịt và trứng lại nhường hết sang bát của đứa cháu tầm 7, 8 tuổi của mình. Còn bà chỉ ăn bánh phở và nước dùng.

Thời gian cứ thế qua đi, cậu bé đã quen với việc sáng sáng được bà đưa đi ăn phở bò với trứng. Một hôm hai bà cháu đi ăn sáng như mọi khi, nhưng lần này vì quên không mang đủ tiền nên bà cậu bé chỉ gọi hai bát phở và một quả trứng cho cháu ăn.

Tuy nhiên khi bà cậu bé bưng hai bát phở ra chỗ bàn cậu bé ngồi đợi trước, cậu bé thấy bát mình chỉ có một quả trứng chứ không phải hai quả như mọi khi. Cậu cho rằng bà đã ăn mất một quả của mình nên cậu hét thật to vào mặt bà giữa chỗ đông người rằng bà đã ăn trứng của cậu. Mặc dù bà cậu có giải thích thế nào cậu cũng không nghe, dỗ dành thế nào cậu cũng không chịu, bà càng giải thích, cậu càng tỏ thái độ tức giận hơn rồi bỏ về.

Bà vừa tức giận, vừa bất lực trước đứa cháu bấy lâu nay mình vẫn yêu quý chăm chút, giờ lại thành ra như vậy, lại thấy xấu hổ với mọi người xung quanh. Trên đường về nhà, bà chợt nhận ra một điều…

 (Ảnh: )
Những đứa trẻ ngày nay lớn lên với điều kiện đủ đầy, cũng chẳng bố mẹ nào nhớ tới dạy cho con biết khiêm nhường và tập nghĩ cho người khác.  (Ảnh minh họa: eurotalk.com)

Từ điển tích Khổng Dung nhường lê…

Khổng Dung là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, ngay từ khi còn nhỏ đã thấm nhuần đạo lý làm người cần có nhân tín lễ nghĩa, cung kính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác.

Năm Khổng Dung lên 4, một hôm trời nóng như đổ lửa, Khổng Dung đang chơi ngoài sân vườn còn các anh của mình thì đang học trong lớp. Đến lúc nghỉ giải lao vừa hay có một người bạn của cha Khổng Dung đến chơi và xách theo một giỏ lê sang tặng. Mẹ Khổng Dung bảo Khổng Dung và các anh cậu rửa tay rồi vào ăn lê cho mát.

Khi các anh em rửa tay xong vào trong nhà, cha Khổng Dung mới bảo Khổng Dung chọn lấy một quả, Khổng Dung không lập tức lấy ăn ngay mà xếp từng quả lên bàn. Cha Khổng Dung nghĩ con mình bỏ ra như vậy để chọn quả ngon nhất để ăn, như vậy là ích kỷ, không tốt nhưng lại ngại vì có khách nên không tiện mắng con.

Điều bất ngờ là sau khi xếp hết lê ra bàn, cậu lại chọn quả nhỏ nhất để lấy, còn mấy quả to, chín mọng lại không lấy. Thấy làm lạ nên cha Khổng Dung mới hỏi, tại sao con không chọn quả to chín mà ăn, lại chọn quả nhỏ nhất?

Khổng Dung mới đáp: Thưa cha, con là người nhỏ nhất, nên con chọn quả nhỏ nhất để ăn, còn các quả to thì nên để cho cha mẹ và các anh ăn ạ.

Cha của Khổng Dung nghe con trả lời như vậy thì rất hài lòng, người bạn của cha Khổng Dung chứng kiến mọi việc cũng hết mực cảm phục về đức tính khiêm nhường, biết nghĩ cho người khác của cậu.

Quả nhiên, nhân tâm hữu thiện ắt thành người tài chí, Khổng Dung sau khi lớn lên làm thái thú quận Bắc Hải, thơ văn của ông nổi tiếng khắp vùng, cùng với Trần Lãm, Vương San, Từ Can, Nguyễn Vũ, Ứng Thường, Lưu Chinh được mệnh danh là Kiến An Thất Tài Tử.

Khổng Dung tuy là em nhưng lại biết nghĩ cho các anh trước, đó cũng là do được thấm nhuần đạo lý làm người ngay từ nhỏ. (Ảnh: Pngtree)

Ngẫm về tính ích kỷ của con trẻ ngày nay

Ích kỷ không chỉ khiến con người ta trở lên nhỏ nhen mà còn mất đi sự sáng suốt, không phân biệt được đúng sai. Một người mà chỉ biết nghĩ đến cái được mất của riêng mình, không nghĩ đến người khác thì ắt chẳng thể có chỗ đứng trong xã hội này.

Khi xã hội không ngừng phát triển, điều kiện sinh hoạt cũng ngày đầy đủ, trẻ em khi vừa sinh ra đã được sống trong nhung ấm nệm êm với đầy đủ tình yêu thương chăm sóc của ông ba cha mẹ. Ông bà cha mẹ có bất cứ thứ gì tốt cũng đều nhường nhịn cho con cái một cách vô điều kiện. Dần dà, chúng nghiễm nhiên mặc định rằng tất cả những thứ tốt đẹp đó đều là của chúng, chúng được hưởng thụ cũng là lẽ đương nhiên. Đến một ngày bỗng dưng chúng không được người khác cung cấp cho nữa thì sinh ra oán hận người khác, cho rằng người khác đã lấy những thứ đó của chúng.

Yêu thương con trẻ cũng là lẽ thường tình, nhưng thiết nghĩ, một đứa trẻ khi mới lớn lên cần phải được dạy dỗ để hiểu được ân đức của người đã nuôi nấng mình, hiểu được lòng biết ơn đối với người khác. Một người nếu như ngay cả việc ghi nhớ ân đức của người khác cũng không biết, vậy sao có thể gọi là trưởng thành?

Dường như trẻ nhỏ ngày nay sống trong sự bao bọc của cha mẹ mà mất đi cái khiêm nhường lễ phép và biết nghĩ cho người khác. (Ảnh minh họa: vietbf.com)

Khổng Dung ngay từ nhỏ đã được học lễ nghĩa, khiêm nhường, hiểu được đạo lý làm người phải kính trên nhường dưới, biết tôn trọng người khác, biết san sẻ niềm vui với người khác. Vậy nên sau này trở thành danh nhân nổi tiếng xa gần, có ích cho xã hội cũng là lẽ tất nhiên.

Trẻ em sinh ra vốn ngây thơ thuần khiết như tờ giấy trắng, tuy nhiên đôi khi tờ giấy tinh khôi trắng ngần đó lại bị chính những người yêu thương nó huỷ hoại đi mất. Yêu thương không đúng cách chính là cách đưa người mình yêu thương đến bến bờ tăm tối một cách nhanh nhất.

Minh Vũ