Một đứa trẻ chỉ vì muốn mua một chiếc điện thoại mà đã giết hại cả cha mẹ ruột của mình. Chúng ta hãy quay đầu lại mà ngẫm nghĩ một chút: Trẻ nhỏ có phải khi mới sinh ra đã có ham muốn mãnh liệt đối với vật chất đến vậy hay không? Đã bắt đầu từ khi nào vậy?

Thời buổi hiện nay, không ít bậc làm cha mẹ đều lấy phần thưởng vật chất ra để khuyến khích con cái học tập. Lúc còn tiểu học thì “Kỳ thi tháng này nếu như con thi được tốt, cha sẽ dắt con đi ăn một cây kem thật to”. Khi lên cấp hai thì “Nếu như con thi được tốt, mẹ sẽ mua cho con một chiếc xe đạp”. Như vậy, động lực để trẻ con dốc sức theo đuổi là gì? Không phải là muốn thành tựu cuộc đời của mình để sau này còn có thể phụng dưỡng cha mẹ, mà là vì muốn đạt được mục đích vật chất của nó.

Có một học sinh cấp hai vừa thi lên cấp ba, khi thi xong thì nói với mẹ nó rằng: “Mẹ ơi, mẹ phải mua cho con mấy bộ quần áo hàng hiệu giá vài triệu”. Mẹ của nó hỏi tại vì sao? Đứa trẻ này trả lời: “Con thi lên được cấp ba đã giúp cha tiết kiệm hàng trăm triệu. Nếu như con không thi lên được cấp ba, cha sẽ phải tốn một đống tiền để mà chạy điểm cho con, mua cho con một chỗ học cấp ba”.

Đứa trẻ này ở trong đầu đang chứa đều là dục vọng, đều là dùng tiền để đo lường bất kỳ giá trị nào. Nếu con cháu đời sau của chúng ta đều lấy dục vọng làm mục đích theo đuổi thì sẽ tạo tác ra biết bao nhiêu sự việc thương thiên hại lý.

Trước đây, ở Tứ Xuyên, Trung Quốc xảy ra một chuyện đau lòng. Có một đứa trẻ học lớp chín, tự mình nấu cơm cho cha mẹ nó ăn. Kết quả là cha của nó đã chết sau khi ăn cơm, ngã ra nền nhà co giật mà chết. Qua một thời gian không lâu sau đó, người mẹ của nó cũng như vậy, sau khi ăn cơm xong cũng chết. Khi nó cúng bái mẹ của nó vừa xong, lập tức không giữ được bình tĩnh, đã đem những thức ăn vừa mới cúng bái đó đổ xuống dưới cống nước.

Người thím của nó nhìn thấy được chuyện này, trong lòng kinh ngạc, đứa trẻ này đối với cha mẹ một chút lòng cung kính cũng không có. Đột nhiên đứa trẻ này đã đi đến trước người thím của nó và nói: “Thím à, ba và mẹ của con đã mua bảo hiểm rồi có phải không?”. Nó vừa nói ra câu này, người thím đột nhiên cảm thấy toàn thân nổi hết da gà, có gì đó bất thường, liền báo công an điều tra. Sau khi điều tra mới phát hiện đều là do chính nó hạ độc. Là một đứa trẻ mới mười ba tuổi. Vì sao mà nó giết cha mẹ? Là vì muốn lấy tiền bảo hiểm để mua một chiếc điện thoại!

Con cháu của chúng ta đời sau sẽ như thế nào nếu điều cốt lõi trong tâm chúng đều là dục vọng về vật chất… (Ảnh minh họa: nestle.co.th)

Khi nghe được câu chuyện này, nhiều người cảm thấy đây thực sự là ngày tận thế đã đến. Một đứa trẻ chỉ vì muốn mua một chiếc điện thoại mà đã giết hại cả cha mẹ ruột của mình. Trong lòng nó đã không còn cái ân nghĩa, không còn cái đạo nghĩa, chỉ có dục vọng mà thôi. Chúng ta hãy quay đầu lại mà ngẫm nghĩ một chút: Trẻ nhỏ có phải khi mới sinh ra đã có ham muốn mãnh liệt đối với vật chất đến vậy hay không? Đã bắt đầu từ khi nào vậy? Từ nhỏ, đều là do cha mẹ đã dạy hư chúng.

Nếu như một đứa trẻ trong suốt quá trình đi học đều là để đạt được phần thưởng vật chất như thế, thì nó sẽ phát triển tính tự tư tự lợi, không biết quan tâm người khác. Đợi đến khi chúng ta già yếu, biết đâu chúng nó sẽ nói: “Già cả hết rồi, hãy để cho họ tự sinh tự diệt đi”. Đến lúc đó thì chúng ta sẽ rất thê thảm.

Có lẽ, thay vì hối thúc con học hành bằng phần quà vật chất, mỗi bậc làm cha mẹ như chúng ta hãy nói cho con biết mục đích tốt đẹp của sự học. Cách đây một thế kỷ, trong sách giáo khoa của Việt Nam có một bài văn giản dị tên là “Đi học để làm gì?”, nguyên văn như sau:

“Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe.

Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.

Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.

Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện”.

(“Quốc Văn Giáo Khoa Thư”, lớp Dự Bị)

Khiêm Từ

(Bài viết có tham khảo bài giảng của thầy giáo Thái Lễ Húc trên trang detuquy.com)

Từ Khóa: