Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa

Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh.”

Câu hát ấy cứ văng vẳng trong tâm trí tôi mỗi lần tôi nghĩ về Hà Nội – một thành phố với bề dày lịch sử thiêng liêng và những con đường mang ý nghĩa đặc biệt. 

Sáng nay trời trong và mây trắng, gió nhè nhẹ thổi phảng phất mùi hương của lá và hoa. Tôi đang đi dạo một đoạn ven Hồ Hoàn Kiếm, lẩm nhẩm một câu hát quen thuộc, nghe đã bao lần rồi nhưng vẫn khiến tim tôi xao xuyến nhớ về một Hà Nội, một Hà Nội đơn sơ và cổ kính, thâm trầm và phiêu lãng… vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người yêu Hà Nội như tôi. 

Tôi dừng chân trước một con phố nhỏ, một con phố rất độc đáo, rất thú vị với kiến trúc cổ. Đứng từ đây giơ ống kính lên, tôi có thể thấy Hồ Gươm thật gần, thấy hàng Liễu rủ xuống mặt Hồ gợn sóng, một Tháp Rùa cổ kính bàng bạc trong sương sớm. Đó là những hình ảnh quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ, nó hiện lên, tươi mới và trường tồn cùng thời gian. Trước khung cảnh nên thơ và thân thuộc này, tôi đã chụp một bức ảnh, với một chút man mác, một chút bâng khuâng…

Hà Nội ấy, một Hà Nội với chiều dài lịch sử, kẻ ở người đi, và những cuộc chia ly vội vã bởi những đổi thay của thời cuộc. Hà Nội để lại những hồi ức dịu dàng trong tôi về những ngày xa xưa thanh bình chốn thị thành. Và con phố nơi tôi đứng đây, là trung tâm của thành phố, cũng không nằm ngoài quy luật đó. Cảnh vật biến đổi, không còn những dấu vết xưa, nó đã mang một sắc thái mới, là một nơi sầm uất, với những khung cửa kính sáng loáng hiện đại, bày bán những đồ thủ công lưu niệm cho những đoàn khách du lịch Á-Âu.

Đây là con phố cổ lâu đời của Hà thành, nó nối dài từ phố Cầu Gỗ đến phố Đinh Tiên Hoàng và thông ra Bờ Hồ. Từ đây, chỉ cần ngồi xuống một quán cóc vỉa hè nhâm nhi một tách trà nhìn ra mặt Hồ, thoáng ta có thể thấy xa kia cầu Thê húc soi bóng nhạt nhòa và Tháp Rùa cổ kính lung linh trong nắng sớm…

Phố ấy mang tên là Hồ Hoàn Kiếm hay là Hồ Gươm. Nó đặc biệt ở chỗ, là con phố ngắn nhất Hà Nội, chỉ dài 45m, tức chỉ bằng khoảng cách giữa hai cột đèn, nó chỉ như một cái gạch nối, nằm thu mình trong góc nhỏ phố cổ, nên không mấy ai chú ý vì chỉ cần lơ đãng một chút, người ta sẽ bước sang phố kế tiếp lúc nào không hay. Con phố này giống như một cái ngách ngang, thông từ phố Đinh Tiên Hoàng sang giữa phố Cầu Gỗ.

Người ở tỉnh xa hoặc người mới sống ở Hà Nội sẽ không nhận ra con phố này, bởi không chỉ nó rất ngắn mà nó còn có một điểm độc đáo nữa là cách đánh số nhà. Có hai dãy nhà đối diện nhau hai bên đường (mỗi dãy có 4-5 nhà) nhưng chỉ duy nhất một bên dãy nhà mang số nhà của phố Hồ Hoàn Kiếm, trong khi vài số nhà ở bên kia lại dùng số phụ của những ngôi nhà ở phố Cầu Gỗ hay phố Đinh Tiên Hoàng. Nên gọi đây là phố “không có số nhà của riêng mình” cũng được.

Tuy vậy, nó lại có một nét đặc trưng mà ai đi đâu về đâu cũng đều nhớ đến, đó là món nộm thịt bò khô, một đặc sản rất riêng của phố Hồ Hoàn Kiếm. Trước đây, những người bán hàng là những bác nam giới mập mạp, tay cầm chiếc kéo to, đi từ đầu phố đã nghe thấy âm thanh tiếng kéo. Đó là một bản nhạc riêng biệt, một tiếng nói riêng biệt, tiếng nói của cay chua mặn ngọt bùi chát, tiếng nói dành cho tuổi học trò, cho thanh nữ, cho những thế hệ của Hà thành. Thời gian đã trôi qua rồi, những quán nộm bây giờ vẫn đông đúc, tôi không chắc hương vị có được như ngày xưa không, nhưng tôi vẫn quyết định ngồi xuống và thưởng thức món nộm của hiện tại và hồi tưởng về quá khứ.

Quay ngược trở về lịch sử, vào thời Pháp thuộc con phố nhỏ này mang tên Philharmonique, (nghĩa là phố Hội nhạc) bởi vào thời ấy trên con phố Philharmonique tập trung nhiều nhất các rạp chiếu bóng, các điểm ca nhạc giải trí của Hà Nội. Sau năm 1945 phố được đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm, dân gian thương gọi là ngõ Hàng chè. Trước đây, phố bán chè thuốc lá, bánh kẹo, nên người ta thường gọi nôm na là phố hàng Chè, cũng giống như các “phố Hàng” trong phố cổ như phố hàng Nón, hàng Đường, hàng Khay… những cái tên ấy nó xuất sinh cũng như tâm hồn con người thời xưa vậy.

Trước mặt tôi chính là rạp Philharmonique, ngày xưa là rạp chiếu bóng Hòa Bình được phá sạch đi và thay bằng một rạp múa rối, chính là Nhà hát múa rối ngày nay. Đằng sau lưng tôi là một ngôi nhà ba tầng. Ngôi nhà này từng có thời kỳ là “Quán nghệ sĩ” nổi tiếng. Mấy chục năm gần đây, trở thành hiệu sách dành riêng cho thiếu nhi, và nay là hiệu sách có bán các đồ lưu niệm truyền thống.

Thời gian có bao giờ dừng lại, lúc này đây, tôi cảm nhận được sự vô thường của đời sống, cảnh vật đổi thay, con người cũng đổi thay, nhưng những cái tên của phố cổ của Hà Nội vẫn được giữ nguyên, như phố Hàng Bông, Hàng Thiếc, Hàng Đồng, Hàng Ngang, Hàng Đậu, Hàng Đào, Hàng Rươi… mỗi một con phố mang trong lòng nó là lịch sử, là tâm hồn và đời sống của mỗi con người, là tình yêu và những cuộc chia ly, là kỷ niệm lãng mạn một thời… những hồi ức ấy được ghi lại trên những tấm ảnh đã bạc màu thời gian…

Hồ Gươm vẫn mãi là một biểu tượng của một thủ đô ngàn năm văn hiến với nét đặc trưng là dãy phố cổ bao quanh và phố Hồ Hoàn Kiếm, một con phố ngắn nhất Hà Nội, chỉ vài chục bước chân thôi là đi hết phố, nhưng nó để lại nhiều khám phá thú vị và độc đáo.

Tâm Thanh

Xem thêm: