Thời xưa, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt thường gắn liền với những quy chuẩn mang tính truyền thống. Một cô gái được đánh giá là xinh đẹp, phải là người hội tụ đủ tứ đức. Và trong cái đẹp mực thước ấy, mỗi cô gái đều phải gìn giữ từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, hành động cho thật đoan trang, duyên dáng.

Vẻ đẹp phụ nữ truyền thống gắn liền với Công, Dung, Ngôn, Hạnh

Trong văn hóa truyền thống, chuẩn mực về cái đẹp của phụ nữ Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, trong đó tứ đức Công, Dung, Ngôn, Hạnh luôn được đặt lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa Công (nữ công gia chánh, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm lo cho gia đình êm ấm) mới là ưu tiên số 1. Còn Dung (vẻ đẹp bên ngoài) chỉ đứng hàng thứ 2. Vậy nên có câu:

“Vá may giữ nếp đàn bà

Mũi Kim nhỏ nhặt mới là nữ công”

(Gia Huấn Cao)

“Vá may giữ nếp đàn bà. Mũi Kim nhỏ nhặt mới là nữ công” (Ảnh: truyenxuatichcu)

Còn khi nói về chữ “Dung” trong chuẩn mực truyền thống của phụ nữ Việt thì cô gái nào vóc dáng nhỏ nhắn, cao vừa phải, nước da trắng hồng và mái tóc dài, đen nhánh là hoàn hảo, lý tưởng nhất. Thêm nữa, vẻ đẹp được các thiếu nữ Việt xưa hướng tới là sự nền nã, ăn mặc kín đáo, giản dị. Họ cũng rất ít trang điểm và nếu có thì chỉ trong các dịp lễ hội đặc biệt.

Tứ đại mỹ nhân Hà Thành xưa (Ảnh: nguoihanoi)

Tôi có một người bạn rất xinh đẹp, tài năng mà gia đình lại giàu có. Cô được rất nhiều chàng trai theo đuổi, săn đón, cũng đã từng trải qua nhiều mối tình, nhưng đến nay gần 30 tuổi mà vẫn chưa kết hôn. Những chàng trai đến với cô đa phần đều không quá một năm đều chia tay.

Cô thường gọi điện than thở với tôi rằng đàn ông đều không tinh tế, không biết yêu chiều phụ nữ, khiến cô nhiều lần phải bực mình, cáu gắt. Hiểu tính bạn, tôi nhiều lần nhắc cô nên chú ý cách hành ngôn, không nên nói những lời làm tổn thương người khác, nhưng cô chỉ ậm ừ cho qua rồi đâu lại vào đấy.

Thực ra bạn tôi không phải tuýp con gái dữ dằn gì, chỉ vì từ bé đã quen được cha mẹ cưng chiều nên tính cách có phần “tiểu thư”, lại thêm nói năng không được dịu dàng cho lắm. Nếu xảy ra chuyện không vừa ý, cô thường giận dữ, to tiếng, có khi còn oán trách người khác không hiểu được ý mình.

Nói năng nhã nhặn, đoan trang thể hiện sự tu dưỡng của con người. (Ảnh: hoa hậu Ngọc Trân)

Quả thực, là người phụ nữ thì có thể nói năng đúng mực đúng chỗ hay không là điều vô cùng quan trọng. Rất nhiều phụ nữ cho rằng, khi đối diện với những người yêu thương thì có thể thoải mái bộc lộ cảm xúc nên thường không biết kiềm chế bản thân, ăn nói không có chừng mực.

“Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói

Lời nói không là khói, mà khoé mắt cay cay”.

Thực ra, nói năng nhã nhặn, đoan trang không chỉ là chuẩn mực trong giao tiếp, đó còn là thể hiện sự tu dưỡng của con người, là thể hiện của tấm lòng rộng lượng, biết nghĩ cho người khác, vậy nên tứ đức là không thể thiếu “Ngôn”.

Đức hạnh của người phụ nữ là chìa khóa cho một gia đình êm ấm, bình yên.(Ảnh: hoa hậu Ngọc Trân)

Trong tứ đức cũng có “Hạnh”. Đó là đức tính thủy chung son sắt, kính trên nhường dưới, yêu thương gia đình, đồng loại, giữ trọn nền nếp gia phong luôn được đề cao trong văn hóa truyền thống. Đức hạnh của người phụ nữ được thể hiện qua các mối quan hệ: vợ – chồng, cha mẹ – con cái… là chìa khóa cho một gia đình êm ấm, bình yên.

Và, vẻ đẹp phụ nữ trong dòng chảy hiện đại…

Không thể phủ nhận rằng, thời đại ngày nay, từ những chuẩn mực về cái đẹp cho đến thời trang, phong cách của phụ nữ đã thay đổi khá nhiều so với xưa kia. Nhưng, điều đó đôi khi cũng khiến phụ nữ bị “ngợp”. Họ thường xuyên phải thay đổi kiểu tóc, làm mới lại tủ quần áo, mua thêm mỹ phẩm, nước hoa… để theo cho kịp với xu thế làm đẹp liên tục thay đổi mỗi năm. Rồi lại đến việc phát triển của ngành phẫu thuật thẩm mỹ càng khiến việc làm đẹp của phụ nữ chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Nâng mũi, gọt cằm, cắt mí, bơm môi… được coi là những tiểu phẫu đơn giản, hơn nữa cũng không quá tốn kém.

Thượng Đế khi sinh ra phụ nữ đã mặc định là phái đẹp rồi mà! (Ảnh: hoa hậu Ngọc Trân)

Hãy làm bản thân đẹp nhất có thể, tất nhiên điều đó là đúng và rất nên làm, nhưng mà, phụ nữ à, cái gì cũng cần có điểm dừng chứ chớ nên lạm dụng. Chỉ cần một kiểu tóc phù hợp, một cây son ưng ý, make up nhẹ nhàng, học cách dưỡng da hay sinh hoạt khoa học để cơ thể khỏe mạnh, khuôn mặt rạng rỡ, như vậy là đủ đẹp và cuốn hút rồi, Thượng Đế khi sinh ra phụ nữ đã mặc định là phái đẹp rồi mà!

Nét đẹp dịu dàng, đằm thắm và giản dị vẫn luôn là điều mà mỗi người phụ nữ đều hướng tới. (Ảnh: hoa hậu Ngọc Trân)

Nếu như tứ đức ngày xưa là khuôn vàng thước ngọc, là cái chuẩn để người phụ nữ suốt đời tu dưỡng, giữ gìn thì ngày nay vẻ đẹp của người phụ nữ được đánh giá dựa trên sự hòa hợp giữa hình thể, trí tuệ và tâm hồn.

Phụ nữ ngày nay có thể không còn đi guốc mộc, đội nón lá, tóc đen dài tha thướt hay gội đầu bằng bồ kết, lá bưởi như xưa nhưng nét đẹp dịu dàng, đằm thắm và giản dị vẫn luôn là điều mà mỗi người đều hướng tới, bởi chẳng ai muốn trở thành một cô gái lòe loẹt, kém duyên và đẹp nhân tạo!

Vẻ đẹp của người phụ nữ ngày nay được đánh giá dựa trên sự hòa hợp giữa hình thể, trí tuệ và tâm hồn. (Ảnh: hoa hậu Ngọc Trân)

Phụ nữ ngày nay cũng có thể không còn vất vả với công việc trong gia đình như trước nữa bởi đã có chồng chia sẻ, hoặc thuê người giúp việc… thế nhưng, chuyện bếp núc, chăm sóc con cái vẫn không thể nào thiếu bàn tay người phụ nữ. Họ có thể là những người rất giỏi giang, thành đạt ngoài xã hội, nhưng khi trở về, họ vẫn cần là những người mẹ hiền, vợ đảm, là người “xây tổ ấm”, là người giữ lửa trong gia đình.

Chăm chỉ đọc sách có thể giúp phụ nữ hiểu về cuộc đời cũng như thấu hiểu bản thân nhiều hơn, từ đó mà tìm ra kim chỉ nam cho chính mình. (Ảnh: đkn)

Đặc biệt, phụ nữ ngày nay càng cần bồi đắp trí tuệ cho bản thân hơn bao giờ hết. Đứng trước biển thông tin lộn xộn trong một xã hội xô bồ, người phụ nữ cần đủ thông minh, hiểu biết để không bị lạc đường quên lối. Chăm chỉ quan sát, học hỏi và đọc sách có thể giúp phụ nữ hiểu về cuộc đời cũng như thấu hiểu bản thân nhiều hơn, từ đó mà tìm ra kim chỉ nam cho chính mình.

Thiện Nam