Nấm không chỉ là món ăn phổ biến vì mùi vị thơm ngon, chứa hàm lượng dinh dưỡng phong phú, mà chúng còn được ưa chuộng vì có tác dụng phòng chữa bệnh. Nấm có thể tăng cường khả năng miễn dịch, chống ung thư, chống AIDS….

Chế phẩm AHCC (Active Hexose Correlated Compound) là một loại thực phẩm chức năng chế từ các vi sợi nấm hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đang rất được ưa chuộng ở Mỹ và Châu Âu.

Nấm hương: còn gọi là nấm đông cô, được mệnh danh là “thuốc kháng ung thư thiên nhiên”, dân gian còn xưng tụng nó là “hoàng hậu thực vật”, là “vua của các loại rau” (can thái chi vương).

Hình ảnh cây nấm hương. (Ảnh: wiki)

Nấm hương giàu đạm, vitamin và khoáng chất. Trong 100 g nấm hương khô có 12-14 g protein (vượt xa so với nhiều loại rau khác). Nó cũng là loài nấm chứa hàm lượng Vitamin D cao nhất. Trẻ nhỏ được ăn nấm hương thường xuyên sẽ tăng khả năng hấp thụ canxi, thúc đẩy sự phát triển của xương, giúp xương cứng chắc và nhanh cao lớn.

Nấm hương có chứa lentinan – một loại polysacchride có đặc tính chống khối u. Letinan kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu, giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống ung thư. Ngoài ra, letinan còn hỗ trợ quá trình hóa trị liệu ung thư.

Nấm hương là loại thực phẩm lý tưởng cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, trẻ em suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng trong nấm hương khô có thể bị phân hủy lãng phí nếu không sơ chế đúng cách. Trước khi chế biến, ta nên rửa sạch, ngâm với 1 ít nước ấm, sau khi nấu có thể tận dụng luôn nước ngâm nấm, không nên đun nấu lâu, vừa chín tới là được.

Nấm sò: hay nấm bào ngư – có chứa các pleurotus polysaccharide có tác dụng tăng cường tiêu hóa, giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra, trong nấm sò còn có nhiều taurine – thành phần của dịch mật nên chúng có khả năng hòa tan cholesterol, tăng tiêu hóa và hấp thụ lipid, do đó chúng được dùng để phòng chống và hỗ trợ điều trị các bệnh nhân mỡ máu cao và gan nhiễm mỡ.

Nấm sò. (Ảnh: vatgia)

Theo Đông y, nấm sò còn có tác dụng thư cân, hoạt lạc, rất thích hợp với người cao tuổi hay mắc các bệnh thoái hóa đốt sống lưng, đau lưng …

Có thể chế biến nấm sò bằng cách nấu lẩu, xào thịt, hầm xương , rang trứng … vừa có tác dụng ích khí bổ khí lại tăng cường khả năng miễn dịch.

Nấm kim châm: “Não hoàng kim” – chứa nhiều lysine – một acid amin thiết yếu có tác dụng rất tốt trong việc phát triển đại não, thích hợp với trẻ em đang phát triển về chiều cao và trí tuệ. Ngoài ra loại nấm này còn chứa nhiều kẽm (Zn), kali (K), ít natri (Na) nên thích hợp với cả những người cao tuổi mắc bệnh tăng huyết áp.

Nấm kim châm. (Ảnh: wiki)

Nấm kim châm hay được dùng để làm món nộm hoặc ăn kèm lẩu. Tuy nhiên, khi sử dụng nấm kim châm cần lưu ý:

– Khi mua tránh chọn nấm có màu trắng tinh bất thường có thể nấm đã bị tẩy bằng diêm sinh.

– Tránh ăn sống hoặc tái loại nấm này bởi nấm kim châm tươi có chứa conchixium (colchicine), trong dạ dày chất conchixium sẽ bị oxy hóa thành một chất độc kích thích niêm mạc đường tiêu hóa và đường hô hấp, sau khi ăn khoảng 30 phút đến 2 giờ có thể xuất hiện các chứng : khô họng, buồn nôn, nôn, đau bụng, đi ngoài; nếu nặng có thể sốt, rối loạn điện giải, mất nước, đái máu, ỉa ra máu… Tuy nhiên, conchixium dễ tan trong nước ở nhiệt độ cao, vì thế tốt nhất trước khi ăn, nên ngâm nấm trong nước lạnh có hòa tan muối ăn, đun kỹ (khoảng 6, 7 phút) để tránh ngộ độc.

Nấm kim châm có vị ngọt, tính mát nên người có biểu hiện của tỳ vị hư hàn (hay đầy trướng bụng, ợ hơi, chán ăn, đi ngoài phân nát …) tránh ăn nhiều loại nấm này.

Nấm đầu khỉ: “Chiếc ô bảo vệ đường tiêu hóa” – Về tác dụng tu bổ và bảo vệ đường tiêu hóa ít nấm nào vượt qua được loại nấm đầu khỉ, bởi chúng chứa nhiều loại acid amin và đường (polysaccharide), có tác dụng trợ tiêu hóa, an thần, bình suyễn, giúp tái tạo cơ trơn, bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa và hen suyễn nên ăn loại nấm này.

(Ảnh: linhchi)

Khi chế biến, tốt nhất nên chần nấm đầu khỉ trước khi cho vào xào nấu, thậm chí nên giã nát chúng rồi mới chế biến giúp cho các thành phần dinh dưỡng dễ dàng phân giải hơn. Loại nấm này nếu được tần với thịt gà không những có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ.

Nấm rơm: Còn gọi là bình cô, lan hoa cô, ma cô…, là “vị thuốc giải độc” bởi các thành phần của nó có thể kết hợp với các gốc tự do như chì, asen, benzen, … và theo đường nước tiểu đào thải ra ngoài. Loại nấm này rất tốt cho người bệnh cao huyết áp, tiểu đường, ung thư hoặc các bệnh về tim mạch. Nếu mua nấm rơm dưới dạng đóng hộp, đôi khi ta thấy có mùi vị hơi khó chịu, khi đun nấu có thể nấu kỹ một chút để khử mùi lạ này.

StrawMushroom.jpg
Cây nấm rơm. (Ảnh: wiki)

Nấm mèo (mộc nhĩ đen): Còn gọi là vân nhĩ, thụ kê, mộc nhu, mộc khuẩn… Mộc nhĩ đen chứa nhiều sắt, làm mượt tóc, đẹp da, người bị thiếu máu do thiếu sắt nên ăn loại nấm này. Vitamin K chứa nhiều trong mộc nhĩ ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu, phòng chống tình trạng đông máu do nghẽn mạch. Các tài liệu nghiên cứu về mộc nhĩ chỉ ra rằng chất keo trong mộc nhĩ có tác dụng bài trừ các chất độc, cặn bẩn ra khỏi ống tiêu hóa, làm sạch đường ruột và bài giải các chất sỏi cặn như sỏi mật, sỏi tiết niệu.

Theo từ điển bách khoa Baidu của Trung Quốc, mộc nhĩ còn có khả năng làm tan các chất khó tiêu trong dạ dày kể cả vụn gỗ, vụn kim loại, tóc, vỏ giáp xác … nếu vô ý nuốt phải. Các nhà khoa học khuyên rằng công nhân làm việc tại các nhà máy hóa chất, công trường khai thác quặng, công nhân dệt nên thường xuyên ăn loại nấm này.

Auricularia polytricha.jpg
Mộc nhĩ (Ảnh: wiki)

Nấm mỡ: có tên gọi khác là nhục tẩm, bạch ma cô, dương ma cô…, cũng là một trong những loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao, bởi nó chứa 17% protein, 5,8% lipid, 8,6% là chất xơ, rất nhiều acid amin trong đó có đủ 8 loại acid amin thiết yếu cho cơ thể (glutami acid, valine, proline, alanine, leucine, lysine, ornithine và arginine), giàu Vitamin B1, B2, C và PP…

Nấm mỡ. (Ảnh: danviet)

Đông y cho rằng nấm mỡ vừa có tác dụng bổ ích đường tiêu hóa, lí khí giảm đau, lại bồi bổ cơ thể nâng cao miễn dịch. Y học hiện đại cũng chứng minh được thành phần polyol (rượu đa) có tác dụng với chứng tăng đường huyết, còn đường đa trong nấm mỡ lại ức chế hình thành các u thịt (polip). Vì thế nấm mỡ còn là thức ăn hỗ trợ trong việc điều trị tiểu đường và ngăn ngừa ung thư.

Tốt nhất nên ăn nấm mỡ tươi, vừa được thưởng thức mùi vị tươi ngon, lại giữ được thành phần dinh dưỡng vốn có.

Hương Giang