3 tháng trước, nữ bệnh nhân N.T.C.N (29 tuổi, Vĩnh Long) đi kiểm tra sức khỏe định kỳ và phát hiện bị ung thư cổ tử cung, cần phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên, do mới đính hôn, nên nữ bệnh nhân N. quyết không cắt bỏ tử cung.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM trao đổi với Người Lao Động, bệnh nhân nhiễm HPV type 16, bị carcinom tế bào gai xâm lấn của cổ tử cung. Mặc dù được chỉ định phẫu thuật, nữ bệnh nhân đã kiên quyết từ chối với mong muốn có con.

Nữ bệnh nhân 28 tuổi ở Vĩnh Long mắc ung thư quyết không cắt bỏ tử cung để sinh con
(Ảnh: VnExpress)

Tiến sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM cũng cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại 1 của bệnh viện, đã hội chẩn về phương án điều trị và quyết định lần đầu thực hiện cắt cổ tử cung chừa lại thân tử cung.

Về mặt kỹ thuật, phẫu thuật này rất phức tạp, phải đảm bảo diện tích cắt phần cổ trong cổ tử cung an toàn về mặt ung thư, đặc biệt cắt âm đạo vào thân tử cung phải đúng chuẩn để tử cung có thể giữ thai sau này.

Nếu phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc chừa lại thân tử cung để mang thai và sinh nở, có hai vấn đề có thể xảy ra. Một là ung thư có thể tái phát sau mổ, sẽ phải mổ lại và cắt tử cung tận gốc.

Hai là nếu phẫu thuật bảo tồn thành công, thì khả năng mang thai theo con đường tự nhiên chỉ khoảng 40-50 %.

Ngày 10/7, sau 4 giờ phẫu thuật, nữ bệnh nhân đã được các bác sĩ cắt cổ tử cung tận gốc chừa lại thân tử cung.

Các bác sĩ cũng cho biết thêm, nữ bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, mới chỉ dị sản cổ tử cung độ 3 và vài vị trí có tình trạng tế bào ung thư xâm lấn. Để chắc chắn, sau khi có em bé, bệnh nhân cần theo dõi sát hoặc tiến hành cắt tử cung để giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Phương Nam