Nấm rơm là loại thực phẩm khá quen thuộc, dễ chế biến và kết hợp để thành nhiều món ăn ngon. Đây không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, còn có tác dụng chữa bệnh.

Nấm rơm còn gọi là nấm rạ, nấm mũ rơm. Đây là loại nấm rất phổ biến ở khu vực châu Á. Ở Việt Nam, nấm rơm xuất hiện từ Bắc vào Nam. Nấm rơm có 2 loại là nấm rơm mọc tự nhiên và nấm rơm nuôi trồng. Vì nấm mũ rơm mọc tự nhiên rất ít nên số lượng không đủ để phục vụ nhu cầu thị trường. Nấm rơm trong tự nhiên thường mọc đơn độc hoặc dày từng cụm trên rơm, rạ. Ở những nơi có nhiều mùn cưa vào mùa hè nóng ẩm. Sau mỗi cơn mưa, nấm bắt đầu mọc lên từ những lớp rơm, rạ ẩm ướt. Do đó, người dân thường tự trồng nấm theo quy trình để tăng sản lượng nấm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thành phần dinh dưỡng của nấm rơm khá phong phú, trong 100g nấm rơm khô chứa 21 – 37 g chất đạm; 2,1 – 4,6 g chất béo; 9,9 g chất bột đường; 21 g chất xơ; rất nhiều yếu tố vi lượng như canxi, sắt, photpho, các vitamin A, B1, B2, C, D, PP… Trong 100g nấm rơm tươi chứa 90% nước, 3,6% đạm, 0,3% chất béo, 3,2% chất đường, 1,1% chất xơ (cellulose), 0,8% tro, 28mg% Ca, 80mg% P, 1,2% Fe… Với thành phần nhiều dinh dưỡng, nấm rơm không chỉ là thức ăn tuyệt vời, còn có thể chế biến nhiều “thực phẩm chức năng”, món ăn “thuốc” để hỗ trợ chữa bệnh, đặc biệt với các bệnh nội tiết chuyển hóa như: Béo phì, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

Theo Đông y, nấm rơm có vị ngọt, tính hàn có công năng bổ tỳ, ích khí, tiêu thực, khử nhiệt, tăng sức đề kháng, hạ cholesterol máu. Chủ yếu dùng tươi làm thuốc điều trị xuất tinh sớm, gan nhiễm mỡ, suy giảm trí nhớ, tăng cường sức khỏe…

Nấm rơm vị ngọt, tính bình, chứa nhiều vitamin A, B1, B2, PP, D, E, C và bảy loại axit amin. (Ảnh: khoedep.plus)

Nấm rơm có tính mát, vị ngọt giúp thanh nhiệt, điều hòa huyết áp và chống lại các loại u bướu. Các dưỡng chất trong nấm giúp dẫn lưu máu tốt hơn, ổn định các chỉ số quan trọng trong cơ thể như áp lực máu, lưu lượng máu.

Nấm chứa các chất trợ tim (đặc biệt là polysaccharide), giúp điều hòa huyết áp hiệu quả. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ kích thích sản sinh chất Cytokines một chất trung gian trong quá trình hoạt hóa miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các virus, vi khuẩn có hại là nguy cơ hình thành các loại u bướu. Hàm lượng axit amin phong phú trong nó tốt cho cơ thể hơn cả trong thịt bò và đậu tương. Đây cũng là thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng và sỏi mật.

Món ăn bài thuốc từ nấm rơm

* Món ăn tốt cho dạ dày, Tỳ vị suy yếu, chống ung thư: Dùng món canh nấm rơm gồm 2 bìa đậu phụ, 300 – 500 g nấm tùy người ăn, giá đỗ, hành hẹ và các gia vị cần thiết. Rửa sạch nấm và để ráo nước. Chần đậu phụ qua nước sôi rồi cắt thành miếng vừa ăn. Giá đỗ cắt chân, rửa sạch. Phi nấm rơm với hành và chút muối. Cho nước dùng vào và thả đậu phụ cùng, nêm gia vị vừa ăn, đun thật sôi rồi tắt bếp, bỏ lá hẹ và thưởng thức.

* Chữa di tinh, hoạt tinh và tốt cho người yếu sinh lý: Dùng món nấm rơm xào tôm, rau dền gồm 200 g nấm vừa đủ ăn, 300 – 400 g tôm bóc vỏ, 400 g rau dền. Hành và các gia vị cần thiết (mắm, muối, mì chính, tương…). Sơ chế và rửa sạch nấm, rau dền. Phi thơm hành tỏi rồi cho rau dền vào xào chín tới, nêm gia vị rồi múc ra đĩa. Bắc một chảo khác lên xào chín tôm bóc vỏ, nêm gia vị đủ ăn rồi bỏ nấm rơm vào đảo cho chín tới. Đổ lên đĩa rau dền, trộn đều và thưởng thức.

* Món nấm rơm xào thịt bò bổ máu, tốt cho người thiếu máu: Gồm nấm rơm, thịt bò đủ ăn (tùy số lượng người ăn), hành, tỏi và các gia vị cần thiết. Ướp thịt bò với gừng, tỏi, mắm, muối. Sau đó, phi thơm hành, tỏi bỏ thịt bò vào xào chín tới. Cuối cùng, bỏ nấm rơm vào xào chung, chín vừa đủ là được.

Nấm rơm có thể hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả. (Ảnh: lozi.vn)

Lưu ý:

– Không được rửa quá kỹ vì sẽ làm mất đi các dưỡng chất và bị nhạt.

– Không nấu dưới nhiệt độ thấp vì khi được nấu ở nhiệt độ thấp sẽ tiết ra nhiều nước, làm mất mùi vị, màu sắc cũng như thẩm mỹ của món ăn.

– Không nên nấu trong nồi nhôm làm nấm sẽ bị ngả sang màu thâm đen. Hương vị của nấm không còn nguyên vẹn và dễ gây bệnh về đường tiêu hóa.

– Hạn chế dùng chung với quá nhiều dầu ăn vì nấm mũ rơm hấp thụ dầu ăn rất dễ. Nó sẽ cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng gây đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày.

– Không nên dùng chung với đồ lạnh sẽ bị đau bụng.

– Nên giữ lại nước ngâm nấm rơm khô vì trong đó chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Kiên Định
Nguồn tham khảo: Sức khỏe & Đời sống