Ngày 14/6, bác sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, bệnh viện đã phẫu thuật gắp chiếc đinh sắt ra khỏi tá tràng bệnh nhi N.V.L. (9 tuổi, Tp. Móng Cái, Quảng Ninh).

Theo Phụ nữ Việt Nam, sáng 13/6, trong lúc chơi ở nhà, bé L. đã vô ý nuốt phải chiếc đinh sắt. Phát hiện sự việc, gia đình đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Bé L. nhập viện trong trạng thái không đau bụng, không sốt, không nôn, chưa đại tiện…

Gắp chiếc đinh sắt dài 3 cm trong bụng bé trai 9 tuổi ở Quảng Ninh
(Ảnh: Sức khỏe và Đời sống)

Kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện dị vật cản quang trong lòng tá tràng vị trí ngang L1-L2 và chỉ định phẫu thuật lấy dị vật cho trẻ. Sau ca mổ, bé L. tiếp tục được theo dõi tại Khoa Gây mê hồi tỉnh bệnh viện.

Trao đổi với Sức khỏe và Đời sống, bác sĩ Lê Thanh Chương – Khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hóc dị vật là tai nạn khá thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong dịp nghỉ hè. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca… Dị vật thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, bi sắt, đồ ăn. Một vài trường hợp, trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, đinh ghim… đe dọa gây thủng thực quản gây nguy hiểm đến tính mạng.

Các chuyên gia cảnh báo, khi bị sặc, hóc dị vật, nếu để lâu có thể dẫn đến tình trạng ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc áp xe quanh dị vật. Nguy hiểm hơn, khi bị sặc, dị vật chui vào đường thở, có thể bịt đường thở, gây suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.

Qua trường hợp trên, các bậc phụ huynh cần quan sát, hạn chế để trẻ chơi một mình và tiếp xúc các đồ vật dễ nuốt. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, kiểm soát các vật dụng bé chơi, tránh trường hợp đáng tiếc lại xảy ra.

Phương Nam