Sau khi mẹ mất do không được cứu chữa kịp thời, người đàn ông ấy bắt đầu làm dịch vụ cấp cứu bằng chiếc xe mua trả góp của anh để giúp những người dân trong làng. Một người đàn ông bình thường nhưng đã mang hy vọng đến cho người nghèo khổ bằng cách giúp họ có được một cơ hội sống sót.

Anh Karrimul Haque ở Ấn Độ là một người dân nghèo, làm nghề trồng chè ở một nông trường. Tuy nhiên, đối với những người dân trong làng, người đàn ông bình dị này lại là người hùng của họ. Bao năm qua, dù nắng hay mưa, mệt mỏi hay khỏe mạnh, anh chưa bao giờ ngần ngại giúp đỡ những người dân ốm đau, bệnh tật bằng chiếc ‘xe máy cứu thương’ của mình.

Anh Karrimul Haque đã giúp đỡ biết bao người dân nghèo khó bằng chiếc xe máy cứu thương của mình

Những việc anh làm là sơ cứu bệnh nhân và đưa họ đến bệnh viện đúng lúc để được chữa trị khẩn cấp. Mọi chi phí trong quá trình ấy đều sử dụng tiền của chính anh.

Ngày 26 tháng Một năm 2017, anh Karimul đã được Tổng thống Ấn Độ vinh danh vì hành động nhân đạo của mình. Anh được trao giải thưởng “Padma Shri” – giải thưởng dành cho công dân cao quý thứ tư ở nước Cộng hoà Ấn Độ.

Suốt bao nhiêu năm qua, với những người dân trong làng, anh Karimul chính là người hùng của họ.

Anh Karimul 50 tuổi làm việc cho một nông trường trồng chè ở Jalpaguri, Ấn Độ và thu nhập của anh khoảng 75 đôla mỗi tháng. Trong lúc anh đang làm việc, nếu nhận được cuộc gọi cấp cứu, người quản lý rộng lượng sẽ đồng ý để anh đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Đã hơn 14 năm anh rong ruổi trên mọi nẻo đường để thực hiện sứ mệnh cứu những sinh mệnh nghèo khổ đau ốm nhưng lại vô cùng đáng trân quý.

Mỗi khi được hỏi về động lực giúp anh không ngại muôn vàn khó khăn kiên trì làm công việc này, anh Karimul lại thấy ngậm ngùi và xót xa. Câu chuyện bắt đầu từ khi mẹ anh ốm nặng và anh không thể đưa bà tới bệnh viện đúng lúc để cứu chữa cho bà.

“Mẹ tôi đã mất vì tôi không thể đưa bà đến bệnh viện đúng lúc. Tôi không muốn bất kỳ ai khác phải đối mặt với tình huống tương tự nữa. Và thế là tôi nảy ra ý tưởng chạy một chiếc xe cấp cứu miễn phí,” anh nói với tờ Deccan Chronicle.

“Chỉ có một bệnh viện chính phủ trong thành phố của tôi có dịch vụ cấp cứu và điều trị cho những người bị bệnh nhẹ. Vì thế chúng tôi thường chạy 45 km để tới thành phố,” anh nói.

Nỗi bất hạnh của bản thân đã mang đến cho anh động lực giúp đỡ, nâng niu những người cùng khổ khác

Anh đã vay tiền để mua chiếc xe và đang cố gắng trả hết số còn nợ bằng một phần tiền lương ít ỏi của mình. Anh còn phải cân đối tiền nong để tiếp tục sứ mệnh này đồng thời dành dụm tiền để trả tiền xăng, tiền sửa chữa, tiền cấp cứu và chăm sóc gia đình. Chỉ 75 đôla thu nhập một tháng, anh Karimul luôn chắt chiu từng chút từng chút một. Anh tình nguyện làm công việc này, nhưng giờ đây anh đã coi nó là trách nhiệm của mình.

Hy sinh bản thân và nghĩ cho người khác, trải qua nỗi bất hạnh của chính mình nhưng không quên nỗi bất hạnh của người khác, biến những đau thương thành tình thương, những gì anh Karimul đang làm là biểu hiện chân thực của thiện ý, thiện niệm, thiện tâm. Chỉ có tấm lòng lương thiện và sự yêu thương vô tư dành cho người khác mới có thể cho con người sức mạnh giúp đỡ, cưu mang mà không quản ngại khó khăn.

Gần đây, một vài người tốt bụng nghe nói về những cố gắng giúp đỡ mọi người của anh đã tặng anh tiền để trả nợ. “Tôi nhận được trợ giúp từ các giáo viên trường phổ thông, cảnh sát và đôi khi cả các sinh viên nữa. Điều đó giúp gây quỹ điều trị bệnh cho những người nghèo,” anh nói.

Mỗi tháng anh chở khoảng 100 bệnh nhân tới bệnh viện bằng chiếc xe máy của mình. Với vài người bệnh, anh phải để họ nằm trên một chiếc xe chở hàng bốn bánh nối vào xe máy. Anh vẫn âm thầm, lặng lẽ như thế, không cần vinh danh hay kể thưởng, nhưng với những người dân trong làng, anh là người hùng của họ, là người họ tôn vinh và trân quý nhất.

Một việc làm thấm đượm tình người, tưởng chừng đơn giản nhưng đối với người công nhân nghèo như anh Karimul, đó lại là tất cả những gì anh có thể cho đi. Anh đã cống hiến tâm ý, sức lực, tiền bạc và cả tấm lòng anh cho những con người bất hạnh, nghèo khổ phải vật lộn với sự sống, khát khao có thể sống nhưng đôi khi lực bất tòng tâm. Phải chăng những người cùng khổ thường thương nhau hơn?

Có lẽ lời hồi đáp tốt đẹp nhất cho những nỗ lực của anh Karimul chính là những người nghèo ở quê hương của anh sẽ sớm được hưởng những nhu cầu tối thiểu cần có, được chăm sóc và thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chúng ta hãy cùng nhau hy vọng và mong chờ những trái quả ngọt lành được gieo trồng từ hạt giống thiện lương của anh Karimul sẽ tiếp tục mang đến những điều vĩ đại…

Nguồn ảnh: Thelogicalindian

Tuấn Vũ – Thiên Chân

Xem thêm: