Trải qua 5.000 năm lịch sử, nền văn hóa truyền thống của Trung Hoa đã đạt tới đỉnh cao cực thịnh, đưa quốc gia này trở thành dân tộc đứng đầu “Lễ nghi chi bang” với những lễ tiết và nghi thức hàm dưỡng văn hóa tinh thần. Đám cưới truyền thống cũng là một trong báu vật để đời truyền lại cho hậu thế.  

Biểu tượng Song hỷ 

Biểu tượng Song Hỷ được xem là đem đến nhiều may mắn và hạnh phúc. (Ảnh dẫn qua Mala)

Trong tiếng Trung, hai chữ “双 喜” có nghĩa là song hỷ, bằng cách ghép đôi 2 chữ Hỷ  với nhau sẽ tạo thành chữ Hỷ mới 囍. Câu chuyện này gắn liền với điển tích nổi tiếng kể về Vương An Thạch báo tin mừng cho bà con dân làng biết mình vừa đỗ Trạng nguyên lại lấy được vợ hiền, tức song hỷ. 

Trong đám cưới truyền thống Trung Quốc, màu đỏ tượng trưng cho điềm lành, tình yêu, hạnh phúc và phú quý. Biểu tượng đỏ ẩn chứa trong đó tất cả những ý nghĩa tốt lành này, đồng thời cũng nhắc nhở người ta rằng khi đã yên bề gia thất, người đàn chồng và người vợ cũng cần phải gánh vác việc của nước của dân. 

Long phụng trình tường 

Long phụng trình tường trên bát. (Ảnh Peabody Essex Museum)

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, rồng là “Thần thú tôn quý” biểu tượng của quyền uy và sức mạnh, phượng là “bách điểu chi vương” tức vua của các loài chim, mang hình ảnh của cát tường quý phái. Khi long phượng xum vầy là điềm báo của một đất nước thái bình, thịnh trị, gia đình no ấm, hạnh phúc giàu sang, cát tường may mắn.  

Sự đồng thời tồn tại một cách hòa thuận của hai linh vật huyền thoại là biểu hiện cho cuộc hôn nhân thuận hòa cùng lời cầu chúc tốt đẹp dành tặng cô dâu và chú rể.

Lễ phục cưới truyền thống

Dù đất nước rộng lớn và có nhiều dân tộc khác nhau, người Trung Quốc vẫn sử dụng trang phục cưới truyền thống được thêu lên các họa tiết rồng phượng. 

Trang phục của cô dâu là Cheongsam (áo dài) tức là chiếc áo khỏa có thêu hình chim phượng, trang phục của chú rể với chiếc áo bên ngoài có thêu hình rồng; với mong ước cuộc sống vợ chồng hòa hợp như âm dương. 

Hoa cưới truyền thống 

Trong đám cưới Trung Hoa truyền thống, màu trắng rất hiếm xuất hiện. Vì vậy, người ta tránh dùng hoa cưới màu trắng, thứ tượng trưng cho cái chết và đám tang.

Các loại hoa như mẫu đơn, thủy tiên vàng, hoa lan và hoa sen thường được dùng làm hoa cưới và hoa trang trí trong lễ cưới. Những loại hoa này có ý nghĩa đặc biệt trong truyền thống Trung Quốc – hoa mẫu đơn biểu tượng cho sự giàu sang và quyền quý, thanh cao; hoa thủy tiên vàng tượng trưng cho mùa xuân và sự đổi mới; hoa lan là sắc đẹp và hương thơm; hoa sen biểu trưng cho tình yêu. Hoa sen cũng là biểu tượng cho sự tinh khiết trong đạo Phật.

Món ăn truyền thống 

Trong đám cưới truyền thống của người Trung Quốc, món ăn được lựa chọn rất đặc biệt, bao gồm đậu đỏ, quả chà là đỏ, nhãn sấy khô, lạc và hạt sen.  

(Ảnh dẫn qua Xfwed)

Đậu đỏ được chế biến thành món bột đậu, là món ăn ngọt dùng tráng miệng, thể hiện mong ước một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Quả chà là đỏ, nhãn sấy khô, lạc và hạt sen là tượng trưng cho cuộc sống bền lâu, đông con nhiều cháu, hôn nhân hòa thuận và giàu sang.

Theo truyền thống cổ xưa, chà là đỏ, long nhãn, lạc, hạt sen – cùng các loại trái cây như cam và lựu – được đặt rải rác trên giường cô dâu, với lời chúc cặp đôi sớm có một đứa con đầu lòng khỏe mạnh.  

Lễ đón dâu náo nhiệt

Theo phong tục truyền thống, đốt pháo trong lễ cưới nhằm xua đuổi những tà ma. Sau khi ma quỷ đã bị đuổi sạch, mọi người có thể thoái mái tận hưởng hạnh phúc.

(Ảnh dẫn qua Blog.sina)

Đốt pháo thường hay xuất hiện trong các đám cưới của người Trung Quốc. Pháp nổ càng to thì may mắn đến với cặp đôi càng nhiều. Chiêng, trống và rất nhiều thanh âm ồn ào bắt đầu diễn ra từ nhà chú rể cho tới nhà chô dâu, xua đuổi bất kỳ ma quỷ nào có thể gây hại tới hạnh phúc lứa đôi. 

Cũng tương tự như đám cưới của người Việt Nam, bên nhà trai sẽ đến đón cô dâu về nhà mới biểu hiện cô đã trở thành thành viên mới trong gia đình. 

Mái tóc thề

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, tóc thường được coi là lời nguyện ước của tình yêu. Cô dâu và chú rể sẽ cắt một đoạn tóc của họ, thắt lại quyện vào nhau và giữ lại trong một chiếc túi thêu họa tiết đẹp mắt; với mong ước đôi lứa sẽ gắn bó keo sơn, chung thủy.

(Ảnh dẫn qua sd.ifeng)

Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, tóc thường được coi là lời nguyện ước của tình yêu hoặc báo hiệu cho hôn ước vì tóc của một người là đại diện cho người ấy. Cô dâu và chú rể cắt một đoạn tóc của họ, rồi nối nó với nhau và để vào một chiếc túi cho cô dâu giữ. Tục này trong đám cưới nghĩa là hai người đã gắn chặt với nhau, trở nên không thể chia rời và sẽ dành phần đời còn lại bên nhau.

Văn hóa truyền thống là báu vật tinh thần mà người xưa dành lại cho đời sau. Nó thể hiện đời sống tinh thần, tình cảm cũng như mong ước của cha ông và nó gắn chặt với đời sống tâm linh, mối quan hệ giữa con người và đấng siêu nhiên. Ngày nay, những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một trước sự đổi thay của cuộc sống hiện đại. Nhiều phong tục, tập quán xưa nay đã bị biến tướng hoặc chỉ còn lại lớp vỏ hình thức bởi những ý nghĩa tốt đẹp, chân thực, làm nên hồn cốt của nó đã không còn được lớp hậu sinh biết đến. Bởi vậy, việc giữ gìn và khôi phục những nét đẹp của văn hóa truyền thống sẽ giúp ta trở về những giá trị cốt lõi của con người.

Theo Vission Times,

Vy Huy biên dịch