Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ tất cả chúng ta đều đã ý thức sâu sắc được sự ảnh hưởng của các chất thải nhựa không phân huỷ đến môi trường, và những nỗ lực tìm kiếm những sản phẩm nhựa có khả năng phân huỷ sinh học đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. 

Lucy Hughes, sinh viên năm thứ 4 Đại học Sussex, đã tạo ra một vật liệu có thể thay thế nhựa không phân huỷ làm từ chất thải hữu cơ của ngành công nghiệp đánh bắt cá và tảo đỏ.

Cô gái 23 tuổi đến từ Twickenham, Vương quốc Anh đã đặt tên cho vật liệu là Marinatex với hy vọng nó có thể thay thế các màng nhựa xả ra đại dương của chúng ta. Loại nhựa sinh học mới này bền hơn túi nhựa, không chứa độc tố và hoàn toàn có thể phân hủy.

Lucy nói: “Thật vô nghĩa khi chúng ta sử dụng nhựa – một vật liệu cực kỳ khó phân huỷ cho các sản phẩm có vòng đời ngắn, thậm chí là dưới một ngày.” Thật đáng tiếc điều này lại là một thực tế hiển nhiên ở hầu hết các quốc gia trên thế giới!

Tất nhiên, Lucy không đơn độc, bởi rất nhiều đã ý thức được vấn đề nghiêm trọng này. Những cộng đồng tiên phong về nhựa sinh học đang phát triển và nỗ lực để tìm giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc của chúng ta vào nhựa. 

Với Marinatex, chúng ta có thể biến chất thải trong ngành công nghiệp đánh bắt cá thành nguyên liệu chính của sản phẩm mới, ý nghĩa là thiết thực hơn. Chúng tôi có thể tạo ra một vật liệu giống như nhựa trong suốt, đủ độ bền và quan trọng hơn là có vòng đời ngắn thay thế cho nhựa không phân huỷ.

Lần đầu tiên Lucy có ý tưởng về Marinatex là sau khi đến thăm một công ty đánh cá, nơi cô tận mắt nhìn thấy lượng chất thải hữu cơ (chủ yếu là da cá) do ngành công nghiệp sản xuất này xả ra môi trường. Cô rất muốn tận dụng loại “rác” này cho những sản phẩm ý nghĩa hơn, thay vì tiếp tục để nó trở thành “gánh nặng” cho hành tinh của chúng ta.

Sau một số thử nghiệm thất bại, cuối cùng Lucy nhận thấy cô có thể sử dụng chúng kết hợp với tảo đỏ để tạo ra một loại nhựa mới. Tất nhiên sản phẩm vẫn còn một số nhược điểm và chưa thế thay thế hoàn toàn các sản phẩm nilong trên thị trường nhưng Lucy vẫn đang nỗ lực để đưa Marinatex ra thị trường vào nửa cuối năm 2020.

Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tương lai rằng loại nhựa sinh học này có khả năng nhân rộng và được sử dụng phổ biến. Bởi theo tính toán của Lucy, chỉ riêng chất thải từ một loại cá tuyết Đại Tây Dương có thể mang lại khoảng 1.400 túi Marinatex. Đó là chưa kể đến triển vọng của việc sử dụng các loại chất thải khác như vỏ hến và bộ xương giáp xác làm nguyên liệu!

(Theo ladbible)

Hiểu Minh (lược dịch)