Mỗi lần Tết đến là tôi lại nhớ mẹ, nhớ mẹ da diết, vì mẹ là người “làm ra” Tết.

Tết bắt đầu đến từ ngoài tháng Chạp, khi gió mùa se lạnh về, mẹ phơi vải hoa mới ngoài bờ rào, màu áo hoa chúm chím hồng sưởi ấm ngày giá lạnh và báo hiệu một mùa mới đã về.

Tết bắt đầu đến khi mẹ mang sàng măng lưỡi lợn vàng tươi phơi trên sân nắng. Miếng măng khô vàng cong, thơm nồng mùi hăng hắc của đất trộn lẫn mùi lá tre khô.

Tết bắt đầu khi mẹ chọn mua nếp hoa vàng, nếp ngỗng. Mẹ ngồi tẩn mẩn chuốt lạt tươi và lựa từng bó lá dong xanh.

Ảnh minh họa (nguồn: Báo mới).

Tết bắt đầu vào rằm tháng Chạp khi mẹ tỉ mỉ lặt từng lá mai của cội mai già ngoài hiên, miệng không ngớt phàn nàn năm nay mưa trễ, nắng to, sợ mai ưa nắng sẽ nở hết trước Tết.

Tết bắt đầu khi mẹ đem bộ lư đồng trên bàn thờ xuống bắt mấy anh em hì hục chà tro bếp trộn với vỏ chanh, đánh cho đến khi bộ lư sáng bóng có thể soi gương.

Tết đến khi ngày 23 tháng Chạp, mẹ đi chợ từ sáng sớm, về nhà với lỉnh kỉnh cá chép, kẹo thèo lèo, cây mía dài còn nguyên cả lá tươi và ba bộ áo quần hia mũ bằng giấy rực rỡ màu sắc.

Tết đến thật gần khi mẹ ngồi cong lưng tỉa hoa cà rốt, trải củ cải và đu đủ thái nhỏ ra sân phơi, ngâm kiệu vào nước tro đến khi trắng ngần và muối lại vại cải chua xanh rờn với củ hành nén tím ngắt.

Ảnh minh họa (nguồn: Phụ nữ ngày nay).

Tết như đã chập chờn đầu ngõ, khi mẹ thức khuya bên chảo mứt dừa non thơm ngào ngạt mùi đường tới lửa và lá dứa, bên cạnh là thau mứt chùm ruột chín đỏ, mứt gừng cay nồng, mứt trái tắc tròn vo căng mọng và mứt mãng cầu trắng ngần trong lớp giấy bóng kiếng…

Tết tràn vào hiên nhà nơi mẹ ngồi gói bánh chưng, bánh tét, bên mâm nếp trắng, mâm đậu xanh vàng hực và tú hụ nhân thịt heo ướp tiêu hột thơm cay nồng. Không gì vui bằng mấy chị em tranh nhau ngồi vào lòng mẹ quanh nồi bánh chưng nấu với củi gộc rực đỏ lửa, say sưa nghe mẹ kể chuyện ngày xưa, gật gà nửa thức, nửa ngủ, chờ trời sáng cho bánh chưng chín. Đứa nào cũng muốn được là người đầu tiên vớt cái bánh ú nhỏ xíu tự tay tỉ mẩn gói, lẫn lộn trong những đòn bánh chưng chắc nịch của mẹ.

Ảnh minh họa (nguồn: Khoa học).

Tết luẩn quẩn trong hương trầm nghi ngút trên bàn thờ rực rỡ hoa mai, hoa đào và mâm ngũ quả mẹ sắp xếp công phu hình rồng phượng. Là bên gian bếp thơm lừng mùi nồi chân giò heo ninh măng nhừ rục và nồi thịt kho trứng vàng óng màu nước dừa.

Tết lẫn trong màu áo mới chị em mình mặc xúng xính đỏ xanh hồng khi mẹ gò lưng đạp nhanh trên máy may đường chỉ cuối cùng cho kịp nhỏ em út (lúc này đang phụng phịu ngồi trong góc nhà) mặc đón giao thừa.

Và Tết, Tết đến rồi khi đồng hồ buông từng nhịp thong thả 12 tiếng, mẹ long lanh mắt ướt đen, vấn lại búi tóc dày, trong tà áo dài mới, nghiêm trang đứng bên bố thắp nhang bàn thờ tổ tiên. Ngoài sân rộn rã từng tràng pháo, mấy chị em náo nức chạy ra, hòa vào trong không gian ngập tràn hương pháo, hương trầm, hương hoa và hương đất trời vào tiết xuân mới…

Năm nào cũng như thế, dù nghèo hay khá giả, chiến tranh hay yên bình, mẹ luôn luôn chu đáo lo một cái Tết cổ truyền đầy đủ hương sắc cho cả gia đình.

Mẹ là người truyền cho tôi niềm đam mê Tết sâu thẳm và níu giữ nét đẹp văn hóa Tết cho mãi về sau…

Đất trời đem lại mùa xuân cho con người. Nhưng chính mẹ là người đem lại Tết cho gia đình. Không có mẹ, không có Tết, và xuân cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa…

Uyên Lê

Tiêu đề do ĐKN đặt. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.