Những người mê xe cộ chắc hẳn đều biết đến 2 cái tên đình đám trong làng siêu xe nước Ý: Lamborghini và Ferrari. Thế nhưng bạn có biết rằng hai hãng xe này từng có nhiều mối duyên nợ với nhau, và suýt chút nữa Lamborgini đã không được thành lập, tất cả đến từ một sai lầm của ông chủ hãng Ferrari.

Chuyện bắt đầu từ anh chàng kỹ sư máy tên là Ferruccio Lamborghini, vốn xuất thân từ một gia đình nông dân với niềm đam mê máy móc. Ferruccio quả thật là tấm gương mẫu mực cho tinh thần vượt khó vươn lên. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, với khả năng chế tạo máy của mình, ông được không quân Hoàng gia Ý tuyển dụng, và chẳng bao lâu sau ông trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo máy.

Ferruccio Lamborghini và chiếc máy kéo mà mình sản xuất(Ảnh: Quattroruote)

Khi mà phe Đồng minh giành chiến thắng trong Thế chiến 2, nước Ý tuyên bố thất bại và tiến hành tiêu hủy các loại vũ khí. Đây cũng là lúc khắp đất nước ngổn ngang những loại xe quân dụng hư hỏng. Sau chiến tranh, nhu cầu của các thiết bị máy nông nghiệp tăng mạnh, chàng kỹ sư trẻ đã nhìn thấy mỏ vàng trong những đống sắt phế liệu. Ông bắt tay vào việc chế tạo các loại máy móc phục vụ canh tác từ những cỗ máy chiến tranh còn sót lại.

Sau 10 năm, Ferruccio ăn nên làm ra cùng xưởng chế tạo máy của mình, chàng kỹ sư nông dân ngày nào giờ đã trở thành một tỷ phú. Cũng như nhiều đại gia thời đó, ông và vợ rất đam mê các loại siêu xe, đặc biệt là xe của Ferrari. Thực sự thì Ferruccio là một fan chính hiệu của những chiếc xe đua Ferrari, khi đó ông đã mua một chiếc 250GT cho vợ mình. Nhưng chiếc xe có vẻ không phù hợp với nữ giới, bởi vì bộ ly hợp có một vài chi tiết khiến nó vận hành không được mượt mà cho lắm. Bởi vì, chúng được thiết kế để dành cho những tay đua chuyên nghiệp, những người có kỹ năng cao cầm lái.

Một chiếc Ferrari GT250 (Ảnh: bthinx)

Vốn là người đam mê máy móc, Ferruccio nổi hứng đến tìm gặp Ezno Ferrari, người mà ông rất kính trọng. Ezno từng là một tay đua cự phách và giờ đây là ông chủ doanh nghiệp vô cùng nổi tiếng với hãng xe đắt giá nhất nước Ý. Ferruccio mong rằng 2 bên có thể trao đổi về một số vấn đề kỹ thuật của chiếc xe mới mua.

Nhưng sự thật không như là mơ, có lẽ vì cái danh tiếng quá nổi của mình, Ezno không thèm để ý đến những lời góp ý của Ferruccio. Trong cuộc gặp gỡ. ông nói rằng: “Rõ ràng là anh không có năng lực lái một chiếc Ferrari rồi, tốt hơn là hãy quay về lái máy kéo thì hơn!” Thậm chí, Ezno còn tiễn khách bằng một cái phẩy tay đầy khó chịu.

Enzo Ferrari vốn là một tay đua có tiếng (Ảnh: Caronit Club)

Thật khó mà chấp nhận được việc lòng nhiệt thành của mình lại bị đền đáp quá phũ phàng. Ferruccio quay về nhà và ngẫm nghĩ với bản thiết kế, ông quyết chứng minh cho Ferrari biết rằng, cuộc đối thoại hôm đó là một sai lầm. Và như ông trời sắp đặt từ trước, vận may đã đến với ông.

Ferruccio phát hiện ra bộ ly hợp mà Ferrari đang dùng đến từ chính xưởng chế tạo cung cấp bộ ly hợp cho máy kéo cho công ty của ông, hơn thế nữa, chúng lại còn giống hệt nhau. Vì vậy, việc đi vào kho hàng, lấy một chi tiết máy của Ferrari để nghiên cứu chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Sau nhiều lần cải tiến, cuối cùng một chiếc xe hoàn hảo đã ra đời.

Rồi điều gì đến cũng đến, vào năm 1963, Ferruccio thành lập hãng sản xuất siêu xe Lamborghini và cuộc cạnh tranh thế kỉ giữa “Bò tót” và “Phi mã” bắt đầu từ đây. Trong quá trình ganh đua với gã hàng xóm của mình suốt nửa thế kỷ, Lamborghini chưa hẳn đã chiến thắng hoàn toàn Ferrari, nhưng có thể nói rằng chú bò tót này đã làm rất tốt với những gì mình có. Trong các cuộc thử nghiệp suốt 40 năm qua, xét một cách tương đối Lamborghini vẫn thường qua mặt Ferrari về mã lực và tốc độ ở môi trường thử nghiệm.

Lamboghini giờ đây đã là chiếc xe cả thế giới mong đợi (Ảnh: Marriage Ring)

Cả hai hãng xe cũng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới, và cuộc cạnh tranh cũng dần nhạt nhòa khi mỗi bên chọn cho mình một hướng đi riêng. Thế nhưng chắc hẳn rằng Ezno cũng đã rất hối hận vì hành động thiếu suy nghĩ trong quá khứ, chỉ vì chút càn dở mà ông đã đánh mất cơ hội cải tiến công nghệ, đồng thời khi không có thêm một đối thủ cạnh tranh trong những năm tháng sau này.

Tiết chế bản thân thì sóng yên biển lặng, lỡ một câu nói mà ghi hận cả trăm năm.

Nói chuyện người mà ngẫm chuyện mình, trong cuộc sống thường nhật, biết bao lần ta hối hận về những điều mình đã làm. Một lời nói chê bai ai đó, một câu bông đùa đôi khi quá vô tư hay những phút nóng giận không tự kiềm chế đều có thể đem lại hậu quả khó lường.

Ông cha ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì chúng ta cũng nên dành chút thời gian để suy nghĩ về cảm xúc của người đối diện, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để dự đoán xem những gì chúng ta nói ra có gây tổn thương cho họ không. Chỉ với một chút tinh ý đó thôi cũng giúp tránh được vô vàn phiền phức và khiến ta trở thành một người dễ gần.

Anh Lân