Biết cách nói không trong công việc là một kỹ năng xã hội đặc biệt có ích. Nếu biết cách “nói không” đúng lúc, đúng chỗ và có suy xét, bạn sẽ có được sự phối hợp tốt nhất với lãnh đạo và đồng nghiệp tại sở làm. 

Học cách nói không có thể khiến bạn không được tham gia vào một dự án hoặc đánh mất hình ảnh đáng yêu với đồng nghiệp hoặc với lãnh đạo. Tuy nhiên, “biết cách nói không” sẽ giúp bạn xây dựng được mối quan hệ bền vững và hiệu quả trong công việc. Khi có thể nói lời từ chối một cách thẳng thắn trong công việc, bạn đang gửi đi một thông điệp đến những người khác: Tôi có chính kiến của riêng mình, xin hãy lắng nghe để phối hợp được tốt hơn.

Tôi có chính kiến của riêng mình, xin hãy lắng nghe để phối hợp được tốt hơn. (Ảnh minh họa: HuffPost México)

Những người luôn vâng lời có xu hướng tìm kiếm sự đồng tình và sự công nhận của lãnh đạo hoặc đồng nghiệp. Chính vì vậy, đồng nghiệp hoặc lãnh đạo sẽ có xu hướng giao cho họ mọi việc, mà ít khi để ý đến ý kiến và cảm nhận cá nhân của họ. Điều này không có lợi cho cả hai bên. Nhân viên sẽ áp lực, lãnh đạo sẽ phiền lòng và quan trọng hơn hết công việc sẽ không được thực hiện một cách hiệu quả. 

Hiện tại, chúng ta đang sống trong một thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp cao; thường xuyên chỉ tập trung vào kết quả của nhân viên. Do đó, những nhân viên này có thể gặp khó khăn nếu họ từ chối tham gia vào một công việc. Thêm vào đó, nỗi sợ hãi khi nói không sẽ khiến bạn rơi vào tình huống bị giao những công việc không đúng chức năng và sở trường. 

Để tránh những tình huống này, hãy xem xét một số gợi ý để học cách nói không trong công việc, hay chính là học cách để người khác hiểu mình khi làm việc. 

1. Phân biệt vấn đề

Sự e dè khi nói không có thể là kết quả của một vấn đề về giao tiếp hoặc liên quan đến việc tổ chức kém hiệu quả ở nơi làm việc. Một số lãnh đạo không phân biệt được những việc quan trọng với việc cấp bách: Họ khiến nhịp độ lao động trở nên rất căng thẳng. Nhiện vụ của bạn là xác định được vấn đề đang gặp phải, nó thực sự đến từ bản thân bạn, hay đến từ bên ngoài. 

Nhiện vụ của bạn là xác định được vấn đề đang gặp phải. (Ảnh minh họa: Jenns Blah Blah Blog)

2. Hãy suy nghĩ rõ ràng

Để nói lời từ chối trong công việc, điều cốt yếu là bạn cần biết thể hiện cách nhìn nhận của bạn về thực trạng công việc một cách rõ ràng và chính xác. Để làm được điều này, bạn cần phải tìm hiểu chính xác bản chất, những đòi hỏi của công việc được giao và thực trạng năng lực cũng như những mong muốn của bản thân mình. Những phân tích này sẽ giúp bạn suy nghĩ lý trí và phân tích rõ ràng với lãnh đạo. 

Bạn cần biết thể hiện cách nhìn nhận của bạn về thực trạng công việc một cách rõ ràng và chính xác. (Ảnh minh họa: POSRocket)

3. Dừng lại để nhìn nhận vấn đề

Khi bạn thấy mình gặp khó khăn trong công việc hoặc phải dành nhiều thì giờ cho một cá nhân, nghĩa là đã đến lúc cần dừng lại để nhìn nhận vấn đề. Đôi khi chúng ta cố gắng giải quyết những khúc mắc trong công việc của mình mà thiếu sự nhìn nhận tổng thể. 

“Lùi một bước biển rộng trời cao” là một lời khuyên tốt trong trường hợp này. Tách mình ra khỏi những lộn xộn trước mặt. Dùng thời gian để xem xét lại từng sự việc rắc rối, đối chiếu nó với những vai trò chính yếu của mình trong cương vị hiện tại. Sự phân tích, nhìn nhận lại toàn bộ công việc của mình một cách bình tĩnh sẽ giúp bạn nhận ra đâu là vấn đề thực sự của bản thân và những người liên quan. 

Tách mình ra khỏi những lộn xộn trước mặt. Dùng thời gian để xem xét lại từng sự việc rắc rối, đối chiếu nó với những vai trò chính yếu của mình trong cương vị hiện tại. (Ảnh minh họa: Better Homes and Gardens)

Tĩnh khí – xem xét mọi sự việc trong sự tĩnh lặng của nội tâm chính là một trong những đức tính quý báu mà người thành công cần rèn luyện. Bạn chỉ có được sự tĩnh khí hay tĩnh lặng của nội tâm khi tạm quên đi những danh, lợi của riêng mình và hướng đến những cái chung lớn hơn, và quý giá hơn. Lợi ích của tập thể hoặc những nguyên lý mà bạn tin tưởng là những ví dụ giúp bạn hướng tầm nhìn của mình ra xa hơn. 

4. Nói năng thận trọng

Trình bày vấn đề là một trong những yếu tố quan trọng để diễn đạt bản thân với người khác. Nói quá ít hay biện minh quá nhiều khi từ chối tham gia một công việc được giao đều dễ khiến các cộng sự hiểu lầm hoặc không hiểu được vấn đề của bạn. Mạnh dạn giải thích một cách trung thực những suy nghĩ, cảm nhận của bạn sẽ giúp cả bạn, đồng nghiệp và lãnh đạo cảm thấy thoải mái. 

Mạnh dạn giải thích một cách trung thực những suy nghĩ, cảm nhận của bạn sẽ giúp cả bạn, đồng nghiệp và lãnh đạo cảm thấy thoải mái. (Ảnh minh họa: NationSearch)

Sau khi hiểu rõ những vấn đề của cá nhân bạn, cấp trên và đồng nghiệp sẽ có đủ cơ sở để suy xét và cân nhắc về đề nghị rút khỏi công việc được giao của bạn. Đồng thời, mọi người có thể hiểu hơn về cách làm việc của bạn. Điều này sẽ giúp đồng nghiệp biết cách phối hợp với bạn hơn và cấp trến sẽ giao cho bạn những công việc phù hợp hơn. 

5. Suy nghĩ tới lợi ích riêng của bạn

Các nhân viên có thói quen để ý đến suy nghĩ của cấp trên hoặc đến sự phát triển của công ty hơn là đến quyền lợi riêng của họ. Tuy nhiên đừng quên rằng, bạn là một phần của công ty, lợi ích của bạn cũng là một phần của lợi ích chung đó. Suy nghĩ tới lợi ích của mình trong trường hợp này không hẳn là một sự ích kỷ.

Suy nghĩ tới lợi ích của mình trong trường hợp này không hẳn là một sự ích kỷ. (Ảnh minh họa: LinkedIn)

Khi bạn gặp những khó khăn không thể giải quyết trong thời gian này và lỗi nằm ở sự không tương thích giữa năng lực và yêu cầu công việc, điều này sẽ là một tổn thất lớn với công ty, nhà lãnh đạo và chính bản thân bạn. Vậy nên hãy trước hết hãy trung thực với chính mình. 

Học cách từ chối những nhiệm vụ ngoài tầm tay một cách thẳng thắn nhưng lịch thiệp sẽ giúp bạn trở nên sáng tỏ hơn trong suy nghĩ của mọi người. Sự kiên định và rõ ràng của bạn không mang lại sự hiểu lầm, nó sẽ khiến mọi người hiểu nhau hơn, sự phối hợp sẽ theo đó trở nên tốt hơn.

Xuân Hà