Thiện lương là bản chất của con người, đó cũng là bảo bối quý giá không gì sánh được. Cha mẹ dùng thứ bảo bối này để đối đãi với con thì mọi mâu thuẫn đều có thể hóa giải.

Không phải ngẫu nhiên mà người xưa lưu truyền câu ca dao “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Ấy là bởi vì quá trình cha mẹ nuôi dạy con thật vất vả gian nan, không chỉ nhọc cái thân thể mà còn khổ cái tinh thần, thế nên chỉ có thể dùng sự vĩ đại kiên cường của núi và sự dịu dàng nhẫn nại của nước để ví von.

Thật vậy, chăm sóc cho con đủ ăn đủ mặc, nuôi con lớn từng ngày từng tháng, qua cả nắng mưa bão tố, bệnh dịch thiên tai vốn đã không dễ dàng gì, việc dạy con làm sao để nên người tài hoa, làm người nhân cách lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt trong quá trình nuôi dạy, không ít lần nảy sinh mâu thuẫn va chạm với con khiến nhiều cha mẹ loay hoay trăn trở. Từ chuyện nếp ăn nếp ngủ, đi đứng nói cười, cho đến chuyện học hành thi cử, bạn trai bạn gái, đối nhân xử thế… đều có mâu thuẫn lớn nhỏ.

Thử bước chân vào hiệu sách hoặc gõ mấy từ khóa trên google, phụ huynh sẽ hoa mắt bởi những lời khuyên khác nhau. Đọc thì thấy lời nào cũng hay, ý nào cũng tỏ, có thể đựng đầy một bụng bí kíp, nhưng với nhiều cha mẹ mà nói, đến khi tình huống mâu thuẫn xảy ra thì chữ rụng sạch mất rồi, bản năng lên ngôi!

Kỳ thực, đơn giản mới tốt, phức tạp quá lại không chắc giải quyết được vấn đề, vì có nhớ tới đâu mà giải quyết. Có lẽ nhiều lời khuyên như vậy, thử bỏ qua những thứ màu mè tiểu tiết, ta sẽ thấy hiển lộ ra một nguyên lý thuần chân: “dùng thiện lương để cảm hóa con”, nói gọn lại là hai chữ “thiện lương”.

Thiện lương chính là lấy thiện đãi người, trong tâm luôn có thiện niệm, mọi suy nghĩ và hành động đều mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.

Trái tim thiện lương đẹp như những đoá hồng.

Tuy nhiên nhiều cha mẹ nhầm lẫn một chút, “mong muốn của mình” chưa chắc đã là “điều tốt đẹp cho con”. Ngay cả khi mong muốn ấy mang lại sự tốt đẹp cho con, chưa chắc con đã có thể tiếp nhận, bởi vì cha mẹ và con cái ở hai thế hệ khác nhau, lại càng không cùng cảnh giới tâm tưởng. Vậy nếu cha mẹ áp đặt, ép buộc con hoặc nóng giận, oán trách con thì chưa hoàn toàn là thiện. Chỉ có hoàn toàn là thiện mới khiến con cảm động tới tận đáy lòng, từ đó mà được cảm hóa, mâu thuẫn tự tiêu tan trong phút chốc.

Người xưa thường nói: Thiện là bảo bối có thể dùng bất tận một đời; tâm như ruộng đồng trù phú, dùng trăm đời vẫn còn màu mỡ tốt tươi.

Lý Thúc Đồng là nhà giáo dục văn học, mỹ thuật, âm nhạc nổi tiếng Trung Quốc. Thời trẻ khi còn dạy âm nhạc, trong một lần lên lớp, ông trông thấy một học trò đang xem sách môn khác và một học trò khác lại nhổ đờm xuống sàn. Ông đã trông thấy nhưng không nói gì, tiếp tục giảng bài; khi hoàn thành bài giảng, ông mới mời hai học trò đó ở lại và ôn tồn nhắc nhở. Khi hai học trò vừa định phản biện thì ông đã cúi gập người trước họ để tỏ ý cảm ơn đã lắng nghe lời nhắc nhở của mình. Hai cậu học trò chỉ còn biết đỏ mặt xấu hổ trước phong thái đức độ của ông.

Chỉ có thái độ tôn trọng và tấm lòng yêu thương mới có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo nên độ cảm hoá kỳ diệu như vậy. Khi lòng người thiện lương sẽ phủi đi mọi lớp bụi phù hoa, hóa giải cả những mâu thuẫn khó hóa giải nhất.

Câu chuyện nhỏ mang đến bài học chân thực cho hành trình vạn dặm nuôi dạy con. Nếu như cha mẹ có thể ngồi xuống, khom lưng, ôn tồn nói với con về lỗi lầm hoặc khi cần khuyên nhủ (chứ không phải vươn mình ngạo nghễ, giọng nói hùng hổ trong tâm thế của người tấn công), nếu như cha mẹ có thể nói một lời cảm ơn từ tận đáy lòng vì con đã lắng nghe (chứ không phải tuôn ra những điều oán hận)… thì có thể nào con không cảm động đây!

Quả thật ngày xưa các cụ đã đúc kết rồi “Một trăm cái lý, không bằng một tí cái tình”.

(Ảnh minh hoạ: Pixabay)

Video: Thông minh là thiên phú nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn

videoinfo__video3.dkn.tv||7b2df60bc__