Những ngày qua, dư luận cả nước xôn xao chuyện 668 bài thi toán trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập Khánh Hòa bị điểm 0. 

Nguyên nhân do đâu?

Theo một bài phân tích đăng trên báo tuổi trẻ, nguyên nhân trước hết là do thầy cô. Các thầy cô phải là người đầu tiên nhận trách nhiệm cho những “sản phẩm bị lỗi” này.

Nguyên nhân thứ hai là do sai lầm về chiến lược giáo dục, quá chú trọng vào “phát hiện bồi dưỡng nhân tài”, để rồi những học sinh đại trà bình thường, yếu kém bị “bỏ rơi”.

Thứ ba, chính là căn bệnh thành tích không chỉ của nhà trường, thầy cô mà còn cả phụ huynh và toàn xã hội. Hiệu trưởng luôn muốn có nhiều học sinh giỏi để cuối năm xếp loại trường tiên tiến, xuất sắc huyện, tỉnh… Giáo viên muốn có nhiều học sinh giỏi để được khen là dạy giỏi, tay nghề vững… Phụ huynh thì muốn con học giỏi để nở mặt nở mày… Cả xã hội đều nhìn vào thành tích học tập để đánh giá ai đó là có khả năng hay không.

Nói chung, những nguyên nhân trên dẫn đến hậu quả là sau 9 năm bị “lãng quên” trong chính lớp học của mình, các em học sinh không thể giải được một bài toán cơ bản nhất, dễ nhất là giải phương trình (câu 1a đề thi tuyển sinh lớp 10 Khánh Hòa 2019-2020).

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, nếu vì kết quả của học sinh yếu kém mà kết tội cho thầy thì dường như không được công bằng cho lắm.

Chúng ta đều biết, dạy học theo hướng đại trà, khả năng tiếp thu của mỗi cá nhân là khác nhau, có em tiếp thu nhanh, nhưng có em lại rất chậm. Không hẳn là thầy cô không quan tâm đến học trò mà mỗi lớp có mấy chục bạn, không ai có thể đứng kèm cặp từng em được, vì không đủ thời gian. Còn nếu như không cho các em đi thi vào 10 thì phụ huynh sẽ không hài lòng, nhà trường cũng có áp lực. Làm thầy thực đâu dễ dàng gì!

Vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

Theo quan điểm cá nhân tôi, đừng mất thời gian đi tìm ai đúng ai sai và đừng đổ trách nhiệm lên ai nữa. Có kết quả như ngày hôm nay, chẳng ai dám vỗ ngực nói rằng tôi đúng. Thực ra, ai cũng “góp sóng thành bão” ở trong đó cả thôi: Phụ huynh không đủ sát sao với con cái, thầy cô không đủ quan tâm đến học trò, nhà trường quản lý chất lượng không đủ tốt, học sinh không nỗ lực học tập…

Nếu như mọi người đều có thiếu sót, đều có vấn đề làm chưa tốt, vậy còn tìm xem người nào tốt hơn một chút, xấu hơn một chút để làm gì?

Thay vì đau đầu chuyện 668 bài thi bị điểm 0, chúng ta ngược lại phải vui mừng mới phải. Bởi đó là sự phản ánh chân thực trình độ của học sinh, là thực tế giáo dục đang diễn ra. Nếu chúng ta đã biết sự thật rồi, đã nhìn ra vấn đề rồi, đó chẳng phải chuyện rất đáng mừng sao? Thiết nghĩ, nếu sự thật cứ bị “che giấu” mãi, nếu học sinh cứ lên lớp đều đều, điểm cao liên tục thì chẳng phải sự học sẽ giật lùi?

(Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần loại bỏ tư duy đổ lỗi đi. Xã hội đổ lỗi cho ngành giáo dục, cha mẹ đổ lỗi cho nhà trường và thầy cô dạy không tốt; ngược lại thầy cô lại đổ lỗi cha mẹ không quan tâm đến con… Phải chăng chúng ta đang dạy cho trẻ một “vòng tuần hoàn đổ lỗi”. Và khi nó lớn lên, nó sẽ lại tiếp tục đổ lỗi cho cuộc đời, cho xã hội, cho hệ thống giáo dục, thậm chí cho cả đấng sinh thành…

Hãy chấp nhận rằng “668 điểm 0” là chuyện BÌNH THƯỜNG!

Cùng một vấn đề, có người nói một chút là hiểu ngay, có người giải thích đến trăm lần vẫn không thể nào hiểu được. Đó là chuyện rất bình thường!

Cùng một món ăn, có người thấy ngon, có người thấy dở. Đó là chuyện rất bình thường! 

Cùng một bức tranh, có người thấy đẹp, có người thấy xấu. Đó là chuyện rất bình thường!

Chúng ta cần chấp nhận xã hội có người này người kia và không ai có quyền lấy 1 khuôn mẫu nào đó để đánh giá người khác. Có đến 8 loại thông minh và loại nào cũng đáng coi trọng như nhau!

(Ảnh: báo tuổi trẻ)

Đứa trẻ không biết làm toán nhưng vẽ rất đẹp. Nó có thể làm hoạ sĩ.

Đứa trẻ không biết viết văn nhưng có thể lực rất tốt. Nó có thể làm vận động viên thể thao.

Đứa trẻ học không giỏi nhưng hát hay. Nó có thể làm ca sĩ…

Nếu mỗi người đều có năng lực trí tuệ khác nhau, thì tại sao chúng ta cứ phải cố gắng chạy theo những con số thành tích ảo; đến mức không dám thừa nhận rằng, có những đứa trẻ không biết gì đang ngồi nhầm lớp?

Tạo sao chúng ta cứ phải bắt con trẻ vào một khuôn mẫu, bắt chúng phải diễn vai “con ngoan trò giỏi”; đến mức khi không hiểu thầy cô nói gì, chúng vẫn không dám hỏi lại?

Cuối cùng, với tất cả sự chân thành, xin gửi đến các tất cả các em học sinh, phụ huynh và thầy cô tỉnh Khánh Hoà còn đang buồn về những điểm 0 lời chúc mừng. Chúc mừng các bạn đã tìm ra sự thật. Đó là điều kiện cần để bất cứ ai tạo nên điều tốt đẹp!

Thiện Nam