Hồ Thích, một đại sư của Trung Hoa Dân Quốc, bị Mao Trạch Đông liệt vào danh sách “tội phạm chiến tranh” ngay trước khi lên nắm quyền. Mao sau đó đã hai lần phát động đại phê đấu chống lại ông. Việc Hồ Thích đề xướng tư duy độc lập, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa thực chứng là không thể dung hòa với chính sách mị dân của ĐCSTQ, đây là căn nguyên khiến Mao sợ hãi Hồ Thích.

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Ngày 14 tháng 8 năm 1949, lấy danh nghĩa Tân Hoa Xã, Mao Trạch Đông đăng bài bình luận “Từ bỏ ảo tưởng, chuẩn bị đấu tranh”, điểm danh chỉ trích ba đại sư của Trung Hoa Dân quốc – Hồ Thích, Phó Tư Niên và Tiền Mục.

Người đầu tiên bị điểm danh là Hồ Thích, ông không chỉ bị phê phán trong bài báo này, mà còn bị Mao Trạch Đông đưa vào danh sách “tội phạm chiến tranh” ngay từ ngày 26 tháng 1 năm 1949. Sau khi lên nắm quyền, Mao vẫn canh cánh nỗi lo, chuyên môn lôi ông ra để “phê đấu”. Tại sao lại như vậy?

Sự lựa chọn của Hồ Thích

Hồ Thích là một trong những lãnh tụ của vận động văn hóa mới, ông từng là hiệu trưởng của Đại học Bắc Kinh, viện trưởng Viện nghiên cứu Trung ương và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Ông có hứng thú rộng, sáng tác phong phú, có trình độ nghiên cứu khá thâm nhập về các lĩnh vực triết học, văn học, lịch sử, khảo cứ học, giáo dục học, Hồng học và các lĩnh vực khác, là người đi tiên phong. Trong triết học, ông ủng hộ chủ nghĩa thực dụng của Dewey; trong chính trị, ông chủ trương chủ nghĩa tự do. Ông cũng là người có nhiều bằng tiến sĩ nhất thế giới – 36 bằng tiến sĩ. Nghe có vẻ đáng kinh ngạc, trong đó bao gồm cả bằng tiến sĩ danh dự do các trường đại học khác nhau ở Anh, Mỹ và các quốc gia khác trao tặng ông.

Cuối năm 1948, quân đội ĐCSTQ chuẩn bị tiến vào thành phố Bắc Bình. Tưởng Giới Thạch lập “Kế hoạch giải cứu học giả đại lục”, di chuyển các học giả hàng đầu từ đại lục sang Đài Loan. Vị đầu tiên trong danh sách giải cứu chính là Hồ Thích, khi đó là hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh.

Khi đó, Mao Trạch Đông đã ủy thác cho người gửi tin nhắn cho Hồ Thích, nói rằng chỉ cần ông không đi cùng Tưởng Giới Thạch, ĐCSTQ sẽ đảm bảo rằng sau khi “giải phóng” Bắc Bình, ông vẫn được phép ở lại làm thư trưởng Thư viện Bắc Kinh.

Sau khi Hồ Thích nghe thấy điều này, ông chỉ lạnh lùng đáp lại một câu: “Đừng tin vào Cộng sản đảng!” rồi nhờ người chuyển lời tới Ngô Hàm, người đứng đầu tổ chức đảng ngầm của ĐCSTQ: “Ở nước Nga Xô viết, có bánh mì nhưng không có tự do; Ở nước Mỹ, có bánh mì và có cả tự do; và chúng (ĐCSTQ) đã đến, không có bánh mì và không có tự do”.

Vào ngày 15 tháng 12 năm 1948, Hồ Thích và những người khác rời khỏi Bắc Bình trên một chiếc chuyên cơ do Tưởng Giới Thạch gửi đến, một đi không trở lại.

Hai cuộc đại phê đấu

Vào ngày 11 tháng 5 năm 1949, Trần Viên, một người bạn cũ của Hồ Thích, nguyên hiệu trưởng và nhà sử học của Đại học Công giáo Phụ Nhân, đã đăng “Thư ngỏ gửi Hồ Thích” trên “Nhật báo Nhân dân”, đi đầu trong việc phê phán Hồ Thích, tuyên bố:

“Tôi lưu lại Bắc Bình là hoàn toàn chính xác. Ngài nghĩ rằng “Đảng cộng sản đã đến, quyết không có tự do” là hoàn toàn sai lầm; tôi khuyên ngài không nên phục vụ “chính quyền phản động”; “Hãy dùng phương pháp khoa học chân chính mới để phân tích, phê phán học thức quá khứ của ngài”, v.v.

Vào ngày 9 tháng 1 năm 1950, Hồ Thích đã đăng bài “Sẽ không có tự do dưới sự cai trị của đảng Cộng sản” trên tạp chí “Trung Quốc Tự do”, ông đã tiến hành khảo chứng một số chi tiết trong bức thư của Trần Viên, nhận định rằng bức thư không phải do Trần Viên viết, mà do một văn nhân của ĐCSTQ giả mạo tên của Trần Viên viết.

Hồ Thích viết: “Ba tháng sau khi quân đội Cộng sản tiến vào Bắc Bình, nhà sử học 70 tuổi Trần Viên đã phải tuyên bố với thiên hạ, rằng mặc dù phương pháp học thuật cũ của ông là ‘khoa học’, nhưng chúng là ‘sai lầm về cơ bản’. Ông cũng phải tuyên bố với thiên hạ, rằng ông đã ‘nghiên cứu sơ bộ chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, xác định phương pháp học thuật trong tương lai’!”

Hồ Thích nói rằng bức thư này là bằng chứng tốt nhất cho thấy: “Dưới sự cai trị của đảng Cộng sản, hoàn toàn không có tự do tư tưởng học thuật.”

Việc Hồ Thích vạch trần ĐCSTQ khiến Mao Trạch Đông rất tức giận. Từ năm 1951 đến năm 1957, Mao hai lần phát động đại phê phán đối với Hồ Thích.

Một phần các bài báo phê phán Hồ Thích sau đó đã được Nhà sách Tam Liên biên soạn thành cuốn “Phê phán tư tưởng của Hồ Thích”, tổng cộng có tới 173 bài báo, liên quan đến 164 tác giả, bao gồm hầu hết các nhân vật nổi tiếng trong giới khoa học xã hội của ĐCSTQ.

Hồ Thích bị mắng là đồ vô dụng, bị chụp cho đủ loại mũ vừa dơ vừa xấu, thậm chí có kẻ còn mạ ông là “đồ chuột”, “đồ ruồi” và “hồ ly tinh”.

Hồ Thích, người khi đó đang sống ở Mỹ, đã luôn chú ý đến những lời phê phán của ĐCSTQ đối với mình, tự xưng ông là “người duy nhất đã đọc xong tám tập sách “Phê bình tư tưởng của Hồ Thích”. Học trò của ông, Đường Đức Cương, đã hỏi ông một cách hài hước: “Lẽ nào không có chút học vấn và chân lý nào trong đó sao?” Hồ Thích trả lời: “Không có tự do học thuật, làm sao có thể nói đến học vấn?”

ĐCSTQ là một đảng phát xít

Hồ Thích từ lâu đã có cái nhìn sâu sắc đối với những lời phê phán bẻ cong chân lý của ĐCSTQ.

Vào tháng 7 năm 1947, ông đã viết một bài báo có tựa đề “Hai chính đảng khác nhau về căn bản”. Trong đó nói rằng trên thế giới có hai loại đảng chính trị khác nhau về căn bản, một loại là đảng chính trị ở Anh, Mỹ và Tây Âu, và loại kia là đảng Cộng sản ở Nga, đảng Phát xít ở Ý và đảng Quốc xã ở Đức.

Vào thời điểm đó, Hồ Thích nhận ra rằng: “Mục đích (của ĐCSTQ) là một đảng chuyên chính. Trước khi đoạt chính quyền, họ sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để giành chính quyền; Sau khi giành chính quyền, họ sẽ không từ bất kỳ thủ đoạn nào để củng cố chính quyền, bá chiếm chính quyền”.

Ông nói rằng ĐCSTQ “tuyệt đối không thừa nhận, cũng không dung thứ cho sự tồn tại của các đảng đối lập. Hết thảy các lực lượng đối lập (đối với ĐCSTQ) đều là phản động, đều phải triệt để tiêu diệt, mới có thể củng cố một đảng vĩnh viễn chuyên chính quyền lực”.

Sự khác biệt giữa đảng Cộng sản và các đảng chính trị ở Anh, Mỹ, Tây Âu là: Một bên không có tự do, một bên có tự do; Một bên không có tư tưởng độc lập; một bên có tư tưởng độc lập; Một bên không có sự dung nhẫn, bên kia có sự dung nhẫn đối với các đảng khác biệt.

Tại hội nghị Đại hội đồng LHQ, phê phán vận động phản hữu

Cuộc vận động phản hữu do Mao Trạch Đông phát động năm 1957 là một đại kiếp nạn đối với phần tử trí thức Trung Quốc. Theo quan chức của ĐCSTQ nói, đương thời hơn 55 vạn ‘phần tử cực hữu’ đã bị ĐCSTQ trừng phạt trên toàn quốc. Còn theo nghiên cứu của một số học giả, hơn 3 triệu ‘phần tử cực hữu’ đã bị ĐCSTQ trừng phạt.

Sau khi bị đả thành phái hữu, khá nhiều người đã bị hạ xuống tầng thấp nhất của tiện dân ở Trung Quốc trong suốt 20 năm, rất nhiều người bị bức hại đến mức vợ ly con tán, người mất nhà tan.

Vào ngày 26 tháng 9 năm 1957, khi Hồ Thích tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ XII, ông đã có bài phát biểu về vận động phản hữu. Ông nói:

“Tại Trung Quốc đại lục ngày nay, bất kỳ ai muốn trở thành một người độc lập, dù là nam hay nữ, đều bị tùy tiện bắt giữ, giam cầm, hành quyết hoặc tiêu diệt. Hàng triệu nông dân đang bị đày ải hoặc phải chịu những hình thức nô lệ tàn ác nhất. Hàng triệu người dân vô tội đang bị đày ải, bị bắt làm nô lệ lao động – ĐCSTQ gọi đó là ‘cải tạo thông qua lao động’. Trẻ em bị buộc phải tố cáo cha mẹ, gia đình không có sự ấm áp và cuộc sống riêng tư. Tôn nghiêm và phẩm giá cá nhân đã bị tước bỏ tận cùng. Không có bất kỳ nhân quyền cơ bản nào, thậm chí còn không có quyền tự do không nói”.

Đương thời có một báo cáo nói: “Bài phát biểu của đại diện Hồ Thích kéo dài 45 phút. Với tình cảm phong phú và sức mạnh lay động lòng người của ông, toàn hội trường khán giả luôn chăm chú lắng nghe. Khi ông ấy kết thúc bài phát biểu và bước xuống bục, khán giả ngay lập tức vỗ tay như sấm.”

“Thật là tức chết!”

Hồ Thích được công nhận là một người ôn hòa, tốt bụng và ít khi tức giận. Nhưng khi biết vào ngày 21 tháng 1 năm 1961, cuộc vận động Đại Nhảy Vọt đã dẫn đến hàng chục triệu người bị chết đói, ông thực sự đã tức giận. Thư ký của ông, Hồ Tụng Bình, đã ghi lại trong “Sơ thảo biên niên sử dài của tiên sinh Hồ Thích” rằng:

Hôm nay, tiên sinh sau khi đọc tuyên ngôn của Ngô Lập Hành, ông nói: “Ở đại lục ước khoảng 60 triệu người dân chết đói. Trong một ngôi làng ở huyện Mai, nguyên có 4.000 người, nhưng một nửa trong số họ đã chết vì đói, chỉ còn hơn 2.000 người. Ở Bắc Kinh, mỗi người mỗi tháng có thể được phân phối tám lạng dầu, nhưng ở nông thôn, mỗi người mỗi tháng chỉ có một lạng dầu. Hôm kia, Thiệu Ấu Hiên mang đến cho tôi một lá thư của bà nội cô ấy, nói ‘Chúng tôi sắp chết khô rồi’. Mỗi người mỗi tháng chỉ có một lạng dầu, ‘chết khô’ mà bà nội nói có lẽ là không còn dầu để ăn nữa”.

Hồ Thích nói tiếp: “Trung Quốc cổ đại có một câu nói rất có đạo lý: ‘Mặt Trời ló thì làm việc, Mặt Trời lặn thì nghỉ ngơi, quyền lực hoàng đế có ý nghĩa gì đối với tôi’. Để cho nhân dân tự làm tự ăn, không cần can thiệp họ, họ sẽ tự có lương thực. Giống như dầu, các vùng nông thôn đều tự mình làm ra, những thứ họ trồng được đều có thể dùng để ép dầu, điều này căn bản không thành vấn đề, vì vậy ‘vô vi nhi trị’ mà tôi chủ trương vẫn là có đạo lý. Đến khi chính phủ đi quản chế là đã không được nữa rồi, lại đến sau khi thực hành công xã nhân dân, thì cái gì cũng không có. Đây là kết quả của việc quản chế, còn không bằng ‘vô vi nhi trị’, thà để người dân tự làm tự ăn thì tuyệt đối không bao giờ đến mức thế này”.

Hồ Thích dùng bút bi màu đỏ gạch vài chỗ trên tuyên ngôn của Ngô Lập Hành, chỉ vào đó và nói: “Nhân dân đại lục thực sự đang chết đói, đây đều là sự thật. Thật là tức chết!”

Hồ Tụng Bình viết: Câu “Thật là tức chết” – ông đã làm việc bên cạnh tiên sinh Hồ Thích được 3 năm, và ngày hôm đó là lần đầu tiên ông nghe thấy câu nói đau đớn như vậy của tiên sinh.

Nhận xét về Stalin và ĐCSTQ

Kỳ thực, Hồ Thích đã không nhìn rõ đảng Cộng sản ngay từ đầu, ông ấy từng bị mê hoặc. Năm 1926, Hồ Thích đi họp ở Anh, đi qua Liên Xô và ở lại Mạc Tư Khoa trong 3 ngày. Phía Liên Xô đã đưa ông đi tham quan một số địa phương, ông cảm thấy rất tốt. Trong một bức thư gửi cho người bạn Trương Úy Từ, ông đã không ngần ngại ca ngợi nước Nga Xô Viết.

Theo “Sư môn ngũ niên ký – Hồ Thích tỏa ký” của La Nhĩ Cương, vào năm 1934, Hồ Thích cũng đã viết một bài bình luận chính trị chưa được công bố, chủ trương giao vùng Đông Bắc cho ĐCSTQ để tiến hành các thí nghiệm cộng sản, nếu thành công có thể nhân rộng.

Tuy nhiên, cuối cùng, Hồ Thích vẫn là một người giỏi tư duy độc lập. Với sự quan sát tinh tường thâm nhập về tình hình trong và ngoài nước, nhận thức của ông về đảng Cộng sản đã dần dần chuyển biến.

Vào ngày 14 tháng 4 năm 1949, Hồ Thích đã viết trong chuyến đi đến Mỹ:

“Mắt thấy vũ lực của Cộng sản đảng bước tới đâu, lập tức giăng ra một bức màn sắt thập phần nghiêm mật. Dưới bức màn sắt đó, báo chí hoàn toàn không có tin tức, quyền tự do ngôn luận bị mất hoàn toàn, các quyền tự do căn bản khác của nhân dân càng không cách nào tồn tại. Đây là thứ chính trị ngu dân triệt để nhất mà cả đế vương chuyên chế thời cổ đại cũng không dám làm

Sau khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950, Hồ Thích, người đang ở Mỹ, đã tĩnh tâm lại, tiến hành nghiên cứu về mối quan hệ giữa Stalin, ĐCSTQ và Trung Quốc, viết một bài báo “Trung Quốc dưới sách lược của Stalin”, được đăng trong số thứ mười của tạp chí “Ngoại giao hàng quý” của Mỹ.

Trên cơ sở phản tư lịch sử, bài viết đã vạch trần âm mưu và hậu quả họa hại Trung Quốc của Stalin.

Hồ Thích tin rằng sau khi Thế chiến II kết thúc, phương thức Stalin quắp lấy châu Á giống hệt như với Đông Âu. Các phương pháp bao gồm: thành lập một đảng trực thuộc ĐCS Liên Xô – ĐCSTQ; thành lập đội vệ quân bảo vệ đảng – hồng quân; thành lập “mặt trận thống nhất” – hợp tác giữa Quốc dân đảng và Cộng sản đảng; Không từ thủ đoạn: gián điệp, vi phạm pháp luật, đàn áp và che giấu sự thật, v.v.; lấy lợi ích của ĐCS Liên Xô làm lợi ích tối cao. Lợi dụng Tưởng Giới Thạch kìm chân quân đội Nhật Bản, ĐCSTQ đã bảo toàn và khuếch đại thực lực của mình trong Kháng chiến chống Nhật, chuẩn bị cướp chính quyền quốc gia.

Phần kết

Việc Hồ Thích đề xướng tư duy độc lập, chủ nghĩa hoài nghi và thực chứng là không thể dung hòa với chính sách mị dân của ĐCSTQ, đây cũng là căn nguyên khiến Mao Trạch Đông sợ hãi Hồ Thích.

May mắn thay, Hồ Thích đã chọn rời khỏi đại lục. May mắn thay, Hồ Thích được sống trong một môi trường tương đối tự do. May mắn thay, Hồ Thích đã không phải thay đổi sự kiên thủ của mình đối với các giá trị phổ thế như tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp trị v.v. Vì thế ông mới có thể đạt được những thành tựu ngoài tầm với của những giáo sư bạn bè của ông lưu lại đại lục. Ông sống an lành đến cuối đời, an hưởng vinh dự.

Ngày 24 tháng 2 năm 1962, Hồ Thích qua đời. Vào ngày tang lễ, 10 vạn người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Đài Loan đã tự phát tống biệt ông, sự quy mô và trọng đại trước nay chưa từng có.

Vợ của Hồ Thích, Giang Đông Tú, nói với con trai cả Hồ Tổ Vọng: “Thật không dễ dàng để được như cha của con!”

Mời quý vị xem video gốc tại đây.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch