Một giáo sư đại học và người mẹ lớn tuổi của ông gần đây đã trở thành những ngôi sao trên mạng xã hội ở Trung Quốc. 9.000 người sử dụng Sina Weibo đã để bình luận dưới một bài báo đưa tin về giáo sư Hu Ming ở phía Tây Bắc tỉnh Quý Châu đã đưa người mẹ lớn tuổi của ông đang mắc bệnh Alzheimer, hội chứng suy giảm trí nhớ đến lớp học của ông để tiện chăm sóc trên thời báo Beijing Youth Daily. 

Bài báo nói rằng những sinh viên năm nhất tại trường đại học thoạt đầu cho rằng bà là một giáo sư đã nghỉ hưu đang dự giờ trong lớp trước khi họ biết bà chính là mẹ của Giáo sư Hu.

Mẹ của giáo sư Hu trong lớp học

“Hôm nay tôi đã đến lớp học lý thuyết và có một người phụ nữ cao tuổi ngồi đằng sau tôi. Đầu tiên tôi không biết tại sao? Sau đó tôi biết rằng bà là mẹ của thầy giáo tôi và bà đã 80 tuổi. Bà bị mắc hội chứng suy giảm trí nhớ nên thầy giáo không thể rời mẹ nửa bước, vì thế thầy đã đưa bà đến lớp học. Đây là lòng hiếu thảo của con cái dành cho các đấng sinh thành và điều đó khiến tôi vô cùng xúc động”. Một người dùng weibo và có lẽ là sinh viên của giáo sư Hu đã viết như thế. Bài viết về giáo sư Hu xuất hiện lần đầu vào năm 2016 nhưng nó chỉ được đón nhận gần đây bởi các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung Quốc.

Bài báo nói rằng cha của Giáo sư Hu đã qua đời do xuất huyết não vào năm 2011, và mặc dù ông có em gái, ông phải đảm trách việc chăm sóc mẹ bởi vì chứng mất trí của bà đồng nghĩa với việc ông là người duy nhất mà bà có thể nhận ra. Ông nói rằng triệu chứng của bà tại thời điểm ấy đã trở nên rất xấu: “Mẹ tôi không thể phân biệt việc bà đang cầm nước giải khát, đường, muối hay là bột giặt”.

Giáo sư Hu đã trả lời thời báo Beijing Youth Daily rằng đôi khi bà ngủ trưa trong lớp học và vào những thời điểm khác bà xem những bài giảng của ông. Ông nói bà “rất bướng bỉnh” trong lớp của ông và sinh viên đón nhận bà một cách nồng ấm. Các phóng viên hỏi rằng liệu ông có từng nghĩ đến việc tìm một người giúp việc nhưng ông nói ông không bao giờ nghĩ mình sẽ ngừng chăm sóc mẹ.

Nhà trường đã đáp lời thời báo Beijing Youth Daily rằng họ không ủng hộ cũng không phản đối việc giáo sư Hu đưa mẹ mình đến trường.

Giáo sư Hu đang miệt mài trong giờ dạy

Chia sẻ với báo chí, giáo sư Hu nói rằng ông đã 58 tuổi nhưng vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu, vì vậy ông không xin nghỉ ở nhà để chăm sóc mẹ được. Đưa mẹ đến lớp là cách duy nhất ông có thể làm ở thời điểm hiện tại.

Bài viết về giáo sư Hu đã nhận được 100.000 lượt thích, 9.000 bình luận và 7.000 lượt chia sẻ. Những người sử dụng Weibo tán dương Giáo sư Hu là một người con trai hiếu nghĩa cũng như một nhà giáo dục tài năng, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế ông giảng dạy mà còn trong cuộc sống.

Bài viết về giáo sư Hu và mẹ của ông được chia sẻ trên Weibo của một sinh viên

Những người khác nói rằng ông đang dạy “bài học lớn nhất” dành cho sinh viên. Người dùng khác lại cho rằng “Hành động của ông không ảnh hưởng đến lớp học hay sinh viên. Đó là một nghĩa cử tốt bụng và có trách nhiệm, và là tấm lòng thơm thảo của ông đối với mẹ già.”

“Tôi nghĩ đây là nền giáo dục tốt nhất cần được thực thi, một mặt là truyền dạy tri thức và mặt khác là sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ.” Người sử dụng khác đã bình luận như vậy.

Theo như một nghiên cứu xuất bản ở Lancet vào năm 2010, Trung Quốc có nhiều người đang sống với căn bệnh mất trí nhớ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Dân số Trung Hoa đang già đi nhanh chóng. “Vào năm 2033, người ta dự đoán rằng những người đang ở độ tuổi lao động sẽ vượt qua số người phụ thuộc, hầu hết là những người cao tuổi”, thời báo New Scientist đã đề cập như vậy.

Câu chuyện của giáo sư Hu đã đánh thức trong mỗi người ý thức về lòng kính trọng dành cho cha mẹ và trách nhiệm làm con của mỗi người, vốn được xem là giá trị cốt lõi trong bất kỳ nền văn hóa và xã hội nào. Kỳ thực, điều này đã được coi trọng từ năm 400 trước Công nguyên, là giá trị đạo đức cốt lõi của Nho giáo và được mô tả trong rất nhiều tác phẩm của những triết gia nổi tiếng.

“Trăm thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm điều thiện, chứ hiếu đứng đầu)

Lòng hiếu thảo là sự biết ơn, là việc làm có ý nghĩa cung kính tôn trọng và phụng sự đáp đền chân thành của người bề dưới đối với bề trên. Cổ nhân đã dạy: “Trăm thiện hiếu vi tiên” (Trong trăm điều thiện, chứ hiếu đứng đầu), chính vì thế, sai lầm lớn nhất của đời người là bất hiếu. Phật gia giảng lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là đứng đầu muôn hạnh, là điều kiện tiên quyết để thành tựu nhân cách đạo đức. Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội, là gốc rễ, cội nguồn và là đạo lý chân chính của cuộc đời này.

Cha mẹ đã ấp ủ biết bao điều tốt đẹp khi đưa chúng ta đến với cuộc đời này. Rồi những lúc chúng ta trải qua vui buồn, thăng trầm trong cuộc sống cũng luôn có cha mẹ ở bên, ủng hộ, giúp đỡ và dõi theo chúng ta bằng cả trái tim và bằng đức hy sinh cao cả. Nếu không hiếu thuận với mẹ cha, cuộc sống của chúng ta liệu có còn ý nghĩa?

Phương Lâm – Thiên Chân